Vụ tài xế Vinasun bỏ đi sau tai nạn dưới góc nhìn pháp lý

Vụ tai nạn ở Tân Phú, TP HCM khi xe máy va vào taxi làm 2 người văng lên vệ đường, tài xế taxi mở cửa xuống nhìn nạn nhân rồi bỏ đi gây xôn xao dư luận, làm dấy lên những tranh cãi về sự vô cảm cũng như nỗi sợ hãi làm phúc phải tội.
Xe máy đâm vào taxi tại Tân Phú, TP HCM: Cú va chạm khiến 2 người thương vong

Để có cái nhìn toàn diện về vụ tai nạn này, Tuổi trẻ và Pháp luật đăng tải phân tích góc nhìn pháp lý của văn phòng luật sư Phúc Quang.

vu tai xe vinasun bo di sau tai nan duoi goc nhin phap ly
Luật sư Nguyễn Quang Tâm, Văn phòng Luật Phúc Quang

Về tài xế taxi Vinasun:

Lỗi của tài xế taxi phải được nhìn nhận, xem xét một cách thận trọng và khách quan nhất. Các cơ quan chức năng bao gồm CSGT và dưới sự giám sát của VKS quận Tân Phú sẽ làm rõ nguyên nhân và lỗi của các bên.

Bằng các tài liệu được thu thập trực tiếp tại hiện trường. Lời khai của các nhân chứng. Lời khai của tài xế taxi. Lời khai của nam nạn nhân điều khiển xe máy đang được cấp cứu. Nếu cần, phải thực nghiệm lại hiện trường, với không gian, thời gian tương tự như thời điểm tai nạn.

Qua Clip chúng ta thấy vụ việc tương đối phức tạp. Cần trưng cầu giám định tốc độ của xe máy. Trích xuất dữ liệu của xe Taxi trước trong và sau thời điểm tai nạn (Nếu có).

Đối với tài xế taxi, chưa nói đến việc kết luận là lỗi do ai trong vụ tai nạn. Trước tiên, theo chúng tôi anh này phải bị truy tố theo quy định tại điều 132 - Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi 2017 quy định về “Tội không cứu giúp người đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng”. Như sau:“Người nào thấy người khác đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng, tuy có điều kiện mà không cứu giúp dẫn đến hậu quả người đó chết, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm”.

Các yếu tố cấu thành tội phạm qua Clip được chúng ta thấy rõ: Đó là khả năng cứu giúp người bị nạn tương đối rõ ràng. Có phương tiện cứu giúp là xe ô tô vẫn sử dụng bình thường. Không hề gọi điện thoại cho tổng đài taxi, cấp cứu. Không có bất kỳ yếu tố khách quan nào cản trở việc anh ta cứu giúp người bị nạn. Có thể nói, khả năng cứu giúp của anh này là rất rõ ràng và không thể chối cãi.

Về phía cơ quan chức năng:

Đây là vụ tai nạn hết sức nghiêm trọng, gây hậu quả chết người. Cần khởi tố vụ án để điều tra theo thẩm quyền. Sau này, khi xác định nguyên nhân, lỗi của các bên. Có thể khởi tố vụ án, khởi tố bị can. Đây là quy định tại khoản 1 điều 260 Bộ luật hình sự hiện hành. Tuy nhiên, vụ án có thể được đình chỉ, nếu phía nạn nhân có đơn xin không xử lý người có lỗi, gây tai nạn. Khi đó cơ quan chức năng có thể xem xét, không khởi tố vụ án và đình chỉ điều tra.

Về một số người tham gia giao thông đi qua, đến xem nạn nhân trong Clip:

Có thể thấy, lý do không cứu giúp người bị tai nạn trong khi tham gia giao thông phần nhiều là do mọi người sợ bị liên lụy, sợ bị hàm oan. Bị vu là đối tượng gây tai nạn. Đã có không ít trường hợp bị hàm oan, thậm chí bị người nhà nạn nhân hành hung, gây thương tích. Hoặc khi đưa người bị nạn đến cấp cứu nhiều khi gặp phiền phức ở bệnh viện. Những người này, có thể bị xử phạt hành chính, nếu không đủ yếu tố cấu thành tội đã nêu ở trên.

Tuy vậy, vẫn có rất nhiều trường hợp được cứu giúp kịp thời, đã may mắn thoát chết hoặc tránh bị thương tật suốt đời. Đây chính là tình người, tình đồng loại. Đấy chính là các hành vi thể hiện đạo đức xã hội mà chúng ta cần nhân rộng. Rất cần các cơ quan chức năng sớm ban hành các quy định về việc khen thưởng các hành động cứu giúp người tai nạn giao thông.

Hiện nay, quy định về việc xử phạt những người không cứu giúp người bị tai nạn giao thông được luật quy định như sau.

Theo khoản 18, Điều 8 Luật Giao thông đường bộ 2008 quy định: “Các hành vi bị nghiêm cấm: … 18/Khi có điều kiện mà cố ý không cứu giúp người bị tai nạn giao thông”.

Tại điều 38 Luật Giao thông đường bộ 2008 quy định về “Trách nhiệm của cá nhân, cơ quan, tổ chức khi xảy ra tai nạn giao thông

1. Người điều khiển phương tiện và những người liên quan trực tiếp đến vụ tai nạn có trách nhiệm sau đây:

a) Dừng ngay phương tiện; giữ nguyên hiện trường; cấp cứu người bị nạn và phải có mặt khi cơ quan có thẩm quyền yêu cầu;

b) Ở lại nơi xảy ra tai nạn cho đến khi người của cơ quan công an đến, trừ trường hợp người điều khiển phương tiện cũng bị thương phải đưa đi cấp cứu hoặc phải đưa người bị nạn đi cấp cứu hoặc vì lý do bị đe dọa đến tính mạng, nhưng phải đến trình báo ngay với cơ quan công an nơi gần nhất;

c) Cung cấp thông tin xác thực về vụ tai nạn cho cơ quan có thẩm quyền.

2. Những người có mặt tại nơi xảy ra vụ tai nạn có trách nhiệm sau đây:

a) Bảo vệ hiện trường;

b) Giúp đỡ, cứu chữa kịp thời người bị nạn;

c) Báo tin ngay cho cơ quan công an, y tế hoặc Ủy ban nhân dân nơi gần nhất;

d) Bảo vệ tài sản của người bị nạn;

đ) Cung cấp thông tin xác thực về vụ tai nạn theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền.

3. Người điều khiển phương tiện khác khi đi qua nơi xảy ra vụ tai nạn có trách nhiệm chở người bị nạn đi cấp cứu. Các xe được quyền ưu tiên, xe chở người được hưởng quyền ưu đãi, miễn trừ ngoại giao, lãnh sự không bắt buộc thực hiện quy định tại khoản này.

Đồng thời, theo khoản 3 điều 11 - Nghị định số 46/2016 quy định: “3. Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với cá nhân, từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với tổ chức thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Không cứu giúp người bị tai nạn giao thông khi có yêu cầu;..”

Một số người trong Clip đã đến xem nạn nhân và không cứu giúp. Hoặc đi qua hiện trường thời điểm đó. Nếu được các cơ quan chức năng xác định rõ nhân thân, xác định rõ việc vi phạm hành chính đã nêu. Họ có thể bị UBND phường, quận địa phương sở tại lập hồ sơ để xử phạt vi phạm hành chính cho hành vi vi phạm này.

Pháp luật hiện hành có đầy đủ các quy định để xử lý hành vi: Không cứu giúp người trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng, hoặc bị tai nạn giao thông. Tuy nhiên, theo chúng tôi, vẫn rất cần người tham gia giao thông hãy vì tình người, tình đồng loại cứu giúp nhau khi khốn khó, hiểm nguy. Hơn nữa, cần lên án mạnh mẽ thói vô cảm của không ít người hiện nay, họ cần được xã hội - nhất là cộng đồng mạng lên án và tẩy chay.

Văn Khê
Phiên bản di động