Xây dựng ngành Nông nghiệp Thủ đô thông minh, hiện đại
Nhân dịp Xuân Canh Tý, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội Chu Phú Mỹ đã có buổi trò chuyện cùng phóng viên báo Tuổi trẻ Thủ đô về bức tranh nông nghiệp thành phố với nhiều màu sắc.
Xin ông cho biết, năm 2019 vừa qua, ngành Nông nghiệp Thủ đô có những điểm nhấn gì?
Trong năm vừa qua, mặc dù ngành Nông nghiệp Thủ đô gặp nhiều khó khăn do diễn biến thời tiết bất thường, ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, dịch bệnh bùng phát trên đàn vật nuôi nhưng được sự quan tâm chỉ đạo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, thành phố Hà Nội nên ngành Nông nghiệp vẫn tiếp đà phát triển và đạt những kết quả nhất định.
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng cùng Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội Chu Phú Mỹ tham quan mô hình phát triển kinh tế tại huyện Gia Lâm (Hà Nội) |
Đối với lĩnh vực trồng trọt, Hà Nội vẫn tiếp tục phát triển sản xuất theo các vùng sản xuất tập trung, chuyên canh quy mô lớn. Trên địa bàn hiện có 154 vùng sản xuất lúa hàng hóa chất lượng cao, 101 vùng sản xuất rau an toàn tập trung, 50 vùng sản xuất hoa cây cảnh; 18.800ha cây ăn quả có giá trị kinh tế cao như cam Canh, bưởi Diễn, nhãn chín muộn...
Trong lĩnh vực chăn nuôi, thành phố đã phát triển theo vùng, xã trọng điểm, chăn nuôi quy mô lớn ngoài khu dân cư. Hiện toàn thành phố có 76 xã chăn nuôi trọng điểm, gồm 15 xã chăn nuôi bò sữa, 19 xã chăn nuôi bò thịt, 13 xã chăn nuôi lợn, 29 xã chăn nuôi gia cầm và trên 3.800 trang trại chăn nuôi quy mô lớn ngoài khu dân cư.
Về nuôi trồng thủy sản, Hà Nội tiếp tục thực hiện chuyển đổi các vùng đất trũng sản xuất lúa kém hiệu quả sang nuôi trồng thủy sản theo hướng tập trung, thâm canh. Sản lượng thủy sản năm 2019 tăng 8,17%.
Đặc biệt, trong năm vừa qua, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tiếp tục phát triển. Hiện toàn thành phố có 133 mô hình nổi bật như: Sản xuất nấm kim châm công nghệ Nhật Bản (tại xã Đốc Tín, huyện Mỹ Đức); sản xuất giống và hoa lan hồ điệp của hợp tác xã Đan Hoài (huyện Đan Phượng)...
Sản phẩm nông nghiệp ngoài tiêu thụ trên địa bàn thành phố và các tỉnh lân cận còn được xuất khẩu ra nước ngoài. Tiêu biểu như, thành phố đã xuất khẩu 1,5 tấn nhãn chín muộn sang thị trường Austrailia; trong tháng 12, xuất khẩu 24 tấn lúa hữu cơ, lúa Japonica sang Đức và 24 tấn sang Philippines.
Hà Nội là địa phương có phong trào xây dựng Nông thôn mới rất sôi nổi và hiệu quả. Để làm được điều đó, một phần không nhỏ do nhận thức của người dân đã thay đổi. Xin ông cho biết, những bài học kinh nghiệm của Hà Nội trong quá trình xây dựng Nông thôn mới?
Hà Nội vừa tổ chức Hội nghị Tổng kết 10 năm thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới và Chương trình 02-CTr/TU của Thành ủy. Trong giai đoạn đó, thành phố đã gặt hái được rất nhiều thành tựu đáng khích lệ, tuy nhiên vẫn còn một số hạn chế cần khắc phục. Qua quá trình triển khai thực hiện nhiệm vụ, Hà Nội đã rút ra được nhiều bài học kinh nghiệm sâu sắc.
Trước tiên, cấp ủy, chính quyền từ thành phố đến cơ sở phải làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức về ý nghĩa, vai trò, tầm quan trọng của nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Qua đó, cán bộ, đảng viên và nhân dân đồng thuận, tích cực tham gia xây dựng Nông thôn mới với tinh thần tự nguyện và trách nhiệm cao.
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Chu Phú Mỹ phát biểu tại hội nghị giao ban báo chí thường kỳ do Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội tổ chức |
Trong lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện các nghị quyết, thành phố cần linh hoạt, sáng tạo, cụ thể hóa nghị quyết bằng chương trình hành động. Công tác quy hoạch, xây dựng đề án Nông thôn mới phải đi trước một bước, gắn với thực tiễn, đảm bảo dân chủ, sự đồng thuận, khoa học, có tính khả thi cao.
Bên cạnh đó, các địa phương cần phát huy quyền làm chủ của nhân dân. Người dân được bàn bạc dân chủ, công khai, minh bạch những công việc trực tiếp liên quan đến lợi ích của cộng đồng và của chính họ. Đặc biệt, nguồn lực từ ngân sách thành phố phải được dành đáng kể để đầu tư có trọng tâm, trọng điểm các công trình thiết yếu về cơ sở hạ tầng (điện, đường, trường, trạm) cho xây dựng Nông thôn mới.
Ngoài ra, công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ cho đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cán bộ trực tiếp làm công tác xây dựng Nông thôn mới ở xã, thôn cần được chú trọng. Coi xây dựng Nông thôn mới là nhiệm vụ trọng tâm, lâu dài của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các cấp; đẩy mạnh phong trào thi đua “Toàn dân chung sức xây dựng Nông thôn mới”...
Được biết, Hà Nội đã ban hành kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Theo ông, thời gian tới thành phố có định hướng như thế nào để phát triển các sản phẩm OCOP trên địa bàn?
Thực hiện Quyết định số 490/QĐ-TTG ngày 7/5/2018 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình mỗi xã một sản phẩm giai đoạn 2018 - 2020, thành phố đã ban hành Quyết định 3629/QĐ-UBND ngày 8/7/2019 về Kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm thành phố Hà Nội đến năm 2020.
Trong đó, mục tiêu phát triển sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ có lợi thế của Thủ đô theo chuỗi giá trị, do các thành phần kinh tế tư nhân và kinh tế tập thể thực hiện; quản lý và nâng cao chất lượng sản phẩm OCOP một cách thống nhất, đồng bộ.
Cụ thể, trong năm tới, Hà Nội đặt mục tiêu phát triển, nâng cấp, hoàn thiện và tổ chức đánh giá xếp hạng từ 800 - 1.000 sản phẩm. Trong đó, có từ 500 sản phẩm tham gia được đánh giá, xếp hạng cấp thành phố; 100 sản phẩm cấp quốc gia theo quy định.
Trong năm 2020 và những năm tiếp theo, Hà Nội sẽ tổ chức nhiều sự kiện nhằm quảng bá giới thiệu sản phẩm OCOP và đặc sản vùng, miền của cả nước. Do vậy, thành phố sẽ phối hợp với các tỉnh, thành tạo điều kiện để các doanh nghiệp của Hà Nội liên kết sản xuất, chế biến, quảng bá và tiêu thụ sản phẩm OCOP chất lượng cao của các tỉnh, thành tại Thủ đô.
Xin trân trọng cảm ơn ông!