Tham, sân, si - Bi kịch của con người trong Tiểu thuyết "Cõi nhân gian"
Đây có lẽ là một bộ tiểu thuyết đương đại Việt Nam lập nhiều kỷ lục nhất: dài nhất, viết nhanh nhất (5 tháng viết 7 tập) và cũng kỷ lục viết nối 7 tập sau vào tập 1 lâu nhất (28 năm). Có thể coi nó như một “Tấn trò đời” phơi bày hiện thực xã hội Việt Nam từ những năm 80 của thế kỉ trước đến nay. Truyện có một hệ thống nhân vật dày đặc, đủ mọi nghề nghiệp, tầng lớp, đẳng cấp, vị trí xã hội với những tính cách rõ nét, sống động như ngoài đời.
Truyện đề cập đến nhiều vấn đề: sự khiếm khuyết của thể chế, quyền lực, tình, tiền, tội, tù; sự tha hóa của giới trí thức… Đặc biệt, truyện đề cập đến bi kịch của những con người trong vòng xoáy tham sân si. Tuy nhiên, nhà văn đã cứu rỗi họ dưới ánh sáng của thiên lương, của đốn ngộ sám hối để tìm được về hạnh phúc, có được sự thanh thản trong tâm hồn.…
Tác giả bộ tiểu thuyết "Cõi nhân gian" - nhà văn Nguyễn Phúc Lộc Thành. Nguồn ảnh: Internet. |
1. Vòng xoáy tham sân si
Tham - sân - si là ba thứ kịch độc luôn tiềm ẩn trong tâm trí con người. Đức Phật dạy: nguồn cội của mọi đau khổ trên đời đều từ ba việc mà ra: tham, sân, si. Trong đó, tham đứng hàng đầu, tuy nhiên, đã là con người ở đời, ai cũng có lòng tham. Tham là sự đắm say, sự ham muốn, đam mê một điều gì đó như dục tình, tiền tài, danh vọng…
"Cõi nhân gian" là một xã hội thu nhỏ, nhân vật nọ móc nối đan xen nhân vật kia, chằng chịt các mối quan hệ; chồng chéo các mối tình tay ba, tay tư thậm chí tay năm được sinh ra do dòng đời xô đẩy, do những dục vọng bản năng hoặc những toan tính, đổi chác, bán mua. Qua đó, người đọc không những thấy được tấn bi kịch của con người trong “cõi nhân gian” mà còn thấy được nhiều mảng miếng sáng, tối phản ánh rất rõ nét hiện thực xã hội Việt Nam ở “thời kỳ mở cửa”.
Tất cả các nhân vật chính đều ít nhiều vướng vào vòng xoáy của tham, sân, si như tình, tiền, nghiện ngập, khát thèm, ham muốn chức quyền… Đặc biệt họ đều vướng vào ngoại tình– cái bẫy nằm trong bản năng nguyên thủy của loài người. Chung thủy xã hội và chung thủy tình dục không phải lúc nào cũng trùng khớp. Từ đó nảy sinh nghịch cảnh giữa bản năng nguyên thủy và những cấm đoán ràng buộc của luật pháp. Có thể thấy rõ điều này qua một số dẫn chứng sau:
Hương là nhân vật trung tâm – thuộc típ nhân vật “số hưởng” - anh ta có các mối quan hệ ái tình nhằng nhịt do bản năng tính dục, do dòng đời, do hoàn cảnh và do cơ chế xã hội đưa đẩy. Anh ta (trong hai mươi nhăm năm) đã có quan hệ tình ái với tất cả 13 người phụ nữ (trong số này chỉ có 2 người là vợ) mỗi người một vẻ, mỗi người một lí do, một hoàn cảnh, một tâm trạng, một mục đích…. Họ là: Lan, Vân, Minh, Thảo, Vy, San, Trung Anh, Hoan, Bảo, Thanh, Thụy An, Loan, Tú. Tuy hầu hết Hương bị những người phụ nữ chủ động tấn công nhưng anh ta cũng không thắng nổi dục vọng để rồi sau đó có rất nhiều hệ lụy xảy ra.
Ông Yên (Chủ tịch UBND Liên thành phố) vì ham muốn nhục dục với cô Thảo mà cướp vợ của ông Vân - bạn cùng chiến đấu. Cô Tú xinh đẹp có một ông chồng “ba phần tư là đàn bà”. Cô khao khát được yêu đương đúng nghĩa nhưng rồi phải chấp nhận hợp đồng làm bồ nhí cho một vị Bộ trưởng (để có chức danh Chánh Văn phòng Sở và còn được ngài chu cấp một số tiền lớn) cứu giúp mẹ chạy thận một tuần 3 lần, giúp cả ông bố nghiện ngập có tiền uống rượu. Đây thực sự là một kiểu bán mình của Thúy Kiều thời hiện đại.
Quang cũng vì dục vọng bản năng mà dám “cáo vuốt râu hùm” chiếm đoạt cô Tú là bồ của sếp (Bộ trưởng Hoàng Trịnh), lại còn vơ bèo vạt tép nhiều gái cơ quan, thậm chí làm cho cô Hòa có thai trong chuyến đi công tác cùng nhau ở Nhật Bản. Anh ta còn từng vào động sư giả chơi bời trác táng, một lúc ân ái với cả 3 ni cô.
Thảo có chồng là ông Vân nhưng lại quan hệ với ông Yên không phải vì tình yêu. Chị ta cắn răng chấp nhận mỗi lần làm tình như là bị cưỡng hiếp để đổi lấy tiền nuôi ông chồng nát rượu và con, để được đứng tên sở hữu hai cái sổ đỏ: một cái nhà phố cổ và một khu đất dự án.
Con Hồng Anh tuy tuổi mới ngoài đôi mươi nhưng vì tiền mà nó thực sự trở thành một con quái vật: “Biết ru ngủ kẻ thù, để biến anh Yên thành kẻ nô lệ tình ái của mẹ nó, và là kẻ nô lệ tình phụ của nó”. Nó cũng vì thú vui xác thịt và quan niệm sống dễ dãi của tuổi trẻ “thèm thì cho thôi” nên đã ngang nhiên chiếm chồng của người bạn thân thiết từng coi cô ta như em ruột. Thằng An khi vợ mang bầu đã không kiềm chế được nhục dục, ngủ với bạn thân của vợ mình.
Cô Hồng chấp nhận làm tình với Quang theo kiểu bị cưỡng bức hành xác trên cái phô tơi ngay tại văn phòng cơ quan chỉ để đổi lấy việc được anh ta cho quyết toán chứng từ chi phí đón tiếp đoàn Nga… Cô Thanh khổ sở vì nhu cầu tình dục quá lớn đã khiến cô ta hành động bản năng: xông cả vào phòng của anh trai người yêu cũ để mồi chài, gạ gẫm, năn nỉ đòi thỏa mãn. Khi không chấp nhận thì vội lao ngay vào phòng kỹ thuật để dâng tận miệng cho một cậu thanh niên xa lạ.
Hành động của Thanh là của người phụ nữ sống bản năng vì ít học, không có lý trí dẫn dắt để rồi bị khinh rẻ, coi thường. Cô Lan, cô Bảo phải làm điếm, ca-ve để kiếm tiền. Hoàng từng là Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị một công ty nhưng lại nghiện ma túy nặng và thích quan hệ đồng giới. Mỗi khi dục vọng dâng lên khiến cậu ta không làm chủ được mình, cởi trần truồng lăn lộn dưới đất, kêu gào, không còn biết xấu hổ là gì.
Ông chồng chị Vân bán thịt lợn, nếu không vì nghiện ngập ma men (“tham”), ngu muội đánh đập vợ (“sân, si”) thì vợ đã không bỏ nhà đi, cặp với trai trẻ.
Ni cô Thích Nữ Hạnh Diệu - Trung Anh vì tiền, vì tình mà làm ô danh chốn cửa thiền (bị đuổi ra khỏi chùa). Ông Bộ trưởng được điều ra công tác ở Hà Nội, xa vợ con, cô đơn cũng đổi tiền bạc để lấy thú vui nhục dục.
Tất cả họ đều ngụp lặn trong bể “tam độc”: tham sân si, trong những ham muốn của xác thân phàm tục: nghiện rượu, nghiện cờ bạc, nghiện tiền, nghiện tình dục… Nhân loại luôn khổ vì yêu. Người mình yêu thì không yêu mình, người yêu mình thì mình không yêu. Các mối quan hệ tay ba, tay bốn, tay năm đã chứng minh điều đó. Vì tình, tiền, họ đã mang mặt nạ trong vở kịch đời để lừa dối lẫn nhau rồi cay cú thù hận nhau.
Miêu tả nhiều về tình dục nhưng Nguyễn Phúc Lộc Thành không có mục đích chiêu trò câu khách mà nhằm cho người đọc thấy được những phức tạp của đời sống, bức tranh của xã hội muôn màu, nỗi khổ trong vòng xoáy tham sân si của cõi người. Nhà văn hình như có cái nhìn cảm thông và cởi mở với các nhân vật nữ trong vấn đề tính dục, không lên án họ như một nhà đạo đức giả.
Điều đặc biệt là hầu hết các nhân vật nữ đều chủ động bày tỏ cảm xúc ái ân. Tôi hơi ngạc nhiên về điều này, tuy nhiên hình như Nguyễn Phúc Lộc Thành muốn nói rằng: trong xã hội đương đại, phụ nữ cũng bình đẳng với nam giới trong mọi lĩnh vực, kể cả tình dục?
Nghệ thuật miêu tả sex trong "Cõi nhân gian" mặc dù rất dữ dội như
Trọn bộ tiểu thuyết "Cõi Nhân Gian". |
2. Những quả báo nhãn tiền
Trong tác phẩm, mặc dù tác giả không để lộ ý đồ, hiển ngôn quan điểm, nhưng người đọc dễ dàng nhận thấy thuyết nhân quả được nhấn mạnh nhiều lần thông qua ngôn ngữ nhân vật. Nó được chứng minh qua những kết cục buồn của các nhân vật trong tác phẩm này. Người viết bài này có thể dẫn ra một số minh chứng sau:
Ông Yên là một quan chức cỡ bự đã lao đầu từ tầng 28 xuống tự tử: Đó là cái giá phải trả sau bao nhiêu tội ác có nguy cơ bại lộ: giết chồng của nhân tình, thuê xã hội đen đốt nhà phóng hỏa giết vợ. Quang – Giám đốc Sở bị vợ chồng Huy bày mưu làm tiền vì dám để lại hậu quả trong bụng vợ anh ta.
Tiếp đó, Quang còn bị ung thư phải cắt bỏ hai tinh hoàn, như là quả báo cho những cuộc ái ân phong phú ngoài luồng, nhiều khi ở ngay tại văn phòng cơ quan, trên chiếc phô tơi thiết kế dài rộng, mà cô gái nào từ trong đó bước ra cũng có một “dáng đi nguệch ngoạc như chữ viết vội của giới trí thức”. Anh ta từng chơi bời trác táng vào động sư giả một lúc ân ái với cả 3 ni cô đến nỗi phải cấp cứu với hồ sơ bệnh án là “Kiệt sức do vận động nặng liên tục”. Sau đó anh ta còn bị ni cô giả Thích Nữ Hạnh Diệu lừa làm hồ sơ có thai giả để tống tiền.
Nhân vật đào hoa - Hương cũng chỉ vì mải tưởng tượng đến cảnh được ái ân tiếp với cô Thảo – người đàn bà quyến rũ, cơ thể có mùi hương cỏ nhục ma mị, có làn da phù dung ngời ngợi phồn thực - mà bị tai nạn giao thông. Cũng vì những mối quan hệ bất chính mà anh ta còn bị tống tiền rất nhiều lần với số tiền rất lớn. Điều quan trọng là những chi tiết, hoàn cảnh tống tiền rất hợp lí, hấp dẫn, kịch tính. Rồi cũng chỉ vì quan hệ bất chính mà anh ta đã không thể bảo vệ được hạnh phúc cho con gái mình vì “há miệng mắc quai”.
Cứ sau mỗi lần ái ân vụng trộm với “cảm giác đê mê rất lạ, nó lạ với bất cứ người đàn ông trưởng thành nào” là một lần anh ta sợ hãi: “thực sự hoảng loạn”, “ăn không ngon, ngủ không yên”, “lo tan cửa nát nhà”, chỉ sợ bị các ông chồng của họ dí súng vào đầu; những cơn ác mộng, những cái giật mình thường xuyên ập đến trong tâm trí; những dòng ý thức hoặc độc thoại nội tâm của anh ta tràn ngập sự bất an xuất hiện trong rất nhiều trang tiểu thuyết.
Nhân vật Thảo đã “đi tìm ròng rã hai mươi năm” để gặp được Hương, để “được một cơn yêu huy hoàng đến vậy” nhưng cũng do mối quan hệ tình ái quá phức tạp và nguy hiểm của cô mà cô đã không thể tiếp tục đến được với người đàn ông mà cô yêu. Anh ta dù mê mụ trong những cuộc truy hoan vẫn coi cô chỉ là nơi để thỏa mãn trí tò mò, là một cơn nghịch dại. Cuối cùng, do nhiều áp lực, đau khổ và stress, Thảo đã mắc bệnh điên.
Ông Vân chồng cô Thảo chỉ vì nghiện rượu mà bị thằng bạn chiến đấu cũ (giờ là một quan chức cỡ bự) cắm sừng và bày ra vụ tai nạn giao thông để giết chết. Ông Lưu “già rồi còn cuồng dâm” đã bị đánh ghen và bị “lột truồng ra xẻo mất hạ bộ”. Thanh cũng vì nhu cầu nhục dục bản năng quá lớn mà dẫn đến cơn ghen đỉnh điểm của chồng, phải chịu quả báo nhãn tiền với thảm cảnh: chồng chết, con đi tù, bản thân bị đâm lòi bụng. Hoàng (Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị của công ty) chết vì nhiễm virus HIV, nguyên nhân thường do quan hệ đồng giới. Cô Bảo phải uống thuốc phơi nhiễm HIV vì một thời gian phải làm gái kiếm tiền trong khách sạn.
Bà Hồng không thoát khỏi cám dỗ của lòng tham phải đứng trước hai lựa chọn: hoặc là vào tù vì tội tống tiền, hai là phải bán lại cổ phần trong dự án là phần vốn chị ta góp vào dự án bằng quyền thuê khu đất của mình (khu đất mà bà ta phải chinh chiến bao năm, vượt qua nhiều cửa ải, thăng trầm và thủ đoạn, kể cả bán mình để có được). Thụy An (một quan chức nữ) vì ăn tiền mà bị bắt tạm giam. Thằng Cẩu bị công an Phú Thọ bắt vì liên quan đến đường dây cá độ bóng đá lớn, lên đến ngàn tỉ.
Dẫn ra một số dẫn chứng đó để thấy rằng hầu hết các nhân vật trong "Cõi nhân gian" đều ít nhiều phải trả giá, chịu quả báo nhãn tiền do những việc làm chìm trong vòng xoáy tham sân si, bể khổ của cõi người.
3. Tự vấn, sám hối và hướng thiện – con đường trở về hạnh phúc
Rất may, Nguyễn Phúc Lộc Thành đã không để cho nhân vật chìm mãi vào trong cõi “tam độc” đó mà đã dành nhiều số trang cho giải pháp cứu rỗi, giúp họ nhận ra lỗi lầm, biết tự vấn, sám hối, ân hận để sống hướng thiện, tìm về với hạnh phúc, thanh thản trong tâm hồn. Xấu – tốt luôn luôn là một cặp phạm trù. Khi bản năng tham, sân, si trỗi dậy thì họ trở nên xấu, khi lí trí lên tiếng thì họ lại thành người tốt.
Để không lộ ý đồ xây dựng nhân vật hướng thiện, biến họ thành cái loa phát ngôn cho tác giả, Nguyễn Phúc Lộc Thành đã chọn kiểu trần thuật dùng ngôi thứ nhất xưng “tôi” với điểm nhìn bên trong. Với ngôi “tôi”, người đọc cảm thấy có độ tin cậy hơn vì họ có thể thâm nhập vào những ngõ ngách tâm hồn phức tạp của từng cá thể, đáp ứng được mong muốn giãi bày suy nghĩ qua lời kể chuyện, qua những dòng ý thức, độc thoại nội tâm.
Nhưng để tránh nhược điểm của cách kể “một giọng”, thiếu cái nhìn toàn tri, nhà văn đã luân phiên điểm nhìn qua các các nhân vật khác, thông qua đối thoại, hành động để tiểu thuyết Cõi nhân gian trở thành một văn bản đa thanh, để những bí mật trong tâm hồn nhân vật được soi thấu, tỏ bày, thuyết phục người đọc.
Hầu hết các nhân vật trong "Cõi nhân gian" đều ngộ ra lẽ sống ở đời và hành động đúng. Nhân vật Quang từ bỏ chức vụ, xin về hưu sớm, trả tiền cho cô Tú khi biết mình ung thư kèm theo lời xin lỗi. Cô Tú đã kết thúc hợp đồng tình ái để sống đúng với cảm xúc của con tim. Anh Hảo sám hối trước Đức Mẹ khi biết chị Hứa phải nuôi đứa con không cha suốt 16 năm chỉ vì lời nói dối chưa vợ của mình. Chị San – một đại gia Việt kiều muốn ra đầu thú sau 15 năm trốn lệnh truy nã. Thằng Trường, con Thêu nhận ra lỗi lầm, từ bỏ con đường cờ bạc, cá độ bóng đá, về quê lập nghiệp, v.v...
Đặc biệt nhà văn dành nhiều tâm sức để cứu rỗi nhân vật Hương – một trí thức tha hóa. Những chuyển biến nhận thức của anh ta rất biện chứng. Tác giả đã cho anh ta nhiều hoàn cảnh, nhiều không gian, thời gian để tự vấn, đốn ngộ và sám hối. Xen kẽ trong những trang văn là những dòng độc thoại nội tâm thể hiện sự tự nhận thức về cái giá phải trả do ham muốn nhục dục.
Anh thấm thía nhận ra “cái ngã ba tử thần” ấy “đã từng chôn vùi sự nghiệp lẫy lừng của quá nhiều bậc vĩ nhân, hiền triết, kẻ độc tài và những anh hùng cái thế trên trái đất này…”; “đâu đâu đói nghèo, đâu đâu loạn lạc, đâu đâu lầm than, tất thảy đều khởi phát từ cái sự đói thèm nhục dục đó mà ra cả. Thời loạn thì chém giết và cướp bóc. Thời bình thì tham nhũng và vơ vét”.
Cứ sau mỗi lần mê mụ trong hoan ái với các nhân tình thì Hương lại ân hận, tự trách và tự hứa. Lúc thì anh ta thầm hứa: “…sẽ không bao giờ lừa dối em nữa, sẽ chấm dứt những cơn dục tính bản năng. Sẽ xóa bỏ phần “con”, năng tắm tưới thiên lương cho phần người tươi tốt”; lúc thì anh ta tự phạt: “chắc thà tôi bị thiến hóa học, cũng còn hơn để sống sót mà đi quan hệ bừa bãi như thế. Nó đúng là gây ra họa lớn. Hỡi đấng Linga kia, thân đã mang tội lỗi gieo rắc muôn nơi như thế, mà vẫn được người đời đúc tượng để thờ là sao?...” lúc thì cảm thấy dằn vặt, hối hận: “Tôi chợt thấy hối hận. Thấy mình xấu xa bỉ ổi và vô cùng. Giả dối và lọc lừa. Từ bao giờ thằng tôi biết dùng những thứ khả ố đó Hương ơi?”;
Nhân vật Hương tự nhận thấy tâm hồn mình giờ “đã bị đời vấy bẩn” và thiết tha muốn trở về bản thể. Tác giả nhiều lần cho anh ta đọc sách Phật, mơ thấy Phật, nghe Phật dạy bảo, nghĩ đến con đường hướng đến chính đạo nhằm rời xa thất tình lục dục của nhân gian. Các lời sám hối xuất hiện nhiều ở những trang văn.
Nhân vật Hương đã nhiều lần mang 3 thứ gia bảo: chứng nhận nghề giáo của cha mẹ; thẻ Đảng viên; tấm bằng phó tiến sĩ ở Nga của mình ra lau cho sáng. Phải chăng, đó chính là chi tiết mang dụng ý nghệ thuật của tác giả. Chúng là những thứ đáng để nhân vật này nâng niu, gìn giữ; chúng là cội rễ để Hương không bị tha hóa đến cùng cực, không bị mất đi tính người, nó là sợi dây níu kéo Hương trở về với thiên lương, để mỗi lần mắc sai lầm là một lần Hương biết sám hối, ân hận. Cuối cùng, Hương xin nghỉ việc dù đang có cơ thăng tiến để chuộc mình ra khỏi cái cơ chế đã khiến bản thân tha hóa.
Có thể nói, bộ tiểu thuyết Cõi nhân gian đã phản ánh chân thực xã hội Việt Nam trong “thời kỳ mở cửa”, khoảng một phần tư thế kỷ. Nó là một tác phẩm nặng ký của văn chương đương đại nước ta được viết trên cái nền hình sự đẫm chất thế sự. Tuy không hiển lộ ý đồ tư tưởng nhưng qua nội dung, người đọc vẫn nhận thấy nhà văn đã vạch ra được những lỗ thủng, khiếm khuyết của thể chế xã hội nhằm góp phần vá víu để nó trở nên hoàn thiện, ưu việt hơn.
Tác giả nhìn thấy bi kịch của lòng tham, của ham muốn, bản năng nguyên thủy của cõi người để từ đó cảnh tỉnh các nhân vật của mình, cứu rỗi tâm hồn họ, đưa họ trở về với thiên lương, với hạnh phúc đích thực theo quan điểm của Phật giáo. Kết thúc tác phẩm, người đọc nhận thấy tuy cõi người còn có nhiều nỗi buồn nhưng cuộc đời này vẫn vô cùng đáng sống. Vì lẽ đó, tiểu thuyết Cõi nhân gian của Nguyễn Phúc Lộc Thành là thứ văn giàu tính nhân bản, trực tiếp hướng về con người chứ không phải là thứ văn tả cảnh đèm đẹp.
4. Vĩ thanh
Có lẽ, để viết được bộ tiểu thuyết này, nhà văn phải có hai trạng thái tinh thần. Đó là vừa phải có trạng thái nhập định lên đồng về cảm xúc, nuôi dưỡng ngòi bút để những câu văn ào ạt tuôn trào một cách tự nhiên, không khô khan, xơ cứng, lôi cuốn độc giả; đồng thời vừa phải có cái tâm thế lạnh lùng, khoa học giống như một nhà đạo diễn và một nhà quản lý lão luyện để có thể bao quát hết được một số lượng nhân vật lớn.
Có những nhân vật xuất hiện từ tập đầu vẫn được móc nối, xuất hiện ở những tập sau, không bị lãng quên. Tất cả những chi tiết, nhân vật trong tác phẩm đều cực kì sống động, chân thực. Tiểu thuyết có hệ thống nhân vật đa dạng thuộc nhiều giai tầng, đầy đủ “thượng vàng hạ cám”, cả “xã hội đen” và “xã hội đỏ”; từ giới hạ lưu, trung lưu đến thượng lưu; từ người dưới đáy xã hội đến những trí thức, siêu maphia, tài phiệt, doanh nhân, Việt kiều, quan chức chóp bu, cỡ bự, kể cả sư sãi….
Nhân vật nào cũng sinh động từ đứa trẻ lên 10 đến ông già 70, từ cô gái điếm đến ông Bộ trưởng... Nguyễn Phúc Lộc Thành quả là một nhà văn “trường vốn sống”, lao động cật lực, nghiêm túc với chữ nghĩa. Tôi biết, nếu tác giả không trực tiếp trải nghiệm, chứng kiến, không có cơ hội tiếp xúc thân thiết hoặc cùng làm việc gần gũi với những “nguyên mẫu” trong đời thì không thể miêu tả họ sắc nét như thế.
Hình hài, tính cách các nhân vật rất rõ ràng, giọng của người nào ra giọng người ấy, không bị lẫn lộn, không bị nhòe mờ suốt từ chương đầu đến chương cuối, từ tập trước đến tập sau và điều tuyệt vời ở chỗ là tập sau hay hơn tập trước. Có sự trải nghiệm nên văn của Nguyễn Phúc Lộc Thành không phải là lối văn phóng sự như một số tác giả khác: lấy các sự kiện trên báo chí rồi hư cấu, phăng tê di một chút để biến thành tiểu thuyết, thiếu sự trải nghiệm
Tác phẩm có một kết cấu chặt chẽ; các tình tiết, sự kiện liên tục được đẩy thành kịch tính căng như dây đàn, móc vào nhau theo kiểu “hồi sau sẽ rõ” rất kích thích trí tò mò khiến cho người đọc không thể buông sách, buộc phải đọc hết những 159 chương. Tôi đã đọc mải mê một mạch hết 1756 trang sách khổ lớn suốt cả Tết vì quá hấp dẫn. Mỗi chương là một sự “vào đời” từ “Vào đời 1” đến “Vào đời 159”; mỗi lần vào đời là một lần có va đập, có vấp ngã, có tội ác, có xấu xa, có tử tế, có ân hận, có sám hối, có vượt qua…
Tiểu thuyết "Cõi nhân gian" được viết theo phong cách hiện thực huyền ảo. Các địa danh, các bộ, sở, phòng ban, ngành nghề và các chức vụ đều không có thật nhưng người đọc vẫn có thể liên tưởng dễ dàng về sự thật ở đằng sau chúng. Giọng văn của Nguyễn Phúc Lộc Thành trung tính, không ám chỉ, chửi rủa. Trong tác phẩm Cõi nhân gian, các giấc mơ của nhân vật chính liên tục được đan xen cùng với hiện thực. Nhà văn tuân thủ nguyên tắc “biến hiện thực thành hoang đường mà không đánh mất tính chân thực”. Kết thúc bộ tiểu thuyết Cõi nhân gian vẫn là một giấc mơ dang dở, không đầu, không cuối.
Nói tóm lại, đây là một bộ tiểu thuyết hoành tráng của một nhà văn giàu vốn sống, giàu sự trải nghiệm và giàu lòng trắc ẩn; có tư tưởng nhân văn sâu sắc và nghệ thuật biểu hiện phù hợp vừa thế sự, vừa hình sự. Tôi tin nếu 159 chương tiểu thuyết này được dựng thành một bộ phim dài 159 tập thì chắc chắn đó sẽ là một bộ phim rất ăn khách.
Hà Nội, ngày 12 Tết Nhâm Dần