Bài 1: Cần lắm sự nêu gương
Nêu gương chính là dùng chính hành động, việc làm, lời nói của mình để tạo nên sự “tiền hô, hậu ủng”, tạo nên hiệu ứng lan tỏa giúp cho mọi người nhìn vào việc tốt mình làm mà cùng đi đúng hướng. Trong mùa dịch bệnh như thế này, người đứng đầu nêu gương sẽ khiến cho cơ quan, công sở, cộng đồng và cả Hà Nội cùng phòng chống dịch một cách ý thức và an toàn.
Vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu
Sinh thời, Bác Hồ có nói: "Một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền". Người luôn luôn yêu cầu cán bộ, đảng viên phải gương mẫu trong mọi việc. Không có lĩnh vực nào mà tác dụng nêu gương lại quan trọng bằng lĩnh vực đạo đức. Người phân tích rất rõ ràng, chỉ ra mọi đối tượng. Cụ thể, trong gia đình, đó là tấm gương của cha, mẹ đối với con cái, của anh, chị đối với các em. Trong xóm làng, khu phố, đó là tấm gương của các bậc cao niên, các cựu chiến binh, các thế hệ đi trước đối với thế hệ trẻ.
Trong cơ quan Đảng và Nhà nước, đó là tấm gương của các đồng chí phụ trách, các đồng chí lãnh đạo đối với nhân viên. Trong đơn vị quân đội, đó là tấm gương của các cấp chỉ huy, các chính ủy, chính trị viên đối với binh sĩ, của cấp trên đối với cấp dưới. Cuối cùng, trong toàn xã hội, đó là tấm gương của những "người tốt việc tốt", đối với mọi đối tượng, mọi tầng lớp Nhân dân.
Trong cuốn sách "Tư tưởng Bác Hồ soi sáng sự nghiệp đổi mới của chúng ta”, Đại tướng Võ Nguyên Giáp viết: "Bác Hồ thường nhắc đến một phương pháp giáo dục quan trọng là sức mạnh của sự nêu gương. Bác luôn luôn nêu gương trước cho mọi người noi theo”.
Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng cùng các đồng chí lãnh đạo TP Hà Nội quyên góp ủng hộ Quỹ phòng, chống dịch Covid-19 |
Vì thế, vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu là vô cùng to lớn. Trong tất cả mọi trường hợp, “Đảng viên đi trước, làng nước theo sau”, mùa dịch Covid-19 này cũng vậy. Nếu như những người đứng đầu cơ quan công sở không trực tiếp nêu gương, sẽ tạo nên hiện tượng “thượng bất chính, hạ tắc loạn”. Từ điển Thành ngữ và Tục ngữ Việt Nam của Vũ Dung, Vũ Thúy Anh, Vũ Quang Hào (NXB Văn Hóa, Hà Nội, 1995) đã giải nghĩa “Thượng bất chính, hạ tắc loạn” như sau: “Thượng: trên; hạ: dưới; bất chính: không ngay thẳng; tắc: thì; loạn: lộn xộn - Người trên mà làm bậy thì cấp dưới không thể nghiêm chỉnh được”. Đây là một câu nói ngắn gọn và đơn giản nhưng chứa đựng một giá trị đạo đức quan trọng và căn bản trong thuật lãnh đạo.
Bởi thế, lúc này, hơn bao giờ hết, những tấm gương gần gũi và thiết thực là vô cùng cần thiết. Ở tại cơ quan, đơn vị, những người lãnh đạo cần phải trực tiếp thể hiện trách nhiệm, ý thức của mình.
Còn nhớ, vụ ông Nguyễn Văn Thanh, Giám đốc Công ty Hacinco không khai báo y tế trung thực, còn đi đánh golf trong giờ làm việc, làm lây lan dịch bệnh trong cộng đồng đã khiến dư luận hết sức phẫn nộ. Ngay lập tức, đồng chí Chu Ngọc Anh – Chủ tịch UBND TP Hà Nội đã chỉ đạo Sở Nội vụ có công văn yêu cầu Tổng công ty Đầu tư và Phát triển nhà Hà Nội (Handico) tổ chức kiểm tra, đình chỉ công tác. Hoạt động của sân golf, phòng tập gym… cũng tạm ngừng ngay để phù hợp với yêu cầu phòng, chống dịch.
Lãnh đạo các cấp của thành phố Hà Nội đã hết sức chú ý đến việc nêu gương cũng như ngăn chặn ngay những biểu hiện, hành động lệch chuẩn của những người đứng đầu các cơ quan thuộc Hà Nội để tránh tình trạng tạo hiệu ứng xấu trong cộng đồng. Suốt thời gian vừa đảm bảo phát triển mục tiêu kép phòng, chống dịch và phát triển kinh tế, các lãnh đạo của thành phố luôn nêu gương, đi đầu, xông pha vào những nơi điểm nóng của dịch bệnh như: Bệnh viện K, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương… để hỏi han, động viên, chỉ đạo kịp thời phòng, chống dịch bệnh. Ngoài việc theo dõi, chỉ đạo sát sao, lãnh đạo Hà Nội cũng nêu gương trong việc đảm bảo quy tắc 5K, tham gia đóng góp ủng hộ Quỹ Vaccine, ủng hộ Quỹ Phòng, chống Covid-19…
Các cấp lãnh đạo Hà Nội cũng luôn chấn chỉnh các hành vi lệch chuẩn, kiên quyết xử lí những vi phạm phòng, chống dịch, đồng thời khuyến khích các lãnh đạo cơ quan thuộc Hà Nội linh hoạt, chủ động chỉ đạo nhân viên làm việc online, giãn cách cho phù hợp với tình hình hiện nay. Đặc biệt, người đứng đầu các cơ quan phải chịu trách nhiệm về việc nhân viên của mình bị lây nhiễm hoặc làm lây lan dịch bệnh cho cộng đồng. Đó là cách để phát huy hơn nữa vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong khi dịch bệnh hết sức phức tạp như hiện nay.
Cây cao càng phải tỏa bóng rợp
Ngoài sự nêu gương của các cấp chính quyền, sự đi đầu, gương mẫu của những người cao tuổi, có tiếng nói trong cộng đồng dân cư, các bậc ông bà, cha mẹ cũng hết sức cần thiết trong giai đoạn khó khăn này.
Bà Ngô Thị Loan (Hoàng Mai, Hà Nội) về hưu gần chục năm nay, hàng ngày ngoài việc dạy dỗ, chăm sóc các cháu, làm việc nhà, bà thường nghe tin tức thời sự, nói chuyện với các ông bà già trong tổ dân phố. Bà bảo: “Hơn ai hết, bây giờ “cánh già” cần phải nêu gương. Tôi nghe thời sự hàng ngày, nắm bắt rất rõ những quy định về phòng chống dịch, các hoạt động, chỉ thị của thành phố và Trung ương nên bỏ thời gian, công sức ra để trao đổi với các ông bà già trong phường, trong ngõ. Mình chấp hành tốt các quy định phòng chống dịch, có ý thức cao thì con cháu mới làm theo, có như thế hiệu quả chống dịch mới cao”.
Trong thời gian dịch bệnh, bà Loan không còn giữ thói quen tụ hội với các ông bà già trong ngõ vào buổi sáng nữa. Thay vào đó, bà chỉ gặp riêng từng người để tránh tụ tập đông người. Bà nhắc các ông bà già đi chợ mua lượng thực phẩm đủ dùng cho vài ngày, vừa đảm bảo nhà đủ dùng, ít phải đi chợ nhiều nhưng cũng không “găm hàng” khiến chợ búa đắt đỏ.
Các ông bà già nhắc nhở nhau đi chợ cũng phải thực hiện đủ 5K |
Bà nhắc mọi người giữ gìn vệ sinh ngõ phố, nêu gương dọn dẹp hàng ngày để vệ sinh cho không gian sống được sạch đẹp. Với những gia đình có người thường xuyên đi công tác, bà nhắc họ phải khai báo y tế nghiêm túc, chủ động.
Trong gia đình, bà cũng là người làm gương cho các con cháu, tránh tụ tập đông người, đeo khẩu trang khi đi ra ngoài, rửa tay sát khuẩn thường xuyên, bỏ hẳn thói quen tập thể dục cùng các ông bà già ở đình làng như trước khi có dịch. Bà thường xuyên nhắc nhở các con chấp hành tốt quy định 5K, đồng thời nhắc nhở con cháu nâng cao tinh thần, hạn chế những nhu cầu cá nhân vì cộng đồng. Nhiều khi, các con cháu của bà Doan phải hỏi bà về tình hình thời sự, các quy định mới của Thành phố vì họ cho rằng: “Có mẹ nêu gương rồi, cứ yên tâm thực hiện theo những gì mẹ truyền đạt”.
Việc nêu gương như vậy thì mới thực hiện được việc “trên bảo dưới nghe” và tăng cường tính giám sát, phản biện trong lúc dịch bệnh vẫn tiếp tục khiến cuộc sống của chúng ta gặp nhiều khó khăn như hiện nay.
(Còn nữa)