14-15 tuổi đã mắc bệnh tình dục, bác sĩ cảnh báo không nên tự điều trị

Số trẻ vị thành niên đến khám và mắc các bệnh về lậu, giang mai... đang có xu hướng tăng, có nhiều bệnh nhân chỉ khoảng 14 - 15 tuổi đã mắc bệnh tình dục, bác sĩ Đinh Hữu Nghị, Giám đốc Trung tâm Đào tạo - Chỉ đạo tuyến, Bệnh viện Da liễu Trung ương cho biết.
WHO: Mỗi ngày thế giới có khoảng 1 triệu người nhiễm ‘bệnh hoa liễu’ Phát hiện 3 lô thuốc giả đều là thuốc được sử dụng khá phổ biến

Thống kê tại bệnh viện Da liễu Trung ương, trong 5 tháng đầu năm 2019, tại Bệnh viện Da liễu Trung ương, các bác sĩ ghi nhận khoảng 1.013 trường hợp viêm niệu đạo, 429 trường hợp viêm âm đạo bán cấp. Đặc biệt, bệnh nhân giang mai là 343 người, 170 người mắc bệnh lậu.

14-15 tuổi đã mắc bệnh tình dục, bác sĩ cảnh báo không nên tự điều trị
Bệnh tình dục đang có xu hướng gia tăng và ngày càng trẻ hóa. Ảnh minh họa

Điều đáng lo ngại là tỷ lệ bệnh lây qua đường tình dục đang có xu hướng gia tăng. Đặc biệt, bệnh viện ghi nhận nhiều trường hợp mắc bệnh lây qua đường tình dục khi còn rất trẻ. Tỷ lệ này ngày càng nhiều trong nhóm nam quan hệ đồng giới.

Nguyên nhân là do hiện nay tuổi dậy thì ở trẻ sớm hơn, lứa tuổi thanh thiếu niên kinh nghiệm sống còn thiếu nên không được hướng dẫn quan hệ tình dục an toàn, dẫn tới bệnh lây qua đường tình dục cao hơn các lứa tuổi thông thường.

Biểu hiện của bệnh giang mai hay gặp nhất là trên người nổi các ban đỏ, dát đỏ. Những ban đỏ không giống dị ứng nó không ngứa, nổi chậm, mất từ từ. Khi những ban đỏ mất đi để lại đám loang lổ, tăng giảm sắc tố, nhiều bệnh nhân đến khám dễ chẩn đoán nhầm mề đay.

Ngoài ra, triệu chứng ban đỏ ở lòng bàn tay kèm theo viền vảy. Khi có các dấu hiệu này, bác sĩ Nghị khuyến cáo người bệnh cần nhanh chóng tới các cơ sở y tế để kiểm tra vì để lâu giang mai chuyển sang mãn tính gây ra nhiều biến chứng.

Bác sĩ Nghị cho biết cũng chỉ ra một điều khác biệt là tư duy khám bệnh tình dục của người dân đã bước đầu thay đổi. Nếu như trước kia, các ca bệnh đường tình dục chỉ được phát hiện qua khám sàng lọc thì nay đa số tỷ lệ bệnh nhân có triệu chứng lâm sàng như có tổn thương trên da đến khám với số lượng rất đông.

Tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều người bệnh có tâm lý e ngại khi mắc các bệnh xã hội tự mua thuốc về nhà điều trị hoặc chọn những cơ sở khám tư không uy tín.

Theo thống kê của bệnh viện, số bệnh nhân tới khám có tỷ lệ kháng kháng sinh Ciprofloxacin tới trên 90 %, Penicilinelaf 45%... Chính việc tự mua thuốc về điều trị gây tăng tỷ lệ nhờn thuốc trong đó có điều trị lậu.

BS Nghị cho biết, việc người bệnh tự dùng kháng sinh tăng biểu hiện nhờn thuốc nên sinh ra lậu kháng thuốc, thậm chí làm tình trạng tăng nặng hơn. Các bác sĩ rất khó khai thác tiền sử dùng thuốc như thế nào, dùng thuốc gì và liều lượng ra sao. Điều nay gây khó khăn cho công tác khám chữa các bệnh xã hội.

Chẳng hạn như với bệnh lậu, việc bệnh nhân tự ý dùng thuốc sẽ khiến bệnh chuyển sang giai đoạn mãn tính, kháng thuốc. Khi đến khám tại bệnh viện, bác sĩ cần làm thêm các xét nghiệm tìm vi khuẩn lây bệnh, vi khuẩn kháng thuốc để lựa chọn kháng sinh phù hợp. Người bệnh sẽ tốn kém thêm chi phí này.

Bên cạnh đó, việc điều trị không đúng phát đồ gây các biến chứng như viêm hệ tiết niệu ở đàn ông, hệ sinh sản, gây viêm phần phụ cho bệnh nhân nữ. Bà mẹ mang thai bị lậu có nguy cơ lây truyền cho con khi đẻ thường, còn mổ đẻ không khó khăn nhiều.

Bác sĩ Nghị cũng cho biết thêm, có nhiều bệnh nhân tới bệnh viện Da liễu Trung ương sau khi tốn rất nhiều tiền ở phòng khám tư có yếu tố nước ngoài mà không khỏi. Khai thác lịch sử chữa bệnh, các phòng khám này cho truyền, đốt sóng để chữa bệnh lậu và thu của bệnh nhân hàng chục triệu đồng, có khi lên tới 60 - 70 triệu đồng. Bệnh nhân thì vì e ngại không dám đến cơ sở y tế chuyên khoa nên tiền mất, tật vẫn mang.

Bác sĩ Nghị khẳng định, không có phương pháp nào truyền hay dùng bước sóng để truyền mà chỉ dùng kháng sinh đường tiêm và uống mới trị được bệnh lậu.

Còn riêng với lứa tuổi vị thành niên, bác sĩ Nghị khuyến cáo gia đình và nhà trường cần phối hợp để giáo dục giới tính, giúp các em có hiểu biết đúng về mối nguy hiểm của các bệnh lây nhiễm qua đường tình dục và biện pháp phòng tránh.

Trên thế giới, có khoảng 20 triệu ca nhiễm các bệnh lây truyền qua đường tình dục mới mỗi năm, và gần một nửa trong số chúng xảy ra ở những người trong độ tuổi từ 15 đến 25. Điều đáng nói là các bệnh này thường không có triệu chứng, ngay cả những người đã mắc bệnh ở giai đoạn nặng.

Tiến sĩ Jeffrey Klausner, giáo sư y khoa thuộc Khoa Truyền nhiễm và Chương trình Sức khỏe Toàn cầu tại UCLA và là thành viên của Hiệp hội Bệnh truyền nhiễm Hoa Kỳ (IDSA) đưa ra lời khuyên, bất kỳ sự tiết dịch bất thường nào từ bộ phận sinh dục, nóng rát khi đi tiểu, đau, chảy máu sau khi giao hợp, đau bụng dưới, chảy máu trực tràng hoặc nhiễm trùng cổ họng là những tín hiệu cần được xét nghiệm. Tâm lý chung là phòng ngừa tốt nhất.

Cách phòng ngừa các bệnh lây nhiễm qua đường tình dục thường gặp sẽ giúp bạn giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh hiệu quả.

  • Không quan hệ khi đang say rượu hoặc dùng chất kích thích.
  • Quan hệ tình dục chung thủy một vợ một chồng.
  • Kiểm tra sức khỏe tình dục định kỳ 6 tháng/lần.
  • Sử dụng bao cao su khi quan hệ
  • Vệ sinh bộ phận sinh dục sạch sẽ trước và sau quan hệ
Huyền My (t/h)
Phiên bản di động