1,5 tỷ người hân hoan đón Tết Nguyên đán: Những phong tục đón Tết độc đáo
Ngày xuân lên xứ Lạng ngắm hoa đào |
Tết Nguyên đán 2020 rơi vào đúng ngày 25/1 năm nay và 1,5 tỷ người khắp thế giới đang ăn mừng cùng với gia đình với những món ăn và phong tục truyền thống.
Người Việt Nam, Trung Quốc, Hàn Quốc... thường đưa tiền mừng tuổi trẻ em và tưởng nhớ tổ tiên trong dịp lễ hội kéo dài này. Ở Trung Quốc, lễ hội mùa xuân kéo dài 15 ngày trong khi Tết Nguyên đán của Việt Nam kéo dài 1 tuần. Tết Nguyên đán ở Hàn Quốc, được gọi là Seollal, diễn ra trong 3 ngày.
Những phong tục Tết Nguyên đán
Tiền mừng tuổi thường được để trong một phong bao màu đỏ, được gọi là tiền lì xì trong tiếng Việt hay hong bao trong tiếng Hoa. Người lớn thường trao các bao lì xì để nhận lấy những lời chúc tốt đẹp cho năm mới. Trẻ em thường nhận lì xì từ ông bà, cha mẹ, cô dì chú bác nhưng cũng thường nhận tiền mừng tuổi từ bạn bè của cha mẹ.
Đèn lồng đỏ trang hoàng ở một ngôi đền tại Malaysia dịp Tết Nguyên đán. Ảnh: AFP/Getty. |
Tiền mừng tuổi có thể có các mệnh giá khác nhau và phản ánh những con số may mắn. Màu sắc của bao lì xì cũng có ý nghĩa, Yiju Huang - trợ lý giáo sư người Trung Quốc tại Đại học Fordham, New York được tờ USA Today dẫn lời nói rằng: "Sự thịnh vượng có liên quan tới màu đỏ. Số tiền không phải là rất lớn nhưng là niềm vui to lớn với trẻ em và chúng thường dùng tiền để mua kẹo" - ông nói.
Ở Hàn Quốc, cha mẹ cho trẻ em tiền dịp năm mới, được gọi là sebaedon, sau khi trẻ quỳ lạy và chúc phúc cha mẹ. Tiền thường được đặt trong túi lụa hoặc bông có thêu hình trang trí.
Những món ăn đặc biệt
Đối với các gia đình Việt Nam, bánh chưng và bánh dầy tượng trưng cho vật chất và tinh thần, một giáo sư người Việt cho biết. Bánh được gói trong lá dong hoặc lá chuối có gạo nếp, thịt lợn và đậu xanh. "Theo triết học phương Đông, vòng tròn tượng trưng cho bầu trời và hình vuông đại diện cho trái đất. Vì vậy, bánh dầy (bánh tròn) tượng trưng cho bầu trời và bánh chưng (hình vuông), tượng trưng cho trái đất. Hai chiếc bánh này đại diện cho toàn vũ trụ" – một giáo sư người Việt tại University of California, Los Angeles (UCLA) nói. Các thực phẩm khác trong dịp Tết Nguyên đán gồm hạt dưa, các loại mứt hoa quả như mứt dừa...
Các món ăn Trung Quốc cho Tết Nguyên đán bao gồm mì trường thọ mang ý nghĩa cuộc sống lâu dài, cả con gà đại diện cho sự gắn kết gia đình và bánh nếp cho sự thịnh vượng. Một số món ăn mang ý nghĩa trong tên gọi như bánh gạo được gọi là "nian gao" nghe giống cụm từ "năm cao" mang ý nghĩa một năm có thu nhập cao hơn, thành công hơn.
Với các gia đình Hàn Quốc, canh bánh gạo được gọi là tteokguk là món đặc biệt trong ngày đầu năm mới. Ở các vùng miền khác nhau, thành phần của món ăn này khác biệt tuy nhiên về cơ bản là có nước dùng từ thịt bò và có các thành phần là trứng, thịt, rong biển khô và bánh gạo thái mỏng. Hình dạng giống như đồng xu trắng của những chiếc bánh tượng trưng cho một năm thịnh vượng.
Tập tục trang hoàng đón Tết
Với người Việt Nam, việc sắp xếp và trang trí lại nhà cửa trong dịp năm mới giúp xóa bỏ những lo lắng, muộn phiền của năm cũ. "Hầu như mọi gia đình đều dọn dẹp nhà cửa sạch sẽ, gọn gàng để đón khách trong những ngày đầu năm" - giáo sư gốc Việt nói.
Các văn phòng, cửa hàng, nhà hàng đều dọn dẹp với hi vọng nhiều khách hàng hơn sẽ đến trong dịp năm mới và việc kinh doanh sẽ thành công hơn.
Cành đào được dùng để trang trí trong các gia đình Việt dịp Tết Nguyên đán. Ảnh: EPA. |
Để đón xuân vào nhà, các gia đình Việt Nam cũng đặt hoa đào, hoa cúc và hoa mai trong nhà. Màu vàng, hồng và đỏ của những loài hoa này tượng trưng cho niềm vui.
Các gia đình Trung Quốc cũng trang trí bằng màu đỏ trong lễ hội mùa xuân. Họ treo đèn lồng đỏ, các câu đối và lời chúc mừng. Trong nhà, các gia đình Trung Quốc trang trí với các đĩa trái cây có màu vàng như cam, quýt cũng được tin là sẽ mang lại may mắn. Ở trước cửa, các gia đình Trung Quốc sẽ trang trí các câu đối nói về sự đổi mới, thành công và may mắn.
Nghi lễ cúng tổ tiên của Hàn Quốc
Theo truyền thống của Hàn Quốc, các gia đình thực hiện nghi thức lễ tổ tiên gọi là charye vào sáng đầu năm mới. Nghi lễ thể hiện lòng hiếu thảo và biết ơn tổ tiên, Trung tâm Văn hóa Hàn Quốc tại New York cho hay.
Đại gia đình tập trung trước bàn và đặt các món ăn như tteokguk, mì và thịt nướng. "Mỗi loại thực phẩm được đặt theo một thứ tự và hướng cụ thể.
Sau khi đặt xong, nghi thức bắt đầu bằng việc quỳ lạy và gửi lời chúc mừng tới linh hồn tổ tiên" – thông tin từ trung tâm nêu rõ. Một số gia đình mặc quần áo truyền thống được gọi là hanbok cho nghi thức hoặc những trang phục trang trọng khác.
Hàn Quốc có nghi lễ cúng tổ tiên trong sáng đầu tiên của năm mới Seollal. Ảnh: AP. |