Bài 2: Cùng toàn xã hội ngăn chặn, phòng chống và xử lý tội phạm trẻ
Bài 1: “Lá chắn thép” cho sự bình yên của Nhân dân Nâng cao cảnh giác, ngăn chặn tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản Hải Dương: Thành lập 32 tổ công tác đặc biệt trấn áp tội phạm |
Ngăn chặn, phòng chống và xử lý tội phạm vị thành niên
Đồng chí Thượng tá Lâm Hồng Vũ cho biết, theo thống kê tình hình tội phạm về trật tự xã hội 6 tháng đầu năm 2022 xảy ra 510/673 vụ (giảm 163 vụ (24,2%) so với cùng kỳ năm 2019). Đã điều tra làm rõ 428/510 vụ (đạt 83,9%). Trong thời gian qua, Công an tỉnh chỉ đạo triển khai quyết liệt các giải pháp phòng ngừa, đấu tranh với các loại tội phạm hình sự; Chủ động nắm tình hình, quản lý địa bàn, quản lý đối tượng và thực hiện các đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm. Qua đó đã góp phần kéo giảm 22,7% số vụ phạm tội về trật tự xã hội.
Tội phạm về trật tự xã hội trên địa bàn tỉnh nổi lên một số loại tội phạm như giết người 14 vụ, cướp tài sản 15 vụ, xâm hại tình dục trẻ em 22 vụ, trộm cắp tài sản 163 vụ... Thực tiễn điều tra các vụ án giết người, cố ý gây thương tích cho thấy, nguyên nhân chủ yếu là do mâu thuẫn trong sinh hoạt, đặc điểm văn hoá vùng miền, ăn uống sử dụng rượu bia, ca hát, tình ái, tranh giành địa bàn hoạt động bảo kê, đòi nợ thuê…
Những chiến công của Cảnh sát hình sự Bình Dương |
Đối tượng phạm tội đa số là người ngoài tỉnh, phạm tội lần đầu, trước khi gây án thường sử dụng chất kích thích, ma tuý, tính bộc phát, manh động, liều lĩnh của tội phạm ngày càng cao gây khó khăn, làm giảm hiệu quả công tác phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm này. Đối tượng phạm tội phạm nói chung, tội phạm giết người nói riêng có xu hướng trẻ hóa, đối tượng là thanh thiếu niên chiếm tỷ lệ cao. Đây là lứa tuổi có rất nhiều biến động về tâm lý, sinh lý.
Tội phạm do người chưa thành niên thực hiện có nhiều diễn biến phức tạp, theo thống kê 6 tháng đầu năm 2022 xảy ra 29 vụ bắt khởi tố 80 đối tượng là người chưa thành niên phạm tội (chiếm 5,6% tổng số vụ tội phạm về trật tự xã hội). Các đối tượng là người chưa thành niên tụ tập thành các nhóm để hoạt động phạm tội, vi phạm pháp luật tập trung chủ yếu một số hành vi như trộm cắp tài sản cố ý gây thương tích 10 vụ, cướp giật tài sản 4 vụ, gây rối trật tự công cộng 5 vụ và các hành vi liên quan đến mua bán, vận chuyển, tàng trữ trái phép chất ma túy 3 vụ.
Nổi lên là tình trạng các nhóm thanh thiếu niên tụ tập về đêm, xảy ra mâu thuẫn lên các trang mạng xã hội để kêu gọi bạn bè tụ tập sử dụng các loại hung khí tự chế như dao, mã tấu, gậy gỗ... để giải quyết mâu thuẫn và đã xảy ra hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, điển hình như: Phòng PC02 điều tra vụ giết người xảy ra ngày 3/2/2022 tại khu phố Tân Phú 2, phường Tân Bình, TP.Dĩ An, tỉnh Bình Dương bắt giữ các đối tượng La Chí Cường (17 tuổi), Huỳnh Ngọc Duy (16 tuổi) và 10 đối tượng khác.
Vụ nhóm đối tượng người chưa thành niên tụ tập, đâm chém nhau bị Công an phường Bình An tuần tra phát hiện bắt giữ vào ngày 24/6/2022 tại quán Bida Ngọc Trinh, địa chỉ số 214/10A, khu phố Nội Hóa 2, phường Bình An, thành phố Dĩ An, tỉnh Bình Dương, bắt giữ 11 đối tượng.
Các loại mâu thuẫn phát sinh hành vi giết người, cố ý gây thương tích, gây rối trật tự công cộng do các nhóm thanh thiếu niên gây ra chủ yếu từ những bình luận tiêu cực trên mạng xã hội, mâu thuẫn bộc phát nhất thời do bản tính côn đồ càn quấy, thiếu hiểu biết pháp luật, một số mâu thuẫn, tranh chấp do người chưa thành niên cầm đầu lôi kéo các đối tượng thanh thiếu niên tham gia.
Về công cụ, phương tiện sử dụng phần lớn là các loại hung khí, vũ khí thô sơ (dao rựa, dao thái lan, mã tấu tự chế, kiếm nhật, dao phóng lợn, gậy 3 khúc, tuýp sắt), đồ vật sử dụng trong sinh hoạt hàng ngày như mũ bảo hiểm, xiên nướng thịt, ống nước nhựa, gậy gỗ… không có trường hợp sử dụng súng quân dụng, vật liệu nổ để giải quyết mâu thuẫn.
Tang vật thu được từ các vụ án |
Thượng tá Lâm Hồng Vũ nhận định nguyên nhân chủ yếu xảy ra các vụ phạm pháp hình sự do người chưa thành niên thực hiện trên địa bàn tỉnh là do: Thành phần gia đình của đối tượng người chưa thành niên phạm tội chiếm đa phần là dân nhập cư từ các tỉnh khác đến, có trình độ học vấn thấp, hoàn cảnh kinh tế khó khăn nên thiếu sự quan tâm, giáo dục con cái dẫn đến các đối tượng này dễ bị dụ dỗ bỏ học, tụ tập thực hiện hành vi phạm tội.
Lối sống của một số bộ phận thanh thiếu niên hiện nay chỉ thích hưởng thụ nên đã bỏ học sớm tụ tập thành nhóm ăn chơi, chơi game đến lúc không có tiền dẫn đến thực hiện các hành vi như trộm cắp, cướp, cướp giật tài sản hoặc xảy ra mâu thuẫn với các nhóm thanh niên khác dẫn đến tụ tập đánh nhau dẫn đến gây thương tích.
Việc quản lý, giáo dục học sinh của nhà trường còn bộc lộ nhiều tồn tại. Sự phối kết hợp giữa nhà trường và gia đình với các tổ chức, đoàn thể xã hội còn thiếu chặt chẽ trong giáo dục đạo đức lối sống cho chưa thành niên. Gia đình và nhà trường thiếu sự phối hợp trao đổi thông tin về những người chưa thành niên có biểu hiện hư hỏng, tụ tập với các đối tượng xấu trong xã hội để kịp thời ngăn chặn.
Việc đại dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh diễn biến phức tạp dẫn đến việc các thanh thiếu niên không có việc làm, không có thu nhập ổn định đang là thực trạng dẫn đến tình hình tội phạm trộm cắp, cướp giật tài sản và các tội phạm về ma túy xuất hiện nhiều ở lứa tuổi chưa thành niên.
Nâng cao nhận thức, vai trò của từng cơ quan, ban ngành trong phối hợp phòng, chống tội phạm
Công an tỉnh (Thường trực BCĐ 138) với vai trò nòng cốt trong công tác phòng, chống tội phạm đã chủ động tham mưu Tỉnh ủy, UBND tỉnh chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể phối hợp chặt chẽ với lực lượng Công an thực hiện tốt Chương trình quốc gia phòng chống tội phạm, mở nhiều đợt ra quân tấn công trấn áp tội phạm, xây dựng các mô hình tổ tự quản tại khu dân cư, tổ hòa giải tại các cơ quan, xí nghiệp, tổ chức xã hội, mặt trận đoàn thể...
Kịp thời giải quyết những mâu thuẫn nhỏ trong nội bộ nhân dân, không để từ mâu thuẫn nhỏ trở thành những mâu thuẫn lớn phát sinh tội phạm. Đồng thời, tham mưu Đảng ủy, UBND các cấp triển khai Đề án chuyển hóa địa bàn trọng điểm, phức tạp về trật tự, an toàn xã hội xây dựng và triển khai nhiều mô hình khu dân cư an toàn về an ninh trật tự, CLB phòng chống tội phạm, CLB chủ nhà trọ, đội công nhân xung kích tự quản trong các doanh nghiệp huy động quần chúng tham gia giữ gìn ANTT, phòng chống tội phạm ở cơ sở.
Qua đó đã góp phần nâng cao nhận thức, vai trò của từng cơ quan, ban ngành trong phối hợp, lồng ghép các hoạt động chuyên môn để thực hiện công tác phòng, chống tội phạm. Công an tỉnh Bình Dương cũng đã ban hành Kế hoạch số 17/KH-CAT-PC02 ngày 17/1/2022 ( trên cơ sở Chương trình số 17/CTr-BCĐ ngày 22/12/2021 của Ban Chỉ đạo Kế hoạch 506 - Bộ Công an) về phòng, chống tội phạm xâm hại trẻ em và phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật liên quan đến người dưới 18 tuổi trên địa bàn tỉnh Bình Dương năm 2022; Ban hành Kế hoạch số 52/KH-CAT-PC02 ngày 24/5/2022 về phòng, chống tội phạm xâm hại trẻ em trên không gian mạng trên địa bàn tỉnh.
Bên cạnh đó, Công an tỉnh cũng chỉ đạo các lực lượng khác phối hợp chặt chẽ với Đài phát thanh truyền hình tỉnh, Báo Bình Dương, Liên đoàn lao động, Ban dân vận, Hội liên hiệp phụ nữ các cấp… lồng ghép tuyên truyền phòng, chống người dưới 18 tuổi vi phạm pháp luật trong các đợt tuyên truyền pháp luật cho quần chúng Nhân dân. Nâng cao chất lượng các chuyên mục như “An ninh Bình Dương”, “Pháp luật và cuộc sống”, “Giới thiệu văn bản pháp luật”, “Hộp thư truyền hình”…
Công tác tuyên truyền, vận động được chú trọng nâng cao cả về hình thức lẫn nội dung như về phương thức thủ đoạn cũng như hướng dẫn về cách phòng tránh, phát hiện, phòng chống các loại tội phạm. Hình thức tổ chức thông qua các cuộc họp tại các khu, ấp; Họp tổ nhân dân tự quản hoặc thông qua tiếp xúc trực tiếp, thăm hỏi Nhân dân, phát hành bản tin, khẩu hiệu, sinh hoạt đội nhóm, câu lạc bộ, tổ chức hội thi tìm hiểu…
Lực lượng chức năng cũng tăng cường công tác nắm tình hình, rà soát, đưa vào quản lý, thường xuyên thu thập thông tin, tài liệu bổ sung hồ sơ đối với 184 đối tượng thuộc các hệ xâm phạm tính mạng sức khoẻ, sử dụng vũ lực chiếm đoạt tài sản, xâm phạm an toàn công cộng, trật tự công cộng, mua bán vũ khí, vật liệu nổ, phát hiện và đưa vào diện quản lý 4 đối tượng sử dụng "ma tuý đá" dẫn đến loạn thần, “ngáo đá” có điều kiện, khả năng phạm tội về trật tự xã hội, lập 17 hồ sơ áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn.
Các lực lượng chức năng cũng tăng cường răn đe đối với số đối tượng hình sự trọng điểm, có tiền án, tiền sự, đối tượng hoạt động trong các băng, nhóm tội phạm, các đối tượng nghi vấn thực hiện các hoạt động bảo kê, đòi nợ thuê, áp dụng các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn không để các đối tượng này có điều kiện phạm tội; Phối hợp với các ngành chức năng quản lý tốt số đối tượng bị bệnh tâm thần ở gia đình và ngoài xã hội, phòng ngừa chặt chẽ các đối tượng “ngáo đá” gây ra các vụ giết người, cố ý gây thương tích…
Bên cạnh đó đã thường xuyên làm tốt công tác điều tra cơ bản, chủ động nắm tình hình, của tội phạm xâm hại tình dục trẻ em, người dưới 18 tuổi vi phạm pháp luật. Lên danh sách đưa vào diện quản lý những đối tượng là người chưa thành niên có biểu hiện ăn chơi, đua đòi, tụ tập để chủ động phòng ngừa ngăn chặn hành vi phạm tội xảy ra.
Công tác quản lý hành chính duy trì, thường xuyên kiểm tra hành chính, thực hiện kiểm tra quyết liệt các ngành nghề kinh doanh có điều kiện về ANTT (quán bar, vũ trường, karaoke...) nhằm phòng, ngừa tội phạm. Qua công tác kiểm tra hành chính đã cơ bản rà soát, nắm được tình hình nhân, hộ khẩu, góp phần chủ động trong công tác quản lý cư trú, phát hiện các đối tượng truy nã, đối tượng từ địa phương khác đến lẩn trốn trên địa bàn đồng thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý kịp thời tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật, phòng ngừa tội phạm giết người.
(Còn nữa)
Bài 1: “Lá chắn thép” cho sự bình yên của Nhân dân |
Nâng cao cảnh giác, ngăn chặn tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản |
Hải Dương: Thành lập 32 tổ công tác đặc biệt trấn áp tội phạm |