Cẩn trọng với món lẩu nướng vỉa hè

Những ngày cuối năm, tiết trời trở lạnh, đây là thời điểm các quán lẩu, quán nướng tấp nập khách hàng.

Giá rẻ, hút khách

Chị Nguyễn Quỳnh Trang (Đầm Trấu, Hà Nội) chia sẻ, chị rất thích các món nướng. Cuối tuần rảnh rỗi, chị lại gọi điện rủ bạn bè tụ tập. Quán nướng từ đầu mùa rét này đã trở thành điểm hẹn của nhóm bạn.

Chỉ với vài trăm nghìn đồng, Trang và nhóm bạn của mình đã có thể thưởng thức đủ món món thịt lợn, nầm, chân gà, củ quả nướng...

Cứ đến mùa lạnh là các quán nướng lại lên ngôi, được nhiều thực khách ưa chuộng. Từ những quán hàng cao cấp đến các quán hàng tràn ngập vỉa hè. Các quán này rất đông khách, đặc biệt vào mùa đông bởi hương vị thơm ngon, món ăn đa dạng, giá cả bình dân và phù hợp với thời tiết lạnh giá.

Cẩn trọng với món lẩu nướng vỉa hè
Các hàng lẩu, nướng vỉa hè lúc nào cũng đông khách trong mùa đông Hà Nội (Ảnh: Minh Lâm)

Trong những ngày lạnh tê tái như hiện nay, ngoài món nướng thì lẩu cũng là lựa chọn của nhiều người, từ nhỏ tuổi đến lớn tuổi đều ưa thích. Anh Đinh Trung Anh (Ba Đình, Hà Nội) cho biết anh và nhóm bạn thường lựa chọn ăn lẩu khi không khí lạnh về.

“Cái cảm giác xì xụp bên cạnh nồi lẩu nghi ngút, ngồi lai rai trong những ngày lạnh thế này thật đặc biệt”, anh Trung Anh nói.

Theo anh Trung Anh, hiện nay, các quán lẩu khá đa dạng, từ phân khúc cao cấp đến bình dân. Có rất nhiều loại lẩu cho bạn lựa chọn như: lẩu riêu cua, lẩu gà, lẩu bò, lẩu thập cẩm, lẩu ếch... mỗi loại một hương vị riêng, dù bạn ăn liên tục cũng ít bị ngán.

Bên cạnh các loại lẩu cổ điển, còn có lẩu Thái, lẩu Hồng Kông… dù vậy giá cả vẫn rất bình dân, ăn no cũng chỉ tốn khoảng 150 - 200 nghìn đồng/người.

Tuy nhiên, nguy cơ thực phẩm bẩn, gây hại sức khỏe... là lời cảnh báo cho những ai ưa thích món ăn này.

Nguy cơ ngộ độc thực phẩm

Chân gà, thịt nướng thơm lừng bởi chủ quán tẩm ướp rất khéo, ngon thì cứ ăn chứ ít ai quan tâm đến nguồn gốc của chúng. Trên thực tế, hầu hết thực khách đều bị mùi thơm của đồ ăn quyến rũ mà ít quan tâm đến xuất xứ của thực phẩm.

Cuối năm cũng là dịp nhiều thực phẩm bẩn, kém chất lượng, không rõ nguồn gốc, xuất xứ được tuồn vào thị trường tiêu thụ, nguy cơ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người dân.

Dù là thực phẩm không bảo đảm, nhưng chỉ cần một chút ít hoá chất rửa sạch, rồi tẩm ướp gia vị khéo léo sẽ trở thành món đặc sản đánh lừa khẩu vị bất kỳ thực khách nào. Nguy cơ mất an toàn vệ sinh thực phẩm từ đây là điều khó tránh với những chủ quán chạy theo lợi nhuận.

Cẩn trọng với món lẩu nướng vỉa hè
Các món nướng, lẩu vỉa hè phong phú và đa dạng lại hợp túi tiền

Đáng quan tâm hơn cả là nguy cơ sinh bệnh từ đồ nướng đã được các chuyên gia cảnh báo rất nhiều.

Theo theo bác sĩ Nguyễn Văn Tiến - Viện Dinh dưỡng quốc gia, nếu ăn đồ nướng thường xuyên sẽ không tốt cho sức khỏe., dù nướng thực phẩm theo cách nào (lò nướng điện, nướng trên than, cồn, bếp điện tử) đều có khả năng sinh ra chất độc hại.

Khói thịt nướng là một trong những nguyên nhân tiềm ẩn gây ra một số mầm bệnh nguy hiểm cho con người, đặc biệt là các căn bệnh liên quan đến đường hô hấp.

Trong khói thịt nướng chứa các hợp chất hữu cơ bay hơi, nếu tiếp xúc lâu dài sẽ ảnh hưởng xấu sức khỏe con người. Khói thịt nướng còn chứa các axit amin dị vòng, khi đi vào cơ thể con người có khả năng gây đột biến ở vài loại tế bào, đồng thời tạo ra những kết hợp mới gây nhiễm độc gen.

Người hít phải axit amin dị vòng này nhiều có thể bị ung thư niêm mạc trực tràng, tuyến vú, đại tràng, ruột và đặc biệt là ở gan.

Ngoài ra, không nên ăn nhiều đồ nướng, chỉ nên sử dụng vừa phải, cách quãng và có mức độ. Mỗi lần ăn đồ nướng nên nghỉ một vài tuần để thải hết độc tố ra khỏi cơ thể. Lượng thực phẩm nướng chỉ khoảng 200 gram/bữa.

Để hạn chế lượng mỡ tích tụ và dư thừa trong cơ thể do ăn nhiều món nướng, khi ăn có thể dùng kèm các loại nước ép như táo, dứa, kết hợp nướng thịt với rau củ, hay dùng chuối sau bữa ăn. Không ăn thịt nướng với nước ngọt có ga.

Cẩn trọng với món lẩu nướng vỉa hè
Các thực khách nên chọn những quán đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm

Đối với món lẩu, TS.BS Nguyễn Trọng Hưng (trưởng khoa khám và tư vấn dinh dưỡng người lớn - Viện Dinh dưỡng quốc gia) lưu ý nên thay nước lẩu sau 60 phút vì nước lẩu càng về cuối bữa sẽ càng mặn. Lúc này, lượng purin, chất béo, natri và dầu mỡ trong nước lẩu tăng không tốt cho sức khỏe, nhất là đối với người bị bệnh gout.

Nên đợi nước lẩu sôi mới thả thực phẩm vào để bảo đảm đồ ăn đã được chín kỹ. Ăn thực phẩm chưa chín kỹ không bổ hay ngon, ngọt hơn. Thực phẩm chưa chín kỹ sẽ tiềm ẩn nhiều nguy cơ khiến bạn bị ngộ độc thực phẩm hoặc nhiễm khuẩn.

Không dùng chung một đôi đũa để gắp đồ sống, đồ chín. Làm như vậy, vi khuẩn trong thức ăn sống sẽ thâm nhập vào miệng.

Thói quen ngồi ăn lẩu kéo dài vài giờ đồng hồ, vừa ăn vừa nói chuyện sẽ khiến dạ dày, đường ruột liên tục làm việc dẫn đến rối loạn tiêu hóa. Không nên kéo dài bữa lẩu quá 2 tiếng đồng hồ.

Lẩu hấp dẫn nhưng cũng không nên ăn liên tục, vì ăn liên tục như vậy sẽ gây ảnh hưởng đến tiêu hóa, rối loạn cân bằng dinh dưỡng... Để điều độ, chỉ nên ăn lẩu với khoảng cách thời gian từ 1 - 2 tuần một lần.

Ngoài ra, theo bác sĩ Hưng, nên hạn chế sử dụng bếp gas du lịch để ăn lẩu. Nếu sử dụng bếp gas du lịch, cần chọn những bình gas mới, không hoen gỉ để tránh hiện tượng nổ bình gas. Lưu ý, luôn để mắt tới trẻ nhỏ để tránh xảy ra tai nạn bỏng ở trẻ.

Xóa bỏ các điểm kinh doanh trái cây không đảm bảo an toàn thực phẩm Xóa bỏ các điểm kinh doanh trái cây không đảm bảo an toàn thực phẩm

Năm 2024, thành phố Hà Nội sẽ kiên quyết xóa bỏ các điểm kinh doanh trái cây không đảm bảo điều kiện an toàn thực ...

Cả nước xảy ra 80 vụ ngộ độc thực phẩm Cả nước xảy ra 80 vụ ngộ độc thực phẩm

Theo báo cáo của Bộ Y tế, trong tháng 9/2023, cả nước xảy ra 8 vụ ngộ độc thực phẩm với 381 người bị ngộ ...

Nguy hại khôn lường từ món tiết canh lợn Nguy hại khôn lường từ món tiết canh lợn

Thời gian qua, nhiều cơ sở y tế liên tục tiếp nhận các ca bệnh nặng, nguy kịch... do nhiễm liên cầu khuẩn sau khi ...

Hà Linh
Phiên bản di động