Xử lý nghiêm, đình chỉ hoạt động những cơ sở vi phạm quy định an toàn thực phẩm

Tháng hành động vì An toàn thực phẩm năm 2023 (diễn ra từ ngày 15/4 đến 15/5), có chủ đề “đề “Bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm trong tình hình mới”.
Đảm bảo an toàn, công khai giá cước vận tải dịp nghỉ lễ 30/4 – 1/5 Đảm bảo an toàn, công khai giá cước vận tải dịp nghỉ lễ 30/4 – 1/5

PV: Chọn chủ đề “Bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm trong tình hình mới”, Tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm nay đặt ra những mục tiêu gì, thưa ông ?

Ông Đặng Thanh Phong: “Tháng hành động vì an toàn thực phẩm” năm 2023 diễn ra từ ngày 15/4 đến 15/5/2023, với chủ đề “Bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm trong tình hình mới”.

Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội Đặng Thanh Phong.
Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội Đặng Thanh Phong

Kế hoạch nêu rõ, Hà Nội sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức của các tầng lớp trong đảm bảo an ninh an toàn thực phẩm (ATTP); Đề cao vai trò, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trong việc thực thi pháp luật về ATTP; Kịp thời thông tin các chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn, chất lượng cao, các cơ sở vi phạm, tiềm ẩn nguy cơ mất an ninh, ATTP.

Để thực hiện được những điều đó, Hà Nội tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát công tác bảo đảm an ninh, ATTP; Kiên quyết đấu tranh, ngăn chặn, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân, cơ sở sản xuất, kinh doanh vi phạm quy định về an ninh, ATTP; Nêu cao vai trò của chính quyền các cấp, các cơ quan quản lý, tổ chức xã hội và sự giám sát của người tiêu dùng đối với việc tuân thủ pháp luật về ATTP đối với các cá nhân, cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm.

Thực hiện Kế hoạch số 336/KH-UBND về công tác an toàn thực phẩm (ATTP) thành phố Hà Nội và Kế hoạch số 93/KH-UBND triển khai "Tháng hành động vì ATTP" năm 2023, thành phố cũng đã tổ chức Hội nghị phát động triển khai "Tháng hành động vì an toàn thực phẩm" năm 2023.

Sau hội nghị mẫu của thành phố, các quận, huyện, thị xã đã triển khai các hội nghị phát động "Tháng hành động vì ATTP" năm 2023 tại các địa phương.

Các địa phương sẽ căn cứ vào chỉ thị số 17-CT/TW ngày 21/10/2022 của Ban Bí thư về tăng cường bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm trong tình hình mới và Chương trình hành động số 26-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội để nghiêm túc thực hiện "Tháng hành động vì ATTP".

PV: Xin ông cho biết, công tác thanh, kiểm tra an toàn thực phẩm trong thời gian này có gì khác so với các đợt kiểm tra khác trong năm?

Ông Đặng Thanh Phong: Toàn thành phố có 4 đoàn kiểm tra liên ngành trong đó có ngành Y tế, ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ngành Công thương và Cục Quản lý thị trường.

Bốn đoàn kiểm tra liên ngành sẽ đi kiểm tra Ban Chỉ đạo công tác ATTP các quận, huyện, thị xã trên địa bàn. Sau đó các đoàn kiểm tra của Ban Chỉ đạo công tác ATTP các quận, huyện thị xã sẽ tiếp tục kiểm tra Ban Chỉ đạo công tác ATTP tại các xã, phường, thị trấn...

Khác với những đợt kiểm tra khác trong năm, công tác thanh tra, kiểm tra an toàn thực phẩm trong Tháng hành động vì An toàn thực phẩm diễn ra đồng loạt với sự ra quân của các đoàn kiểm tra liên ngành từ thành phố đến các quận, huyện, thị xã và xã, phường, thị trấn nhằm kịp thời phát hiện các vi phạm, xử lý nghiêm các vi phạm theo quy định.

Kết thúc đợt cao điểm của Tháng hành động vì An toàn thực phẩm, các địa phương vẫn tiếp tục duy trì công tác thanh tra, kiểm tra an toàn thực phẩm định kỳ và đột xuất.

PV: Theo ông, hoạt động thanh tra, kiểm tra trong Tháng hành động vì An toàn thực phẩm sẽ được triển khai như thế nào để mang lại hiệu quả thiết thực, tránh tình trạng "cưỡi ngựa xem hoa"?

Ông Đặng Thanh Phong: Để công tác thanh tra, kiểm tra đạt hiệu quả, thành phố đẩy mạnh phối hợp liên ngành: Y tế, Công thương, Nông nghiệp với lực lượng quản lý thị trường, công an. Đặc biệt, với chỉ đạo của thành phố, các đoàn thanh kiểm tra sẽ kiểm tra nghiêm túc vấn đề chấp hành các quy định về an toàn thực phẩm đối với các cơ sở doanh nghiệp kinh doanh thực phẩm.

Công tác kiểm tra với tinh thần nếu phát hiện vi phạm sẽ công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng, các website của ngành và việc xử lý vi phạm cũng được công khai.

Thậm chí, sau khi xử lý, Ban Chỉ đạo ATTP các quận, huyện, thị xã phải dành một thời gian nhất định để giám sát việc khắc phục sai phạm. Sau khi thẩm định, cơ sở khắc phục được tồn tại, tuân thủ đầy đủ các quy định thì mới được phép cho hoạt động, nếu không phải có biện pháp xử lý mạnh mẽ hơn. Đối với những cơ sở vi phạm nghiêm trọng sẽ đình chỉ hoạt động.

PV: Trong Tháng hành động vì An toàn thực phẩm, cơ quan chức năng sẽ tập trung vào những nội dung gì để tăng cường công tác quản lý an toàn thực phẩm trong tình hình mới, thưa ông?

Ông Đặng Thanh Phong: Việc kiểm tra bếp ăn tập thể trường học cũng là nhiệm vụ trọng tâm trong Kế hoạch số 336/KH-UBND về công tác an toàn thực phẩm (ATTP) thành phố Hà Nội.

Ngoài mô hình kiểm soát an toàn thực phẩm bếp ăn tập thể trường học, thành phố cũng tập trung vào công tác đảm bảo an toàn thực phẩm bếp ăn tập thể khu công nghiệp. Qua đây, các đoàn kiểm tra của thành phố sẽ đi kiểm tra định kỳ và đột xuất bếp ăn tập thể trường học và bếp ăn tập thể khu công nghiệp.

Xử lý nghiêm, đình chỉ hoạt động những cơ sở vi phạm quy định an toàn thực phẩm
Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội Đặng Thanh Phong cùng đoàn kiểm tra các bếp ăn tập thể tại trường học

Đây là một trong những nội dung cần đặc biệt quan tâm bởi bếp ăn tập thể khu công nghiệp phục vụ số lượng công nhân trên địa bàn thành phố rất lớn. Nguy cơ xảy ra mất an toàn thực phẩm cũng rất cao.

Nếu như qua quá trình kiểm tra nếu phát hiện ra những dấu hiệu vi phạm về nguồn gốc thực phẩm, không đảm bảo an toàn trong việc cung cấp thực phẩm thì cũng sẽ yêu cầu công ty làm rõ trách nhiệm, đình chỉ những nhà cung cấp và xử lý theo quy định.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

Phương Thu
tuoitrethudo.com.vn
Phiên bản di động