Xuất nhập khẩu “tăng tốc” nhưng doanh nghiệp không nên chủ quan

Hoạt động xuất nhập khẩu hiện vẫn phải đối mặt với nhiều rào cản, đặc biệt là ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên các doanh nghiệp không thể chủ quan mà phải nỗ lực nâng cao năng lực cạnh tranh cũng như khả năng thích ứng để vượt qua khó khăn...
Xuất nhập khẩu Việt Nam ngày càng phụ thuộc doanh nghiệp có vốn nước ngoài

Theo Bộ Công thương, mặc dù dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp tại nhiều quốc gia trên thế giới, nhưng hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam trong 4 tháng đầu năm 2021 vẫn ghi nhận đà tăng trưởng cao so với cùng kỳ năm 2020 với tốc độ tăng cao nhất trong vòng 10 năm qua.

Theo đó, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa 4 tháng đầu năm nay ước tính đạt 206,51 tỷ USD, tăng 29,5% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó xuất khẩu đạt 103,9 tỷ USD, tăng 28,3%; nhập khẩu đạt 102,6 tỷ USD, tăng 30,8%.

Ước tính 4 tháng đầu năm 2021 cán cân thương mại hàng hóa xuất siêu 1,29 tỷ USD (cùng kỳ năm trước nhập siêu 1,22 tỷ USD), trong đó khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 9,92 tỷ USD; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 11,21 tỷ USD.

Theo đánh giá của Bộ Công thương, trong bối cảnh thế giới vẫn đang ở trong tình trạng chịu tác động rất nặng nề của dịch bệnh Covid-19, cùng những hệ quả khác từ dịch bệnh như vấn đề thiếu container rỗng, hay việc tăng giá cước tàu biển, sự cố của kênh đào Suez cộng với chi phí vận chuyển tăng cao… hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam từ đầu năm đến nay vẫn liên tục ghi nhận những kết quả tích cực.

Trong đó ghi nhận sự phát triển khá bền vững dựa vào tăng trưởng đồng đều ở tất cả ngành hàng quan trọng như điện tử, dệt may, giày dép, máy móc thiết bị, nông sản… và ở các thị trường lớn như Mỹ, Trung Quốc, EU, Hàn Quốc, Nhật Bản, ASEAN…

Xuất nhập khẩu “tăng tốc” nhưng doanh nghiệp không nên chủ quan
Ảnh minh họa.

Theo dự báo của Bộ Công thương, hoạt động xuất nhập khẩu sẽ tiếp tục khởi sắc trong thời gian tới khi mà các hiệp định thương mại tự do đang dần được thực thi một cách toàn diện hơn, hiệu quả hơn.

Đặc biệt, các Hiệp định: CPTPP, EVFTA, UKFTA… sẽ tiếp tục tạo điều kiện để hàng hóa của Việt Nam thâm nhập vào các thị trường đối tác với thuế quan ưu đãi, thông qua đó thúc đẩy xuất khẩu tăng trưởng mạnh trong thời gian tới.

Bên cạnh đó, giá hàng hóa xuất khẩu cũng đang có xu hướng tăng, nhất là các mặt hàng thế mạnh của Việt Nam như: gạo, cà phê, chè, cao su, hạt tiêu…sẽ là động lực quan trọng để gia tăng giá trị xuất khẩu.

Tuy nhiên, hoạt động xuất nhập khẩu hiện vẫn phải đối mặt với nhiều rào cản như việc vận chuyển hàng hóa gặp khó khăn; nhiều chuỗi cung ứng bị gián đoạn, nhu cầu thị trường chưa hồi phục đồng đều; chi phí đầu vào như logistics, nguyên liệu nhập khẩu tăng cao; các thị trường xuất khẩu nông, thủy sản liên tục đưa ra những thay đổi trong quy định chứng nhận an toàn thực phẩm…

Do đó, bản thân doanh nghiệp phải nỗ lực nâng cao năng lực cạnh tranh cũng như khả năng thích ứng để vượt qua khó khăn, chủ động chuyển hướng để nắm bắt hiệu quả những cơ hội từ bối cảnh mới.

Thời gian tới, Bộ Công thương cho biết sẽ tiếp tục tăng cường các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp về thị trường, cải cách thủ tục hành chính liên quan đến xuất nhập khẩu, tháo gỡ khó khăn về đầu vào, hỗ trợ về mặt thông tin, đẩy mạnh tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại trực tuyến nhằm thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa.

Hậu Lộc
Phiên bản di động