Bắc Giang: Mua hơn 20.000 tem giả để “phù phép” cho thực phẩm chức năng
Cục An ninh Kinh tế cảnh báo đa cấp Skyway huy động vốn trái phép Bắc Giang: Liên tiếp bắt giữ 2 đối tượng tàng trữ trái phép chất ma túy Bắc Giang: Xử phạt lái xe đầu kéo đi ngược chiều trên cao tốc |
Ngày 12/10, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Bắc Giang khởi tố thêm một bị can, mở rộng điều tra vụ án Vũ Văn Sỹ và đồng phạm “sản xuất, buôn bán hàng giả là thực phẩm”.
Để phù phép cho các sản phẩm của Công ty, Vũ Văn Sỹ, Giám đốc Công ty cổ phần Công nghệ cao EUPHA (trụ sở tại xã Đại Lâm, huyện Lạng Giang) đã đặt in 20 nghìn tem giả có dòng chữ “Trung tâm KTTLVN Bộ Công an - Tem chống hàng giả - Hàng chính hãng - Phân phối độc quyền) tại Công ty La Giang (Hà Nội).
Quá trình điều tra đã xác định: Tháng 2/2022, Vũ Văn Sỹ đã liên hệ với Nguyễn Thị Huệ (SN 1994) là quản lý của Công ty La Giang đặt in 10 nghìn con tem với giá 800 nghìn đồng để dán lên các lọ collagen giả. Sỹ gửi hình ảnh scan tem, nhãn vỏ hộp nêu trên qua tin nhắn zalo cho Huệ.
Cán bộ Cơ quan Cảnh sát điều tra đọc lệnh khởi tố đối với Nguyễn Thị Huệ. Ảnh: Báo Bắc Giang |
Hình ảnh tem được nhân viên thiết kế của Công ty La Giang chỉnh sửa, gửi lại để hai bên thống nhất duyệt, in tem. Toàn bộ quá trình giao dịch, trao đổi giữa các bên đều được thực hiện qua tin nhắn Zalo.
Đến tháng 4/2022, Sỹ tiếp tục đặt Huệ in thêm 10 nghìn con tem loại này. Dù Huệ biết rõ Công ty La Giang không được cơ quan chuyên môn cấp phép hoạt động in tem chống hàng giả nhưng vẫn sản xuất loại tem này để bán cho Sỹ kiếm lời.
Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Bắc Giang đã ra quyết định bổ sung quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Nguyễn Thị Huệ về tội “Làm, buôn bán tem giả” và khám xét Công ty La Giang.
Trước đó, ngày 11/6, Công an tỉnh Bắc Giang tiếp nhận được thông tin phản ánh về việc Công ty cổ phần Công nghệ cao UEPHA, địa chỉ tại xã Đại Lâm (Lạng Giang) sản xuất hàng hóa giả là thực phẩm chức năng Collagen.
Phòng Cảnh sát kinh tế (Công an tỉnh) đã phối hợp với các đơn vị liên quan bắt quả tang, thu giữ 16 thùng nặng khoảng 600kg chứa các viên nang là thực phẩm chức năng Collagen giả và 13 thùng chứa vỏ hộp giấy, hộp nhựa, tem nhãn Collagen cùng 3 máy khò và nhiều đồ vật liên quan.
Đối tượng Vũ Văn Sỹ (SN 1995), Giám đốc Công ty thừa nhận đã đặt mua các viên nang trên từ một số cá nhân, sau đó làm giả các loại vỏ hộp, nhãn mác rồi đóng gói thành sản phẩm Collagen Gold giả sản phẩm Collagen do Công ty Cổ phần dược phẩm Top Queen Việt Nam là đơn vị đăng ký nhập khẩu từ nhà sản xuất AVA Pharmaceutical nhằm mục đích bán kiếm lời.
Mở rộng vụ án, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Bắc Giang đã tạm giữ Ong Thị Vân (SN 1988) là Giám đốc Công ty TNHH Nam Phong có địa chỉ ở số 32, 75, ngách 322/95/29, đường Mỹ Đình, phường Mỹ Đình 1, quận Nam Từ Liêm (Hà Nội) là người có liên quan trong vụ sản xuất, buôn bán thực phẩm năng giả này.
Vũ Văn Sỹ, Ong Thị Vân và sản phẩm thực phẩm chức năng giả |
Đồng loạt trong 2 ngày 13 và 14/6, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Bắc Giang đã thực hiện khám xét khẩn cấp các điểm là nhà kho và trụ sở công ty của Vân và Sỹ, thu giữ 76 thùng hàng bao gồm thành phẩm và các sản phẩm, tem nhãn, vỏ hộp dùng để đóng gói.
Tại cơ quan công an, bước đầu, Ong Thị Vân khai nhận trước đó đặt 1.200 lọ thực phẩm chức năng Collagen của Vũ Văn Sỹ và đã giao cho trình dược viên, bán trên Facebook hết số lượng trên.
Các thực phẩm chức năng do Sỹ và Vân sản xuất, tung ra thị trường mà cơ quan công an thu giữ bao gồm các loại phổ biến như: Glucosamin, Collagen, Canxi giả nhãn mác của các công ty có uy tín trên thị trường nhập khẩu từ Mỹ về Việt Nam.