69 doanh nghiệp chậm thanh toán gốc, lãi trái phiếu khoảng 19.200 tỷ đồng
Theo Bộ Tài chính, trong quý I/2023, khối lượng trái phiếu doanh nghiệp đã phát hành được 24.708 tỷ đồng. Trong đó, khối lượng phát hành kể từ ngày 6/3/2023 khi Nghị định 08/2023/NĐ-CP có hiệu lực là 23.825 tỷ đồng, tương đương chiếm khoảng 96%.
Các lô trái phiếu được phát hành với lãi suất, kỳ hạn phát hành bình quân là 7,75%/năm và 2,37 năm. Về cơ cấu, 98,2% khối lượng phát hành thuộc lĩnh vực bất động sản, khách hàng chủ yếu là nhà đầu tư tổ chức chiếm 99,99%, trong đó các ngân hàng chiếm 77%.
Về tình hình thanh toán nợ trái phiếu và tái cơ cấu, trong quý I/2023, có 69 tổ chức phát hành chậm thanh toán gốc, lãi trái phiếu doanh nghiệp với tổng giá trị khoảng 19.200 tỷ đồng.
Hiện có 23 tổ chức phát hành có phương án đàm phán với nhà đầu tư và báo cáo cho Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) với khối lượng khoảng 9.600 tỷ đồng (chiếm 50% khối lượng chậm thanh toán).
Ảnh minh họa. |
Trong báo cáo mới đây, Công ty Cổ phần FiinRatings cho biết, tính đến ngày 17/3/2023, đã có 69 tổ chức phát hành có một hoặc nhiều hơn lô trái phiếu lưu hành đã không thể đáp ứng nghĩa vụ nợ với tổng giá trị 94,43 nghìn tỷ đồng (bao gồm 4.157,4 nghìn tỷ đồng chậm trả đã đáo hạn từ 2022), chiếm 8,15% giá trị trái phiếu doanh nghiệp đang lưu hành.
Cụ thể, trong đó có 65 tổ chức phát hành vi phạm nghĩa vụ nợ và 4 đơn vị có trái phiếu doanh nghiệp đến hạn nhưng đã được tái cơ cấu nợ.
Trong tổng số 69 tổ chức phát hành chậm trả, có 43 đơn vị là doanh nghiệp trong ngành bất động sản với tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp chậm trả nợ ở mức 78,9 nghìn tỷ đồng, chiếm 83,6% với tổng giá trị trái phiếu của các doanh nghiệp chậm trả nợ trái phiếu.
Theo Công ty Cổ phần FiinRatings, các tổ chức phát hành có mức đòn bảy nợ rất cao; dòng tiền trả nợ yếu do vay nợ tăng nhưng vốn chủ yếu tồn đọng ở các khoản phải thu và đầu tư tài chính dài hạn thay vì tạo ra tài sản cố định hữu hình hoặc hàng tông kho hoàn thành dẫn đến rủi ro thanh khoản ở mức cao và rất cao và mất cân đối về kỳ hạn. Kỳ hạn nợ ngắn trong khi dòng tiền kinh doanh âm nhiều kỳ liên tiếp trước khi xảy ra sự kiện vi phạm nợ.
Về xu hướng tình hình trái phiếu doanh nghiệp trong năm 2023 và 2024, Công ty Cổ phần FiinRatings cho rằng, vấn đề cần quan tâm và rủi ro chính là 396,3 nghìn tỷ đồng đến từ 302 doanh nghiệp bất động sản trong tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp lưu hành 788,9 nghìn tỷ đồng với 757 tổ chức phát hành là doanh nghiệp phi ngân hàng.
"Chúng tôi cho rằng tỷ lệ nợ xấu trái phiếu sẽ tiếp tục đà tăng trong thời gian tới trước khi những thay đổi chính sách có hiệu quả trực tiếp và trước khi môi trường kinh doanh được dần cải thiện rõ rệt", Công ty Cổ phần FiinRatings nhận định.
Nguyên nhân được Công ty Cổ phần FiinRatings cho là áp lực nợ đáo hạn 107,5 nghìn tỷ đồng sẽ đáo hạn trong năm 2023 trong khi triển vọng kinh doanh của ngành bất động sản đang gặp những trở ngại lớn và chưa có dấu hiệu khởi sắc trở lại.