Xuân về dưới mái nhà rông

Lúa đầy kho, mùi “men rừng” của rượu ghè bốc lên cũng là lúc đồng bào Jrai, Banar (ở Gia Lai) đón xuân, bước vào mùa của lễ hội. Dưới những mái nhà rông, đồng bào vùng đất đỏ lại nổi tiếng cồng, tiếng chiêng cầu mưa thuận gió hòa, không có dịch bệnh làm hại buôn làng…
Mãn nhãn với hoa mai anh đào nhuộm hồng “xứ sở Đà Lạt 2” Bà con đồng bào hoan hỉ đi đón Giáng sinh dưới nhà rông

Mùa của lễ hội cao nguyên

Vùng đại ngàn Tây Nguyên được phân làm hai mùa khô và mưa rõ rệt. Cơn nắng “đổ lửa” dần nhường chỗ cho những hạt mưa đầu tiên cũng là lúc báo hiệu năm mới đang đến. Khi vụ lúa rẫy trong năm đã được bà con chất đầy kho cũng là khoảng thời gian đồng bào dân tộc thiểu số Banar, Jrai nghỉ ngơi và chuẩn bị cho những nghi lễ truyền thống mừng lúa mới, cầu an, cúng giọt… Người dân trong sóc, làng nguyện cầu Yàng (trời) năm mới được bình an, tránh xa bệnh tật và mùa màng bội thu.

xuan ve duoi mai nha rong
Đồng bào Banar (tỉnh Kon Tum) thực hiện lễ cầu an xua đuổi tà ma, dịch bệnh đón mừng năm mới

Rít hơi thuốc lá rừng, nghệ nhân Đinh Keo (người dân gọi là già làng A Keo, sinh năm 1958, ở làng Pyang, thị trấn Kông Chro) kể về các lễ hội trong những ngày đầu xuân. Già làng A Keo kể: “Mùa lễ hội của người Banar, Jrai và các dân tộc Tây Nguyên đều bắt đầu từ tiếng cồng, tiếng chiêng, nhịp xoang. Cồng, chiêng là tiếng nói với Yàng trong lễ cúng. Đó là tiếng bi ai, chất chứa nỗi niềm tiễn đưa người ta về “bến nước ông bà”. Tuy nhiên, khi say men rượu ghè thì nhịp cồng chiêng sẽ hối thúc, nhanh mạnh tạo ra những âm hưởng vui vẻ, đặc biệt trong những ngày xuân”.

xuan ve duoi mai nha rong
Đồng bào Banar (huyện Kbang, Gia Lai) tổ chức lễ mừng nhà rông mới

Một trong những nghi lễ đầu tiên trong những ngày cuối năm là lễ mừng lúa mới. Già A Keo kể: “Khoảng tháng Chạp hằng năm, bà con trong làng chọn những hạt nếp ngon, ghè rượu nồng nhất để tổ chức lễ mừng lúa mới. Dưới mái nhà rông, bà con góp rượu, thịt, nhà không có thì góp gạo, góp nếp để thực hiện các nghi lễ. Việc đóng góp này thể hiện sự đoàn kết của cả làng và thành tâm dâng lên Yàng. Lúc đó, già làng sẽ khấn “Ơ Yàng, năm cũ đã qua năm mới đã đến, nhờ ơn Yàng mà bà con mạnh khoẻ, có cái ăn cái mặc. Xin Yàng chứng giám và hưởng lễ!”. Tiếng khấn hòa với tiếng chiêng, vang vọng đại ngàn. Già trẻ, gái trai trong làng cùng nắm tay hướng về nơi thầy cúng đang thực hiện nghi lễ thiêng liêng. Sau đó sẽ đến phần hội của dân làng, mọi người cùng hòa nhịp xoang, say men rượu cần dưới mái nhà rông…”.

xuan ve duoi mai nha rong
Cuộc sống đời thường của bà con Banar

Trong các buổi tế lễ, một nghi lễ không thể thiếu là cầu bình an. “Nghi lễ này cầu dịch bệnh tránh xa dân làng để người bà con có sức làm nương rẫy. Trước khi diễn ra lễ, người dân trong buôn quét dọn đường ngõ sạch sẽ, sửa sang nhà rông, bến nước, dựng cây nêu, chuẩn bị bếp lửa… Sau đó, thầy cúng sẽ khấn xin các vị thần linh phù hộ, cùng dân làng đuổi tà ma, bệnh dịch. Khi các nghi thức được thực hiện xong, chủ lễ múa khiên, dẫn bà con dân làng vừa diễn tấu cồng chiêng, vừa diễn xướng xoang đi khắp làng…”, già A Keo cho biết.

Ngoài những lễ chính trên, đồng bào Banar, Jrai còn tổ chức lễ sạ lúa, bỏ mã… Những nghi lễ này không chỉ đơn thuần là hoạt động tâm linh truyền thống nhằm tạ ơn trời đất cho vụ mùa bội thu mà còn là dịp để đồng bào vui chơi, đánh cồng chiêng, uống rượu cần... Lễ hội cũng là dịp để bà con thể hiện tinh thần đoàn kết, góp phần giáo dục con cháu bảo tồn nét văn hóa truyền thống của dân tộc.

Cuộc sống của các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên đã dần tiếp cận với nền văn hóa hiện đại. Trải qua thăng trầm của thời gian, những lễ hội đã không còn nguyên bản như xưa song nhiều phong tục tập quán tốt đẹp, mang đậm giá trị văn hóa dân tộc vẫn được đồng bào lưu giữ cho thế hệ mai sau.

Dưới mái nhà rông, bà con trên đại ngàn Tây Nguyên vẫn luôn gìn giữ những lễ hội như: Lễ cúng cây nêu, cầu an của dân tộc Ê đê (tỉnh Đăk Lăk); Lễ cúng sức khỏe của người M’Nông (tỉnh Đăk Nông); Lễ cầu an của dân tộc Bahnar (tỉnh Kon Tum); Lễ sạ lúa của người Chu Ru (tỉnh Lâm Đồng) và lễ mừng nhà rông mới của dân tộc Bahnar (tỉnh Gia Lai). Các lễ hội này đều hòa trong tiếng cồng chiêng và điệu múa xoang, mang những đặc trưng của từng dân tộc.

Để tiếng cồng chiêng ngân xa…

Đồng bào các dân tộc Tây Nguyên tái hiện các nghi thức, nghi lễ nhằm bảo tồn và phát huy giá trị bản sắc văn hóa truyền thống, thắt chặt tình đoàn kết giữa đồng bào các dân tộc, mối quan hệ gắn bó mật thiết giữa con người với thiên nhiên. Đây cũng là dịp để mỗi người và cộng đồng được giao hòa với thế giới tâm linh. Các nghi lễ cũng đồng thời góp phần quảng bá, bảo tồn không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên đã được UNESCO công nhận là “Di sản văn hóa truyền khẩu và phi vật thể của nhân loại”.

xuan ve duoi mai nha rong
xuan ve duoi mai nha rong
Trong các dịp lễ hội không thể thiếu tiếng cồng, tiếng chiêng giao tiếp giữa thần linh với buồn làng

Vấn đề bảo tồn văn hóa cồng chiêng và các lễ hội đang là thách thức không nhỏ đối với các cơ quan chức năng. Hiện nay, tất cả các trường nội trú ở Tây Nguyên đã xây dựng được các đội cồng chiêng nhí để tiếp nối thế hệ. Mỗi xã, buôn làng trên địa bàn tỉnh Gia Lai đều có các đội cồng chiêng với đủ các lứa tuổi.

Không chỉ là nghệ nhân đánh chiêng hay của buôn làng, ông Đinh Keo còn là người thầy dìu dắt các thế hệ trẻ của làng Pyang. Ở Tây Nguyên, nhiều buôn làng quan niệm rằng, đánh chiêng là chuyện của đàn ông nhưng tại làng Pyang, để bảo tồn và nhân rộng nét văn hóa đặc sắc này, nhiều phụ nữ cũng học.

“Ngày trước, chỉ có mình tôi dạy cồng chiêng cho lớp trẻ. Sau này, khi lớp trẻ thành thạo rồi thì chúng lại phụ tôi dạy cho các thế hệ sau. Hiện làng Pyang có một đội chiêng nhí gồm 30 cháu độ tuổi 8 - 15; một đội chiêng nữ gồm 40 thành viên dưới 30 tuổi và đội chiêng nam 30 người, tuổi nào cũng có. Hầu hết, thanh niên, đàn ông của làng Pyang đều biết đánh chiêng. Bây giờ cứ tầm 19h, đội chiêng nữ của làng lại tập trung về nhà rông để tập đánh chiêng”, già A Keo bộc bạch.

xuan ve duoi mai nha rong
Nghệ thuật tạc tượng gỗ thô sơ cũng được lưu giữ và bảo tồn trong các dịp lễ, Tết

Ngoài truyền dạy cho học trò đánh chiêng, ông còn dạy thêm múa xoang, tạc tượng gỗ, hát sử thi, dân ca và đan lát... Tính đến nay, ông đã dạy cho khoảng 300 học viên trong các lĩnh vực văn hóa nghệ thuật trong vùng. Nhờ sự tận tình dạy dỗ của ông, các lớp học trò đã được mời tham gia rất nhiều hoạt động, hội thi văn hóa các dân tộc do huyện, tỉnh tổ chức.

Những năm gần đây, UBND tỉnh Gia Lai đã phối hợp cùng với các huyện tổ chức nhiều lễ hội, ngày hội quy mô với linh hồn là những giá trị văn hóa cồng chiêng. Các lễ hội truyền thống được phục dựng trình diễn chân thực, không xen lẫn yếu tố hiện đại. Qua đó, bà con đồng bào dân tộc thiểu số có một không gian thoải mái cùng đưa tiếng cồng, chiêng vang vọng giữa đại ngàn.

Hải Phạm/Tuổi trẻ Thủ đô
Phiên bản di động