5 “nhà khoa học trẻ” xây dựng mô hình trận Điện Biên Phủ trên không
Thiết thực hướng tới 50 năm kỷ niệm trận Điện Biên Phủ trên không (12/1972-12/2022), với sự khích lệ của BGH và sự hướng dẫn của thầy cô trường THCS Cầu Giấy, nhóm 5 học sinh đã mạnh dạn xây dựng ý tưởng “Mô hình trận Điện Biên Phủ trên không”. Đó là 5 học sinh: Hoàng Thiên Sơn, Lê Việt Linh, Mai Chí Kiên (lớp 9A3), Phạm Quang Hưng (cựu học sinh lớp 9SB1), Trần Đan Thảo (lớp 8A6).
Ý tưởng sản phẩm ra đời với mong muốn giới thiệu cho các bạn học sinh, phụ huynh, bạn bè quốc tế về chiến dịch “Điện Biên Phủ trên không” dưới góc nhìn trực quan sinh động thông qua việc ứng dụng một số công nghệ hiện đại nhằm thay đổi cách thức tiếp cận đối với người xem.
Nhóm học sinh trường THCS Cầu Giấy say mê với mô hình sáng tạo của mình |
Thành quả của năm “nhà sáng tạo trẻ” sau một khoảng thời gian nghiên cứu xây dựng kế hoạch, tìm kiếm nguyên vật liệu, lắp ráp, vận hành… là một mô hình trực quan sinh động tái hiện trận chiến lịch sử và tinh thần quả cảm của quân dân ta.
Từ mô hình, các bạn học sinh có cơ hội mở rộng thêm vốn hiểu biết về lịch sử đất nước, khơi dậy tình yêu đối với bộ môn và đặc biệt là bồi đắp lòng tự hào dân tộc trong thế hệ trẻ.
Đại diện nhóm học sinh, em Phạm Quang Hưng chia sẻ: Mô hình trận Điện Biên Phủ trên không là một mô hình trực quan sinh động về trận chiến mang tầm lịch sử của quân và dân ta. Mô hình được mô tả trực quan sinh động bằng hình ảnh, âm thanh gắn với việc áp dụng khoa học công nghệ thông qua sử dụng mô hình chuyển động của máy bay, mã định danh QR.
Mô hình được làm từ formex (nền sa bàn), bìa cac-tông, dây đèn led trang trí, khung, dây cắm, mạch arduino, module relay 4 và 18 kênh, loa, động cơ giảm tốc, nguồn tổ ong, các bảng điều khiển. Kích thước tổng thể của sa bàn là 1.200x1.000x200mm, gồm 4 chân đế cao 50mm để nâng sa bàn.
Sa bàn thể hiện các khu vực như viện Bạch Mai, cầu Long Biên, nhà tù Hỏa Lò, Cột cờ Hà Nội, hồ Ngọc Hà, phố Khâm Thiên. Bộ hình ảnh sống động cùng nội dung thuyết minh được thể hiện bằng tiếng Anh, tiếng Việt, thông qua QR-code ở mỗi địa danh với các sự kiện, nhân vật quan trọng đã lan toả, khơi dậy nguồn cảm hứng trong sáng tạo và còn là nơi kết nối giữa học sinh với giáo viên, giữa lịch sử và hiện đại, giữa người Việt Nam với du khách quốc tế.
Với ý tưởng sáng tạo độc đáo, nhóm học sinh trường THCS Cầu Giấy đã xuất sắc giành giải Nhì cuộc thi sáng tạo thanh thiếu niên nhi đồng toàn quốc năm 2022.
Chia sẻ cảm xúc khi được nhận giải thưởng, em Phạm Quang Hưng tự hào cho biết: “Lúc này, cả nước đang hướng tới kỷ niệm 50 năm Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”. Là những học sinh được sinh ra, lớn lên, học tập ở Thủ đô ngàn năm văn hiến, chúng em cảm thấy vô cùng tự hào về những chiến công oanh liệt, truyền thống yêu nước, đoàn kết, ý chí kiên cường, bất khuất của dân tộc Việt Nam, của Thủ đô anh hùng cách mạng.
Em muốn các bạn học sinh, phụ huynh, bạn bè quốc tế biết đến chiến dịch “Điện Biên Phủ trên không” dưới góc nhìn trực quan sinh động. Chúng em hi vọng mô hình tạo hứng thú đối với người xem, tăng thêm sự yêu thích của học sinh đối với bộ môn lịch sử và các bạn thêm yêu quê hương đất nước, thêm tự hào dân tộc Việt Nam”.
Hưng cũng cho biết hiện nay, nhóm đang có ý tưởng nâng cao hoàn thiện mô hình với thuyết minh và mã QR sẽ được thêm nhiều thứ tiếng khác nhau như: Hàn, Nhật, Pháp, Nga… cũng như xây dựng video về trận “Điện Biên Phủ trên không” để tiếp cận nhiều hơn với các em học sinh và các du khách từ các nước khác trên thế giới.