“Vua tôm” Minh Phú thoát án phạt thuế tại Mỹ: Bộ Công thương nói gì?
'Vua tôm' Minh Phú 'thoát án' phạt thuế chống bán phá giá tôm 'Vua tôm' Minh Phú bị áp thuế chống bán phá giá tại Mỹ |
Trước đó, ngày 11/2, Cơ quan Hải quan và Biên giới Mỹ (CBP) đã ban hành quyết định về việc không có bằng chứng để kết luận Công ty Cổ phần Tập đoàn Thủy sản Minh Phú (Tập đoàn Minh Phú) lẩn tránh thuế chống bán phá giá mà nước này đang áp dụng với tôm của Ấn Độ.
Trên cơ sở đó, CBP sẽ xem xét, điều chỉnh biện pháp ban hành ngày 13/10/2020 để không áp thuế chống bán phá giá với sản phẩm tôm xuất khẩu của Tập đoàn Minh Phú.
Bộ Công thương hoan nghênh kết luận nêu trên và cho rằng đây là quyết định khách quan, công bằng, cân nhắc đầy đủ các thông tin, nỗ lực của Tập đoàn Minh Phú và các bên liên quan trong quá trình xử lý vụ việc, giúp tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh giữa các nhà sản xuất tôm Mỹ và các công ty xuất khẩu nước ngoài.
Ngay từ khi CBP khởi xướng điều tra, Bộ Công thương đã làm việc với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) và Tập đoàn Minh Phú để làm rõ tình hình, đồng thời yêu cầu công ty phối hợp, cung cấp thông tin tối đa cho phía Mỹ.
Tập đoàn thủy sản Minh Phú |
Đồng thời, Bộ Công thương cho biết, cơ quan này cũng đã trao đổi, đề nghị phía Mỹ thực hiện điều tra một cách khách quan, minh bạch, đảm bảo lợi ích của các doanh nghiệp kinh doanh chân chính.
Trong thời gian tới, Bộ Công thương sẽ tiếp tục trao đổi với các cơ quan liên quan của Mỹ để làm rõ thông tin, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp ngành nuôi trồng, chế biến và xuất khẩu tôm của Việt Nam.
Bên cạnh đó, Bộ Công thương cũng khuyến nghị các doanh nghiệp trong nước nghiên cứu, xây dựng và triển khai cơ chế truy xuất nguồn gốc để đảm bảo đáp ứng yêu cầu của nước nhập khẩu.
Trước đó, Tập đoàn thủy sản Minh Phú cũng đã có thông cáo báo chí cho biết, ngày 11/2, doanh nghiệp này đã nhận quyết định huỷ việc áp thuế chống bán phá giá với tôm Ấn Độ lên sản phẩm tôm xuất khẩu vào Mỹ.
Theo đó, CBP đã hủy bỏ quyết định đã ban hành trước đó vào ngày 13/10/2020 về việc áp thuế chống phá giá với tôm Ấn Độ lên sản phẩm tôm xuất khẩu từ Minh Phú vào Mỹ.
Quyết định ngày 11/2 cho phép Minh Phú tiếp tục được xuất khẩu tôm đông lạnh vào Mỹ mà không phải chịu thêm thuế chống phá giá áp dụng cho tôm Ấn Độ hay bất kỳ loại thuế chống phá giá nào khác. Đồng thời, Minh Phú cũng được hoàn lại các khoản thuế chống phá giá mà chúng tôi đã phải tạm nộp trước đó theo quyết định ngày 13/10/2020.
Tập đoàn Minh Phú cho biết, quyết định ngày 11/2 của CBP thể hiện sự xem xét thấu đáo, công bằng, và đánh giá chính xác về hệ thống truy xuất nguồn gốc hiệu quả cũng như những nỗ lực hợp tác của doanh nghiệp trong suốt hơn một năm kể từ khi CBP đã khởi xướng Vụ điều tra theo Đạo luật Thực Thi và Bảo Hộ (EAPA) vào ngày 9/10/2019.
tại kết luận ngày 13/10/2020, Cơ quan điều tra EAPA của CBP đã yêu cầu áp thuế chống phá giá với tôm Ấn Độ với Minh Phú dựa trên nhận định rằng hệ thống truy xuất của công ty còn có một số lỗi nhỏ, trong khi đó, Minh Phú chưa hợp tác đầy đủ vì chưa cung cấp được hồ sơ truy xuất chi tiết của từng loại nguyên liệu tôm tới từng chuyến hàng xuất khẩu với thông tin và tài liệu như cơ quan này yêu cầu.
Sau đó, lãnh đạo Tập đoàn Minh Phú đã quyết định nộp đơn khiếu nại hành chính lên cơ quan cấp cao của CBP ngay vào ngày 10/11/2020, yêu cầu xem xét lại kết luận nói trên, vì cho rằng kết luận này đã bỏ qua bằng chứng quan trọng nhất là Minh Phú đã có hệ thống truy xuất riêng hiệu quả (dù không theo đúng cách thức mà EAPA yêu cầu) và không sử dụng tôm nguyên liệu Ấn Độ cho hàng xuất vào Mỹ.
Tại quyết định ngày 11/2, trên cơ sở khiếu nại của Tập đoàn Minh Phú, Cơ quan cấp cao phụ trách về luật pháp và phán quyết (Office of Regulation and Rulings) của CBP đã phân tích kỹ lưỡng các bằng chứng và hồ sơ truy xuất nguồn gốc từ tôm nguyên liệu, qua các công đoạn sản xuất và xuất khẩu vào Mỹ mà Tập đoàn Minh Phú đã cung cấp trong suốt vụ điều tra EAPA từ tháng 10/2019.
Cụ thể, CBP nhận định rằng, xét đến đặc thù của quá trình sản xuất – xuất khẩu tôm đông lạnh, Tập đoàn Minh Phú đã có hệ thống truy xuất nguồn gốc hiệu quả, cho phép tách riêng tôm nhập khẩu và tôm nguyên liệu trong nước cũng như truy xuất từ tôm nguyên liệu tới tôm đông lạnh thành phẩm theo từng thị trường, đã trung thực trong báo cáo và hợp tác với nỗ lực cao nhất trong suốt cuộc quá trình điều tra EAPA.
Các bằng chứng mà Tập đoàn Minh Phú cung cấp cho CBP là đáng tin cậy và đầy đủ. Việc công ty chủ động tìm ra và báo cáo các sơ sót (ví dụ: có 13 kg tôm Ấn độ đã lọt vào 1 container hàng xuất khẩu đi Mỹ) cho thấy công ty đã trung thực và hợp tác đầy đủ với CBP. Đồng thời, Tập đoàn Minh Phú đã chứng minh được việc không sử dụng tôm Ấn Độ cho sản phẩm tôm đông lạnh xuất khẩu vào Mỹ.
Do vậy, kết luận ngày 29/10/2020 yêu cầu áp thuế chống phá giá cho tôm Ấn Độ với Tập đoàn Minh Phú vì cho rằng công ty chưa có hệ thống truy xuất hoàn hảo, theo cách thức và tiêu chuẩn do EAPA đặt ra, là không hợp lý và không dựa trên chứng cứ xác thực.
Trên cơ sở đó, CBP nhận định rằng Tập đoàn Minh Phú không vi phạm các quy định của EAPA và quyết định hủy bỏ việc áp thuế chống phá giá áp dụng cho tôm Ấn Độ đối với các sản phẩm xuất khẩu từ công ty này.
Vụ việc điều tra lẩn tránh thuế chống bán phá giá đối với Tập đoàn Minh Phú được CBP khởi xướng điều tra ngày 9/10/2019 dựa trên đơn kiện của Ủy ban thực thi thương mại tôm Mỹ (đại diện các nhà sản xuất tôm trong nước).