WHO hoài nghi cách tiếp cận của Anh trong xử lý dịch COVID-19
3 điểm WHO khen Việt Nam trong chống dịch Covid-19 WHO chính thức tuyên bố COVID-19 là đại dịch toàn cầu 95% bệnh nhân mắc Covid-19 trên thế giới đã và đang hồi phục |
Thông báo hướng dẫn tới văn phòng chống dịch COVID-19 của Trung tâm y tế quốc gia đặt tại bệnh viện Trường đại học London, Anh ngày 2/3/2020. Ảnh: THX/TTXVN |
Trao đổi với báo giới, đề cập cách tiếp cận của Anh tạo "miễn dịch cộng đồng" để chống lại COVID-19, người phát ngôn WHO Margaret Harris cho rằng đến nay chưa có đủ nghiên cứu khoa học về virus SARS-CoV-2 gây COVID-19. Theo bà Harris, chủng virus này xuất hiện trong cộng đồng chưa đủ lâu để có thể biết được nó tác động thế nào đến hệ miễn dịch trong cơ thể người.
Bà Harris nêu rõ: "Mỗi virus hoạt động khác nhau trong cơ thể con người và kích thích miễn dịch khác nhau. Chúng ta có thể nói về các lý thuyết, song ở thời điểm hiện tại, chúng ta đang thực sự đối mặt với tình huống cần phải đưa ra hành động".
Người phát ngôn của WHO cho rằng cần phải kết hợp tất cả các biện pháp, bao gồm xét nghiệm trên diện rộng để bảo vệ đất nước trong dài hạn.
Nhận định của người phát ngôn WHO đưa ra sau khi ông Patrick Vallance, trưởng cố vấn khoa học Chính phủ Anh, ngày 13/3 bày tỏ hy vọng cách tiếp cận của Chính phủ Anh trong việc đối phó với virus SARS-CoV-2 sẽ tạo ra "miễn dịch cộng đồng", theo đó, cộng đồng được bảo vệ gián tiếp trước nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh. "Miễn dịch cộng đồng" hình thành khi một tỷ lệ lớn người trong cộng đồng đã trở nên miễn dịch với bệnh, từ đó họ trở thành "lá chắn sống" bảo vệ những người bị nhiễm.
Trước đó, một nhóm các nhà khoa học hàng đầu của Anh đã gửi thư tới báo Times yêu cầu chính phủ đưa ra các căn cứ khoa học để áp dụng chính sách ứng phó COVID-19 hiện nay. Thư của 6 chuyên gia về bệnh lây nhiễm hàng đầu của Anh có đoạn viết "không thấy chỉ dấu rõ ràng cách xử lý chính phủ đưa ra học hỏi từ những kinh nghiệm khống chế sự lây lan COVID-19 của các nước khác".
Người đi đường đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19 tại London, Anh ngày 2/3/2020. Ảnh: AFP/TTXVN |
Trong hơn 24 giờ tính đến tối 14/3, số ca tử vong do nhiễm virus SARS-CoV-2 tại Anh tăng gần gấp đôi lên 21 và số người nhiễm lên tới 1.140, tăng 340 trường hợp. Chính phủ của Thủ tướng Anh Boris Johnson đã đối mặt với chỉ trích không có hành động mạnh mẽ trong phòng chống và kiểm soát dịch COVID-19, trong khi các nước châu Âu khác đang đẩy mạnh các biện pháp để hạn chế dịch bệnh lây lan như đóng cửa trường học.
Chính phủ Anh đang lên kế hoạch triển khai các biện pháp mạnh hơn để phòng chống dịch COVID-19 như chuẩn bị ban hành một đạo luật khẩn cấp để trao thêm quyền cho chính phủ nhằm đối phó dịch bệnh nguy hiểm này, trong đó có quyền cấm tụ tập đông người và đền bù thiệt hại cho các tổ chức.
Liên quan công tác chống dịch, Chính phủ Anh ngày 15/3 đã ra khuyến cáo công dân tránh tới Tây Ban Nha, nơi dịch đang bùng phát mạnh. Công dân Anh hiện ở Tây Ban Nha được khuyến cáo tuân thủ hướng dẫn của nhà chức trách địa phương, trong khi các dịch vụ giao thông vận tải tới Tây Ban Nha sẽ bị cắt giảm.
Tây Ban Nha đã trở thành điểm nóng mới của dịch COVID-19 khi ghi nhận tới 1.500 người nhiễm mới trong 24 giờ. Đến nay, nước này đã ghi nhận 6.391 ca mắc COVID-19, trong đó 195 ca tử vong. Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez đã ban bố tình trạng khẩn cấp quốc gia trong 15 ngày để đối phó với dịch bệnh, trong đó có biện pháp cấm mọi người rời khỏi nhà trừ trường hợp đi làm, khám chữa bệnh, mua thuốc hoặc mua nhu yếu phẩm.