Vinpearl Air và nước cờ táo bạo trong lĩnh vực hàng không

Cái tên Vinpearl Air đang trở thành từ khóa ''nóng'' nhất từ qua tới nay. Hiện chưa biết có phải là hãng hàng không mới của Việt Nam hay không nhưng đã có rất nhiều người kỳ vọng vào cái tên này...
Vingroup gia nhập lĩnh vực đào tạo hàng không, mở trường dạy phi công Tập đoàn Vingroup nhảy vào lĩnh vực hàng không? Vingroup chuyển nhượng toàn bộ cổ phần tại công ty bất động sản

Hôm qua (9/7), cái tên Công ty cổ phần hàng không Vinpearl Air có vốn 1.300 tỷ đồng chính thức lộ diện với công chúng, doanh nghiệp này được cho là có nhiều mối liên quan với Tập đoàn Vingroup.

Thật vậy, cùng ngày, Tập đoàn do tỷ phú Phạm Nhật Vượng làm Chủ tịch Hội đồng quản trị cũng công bố thông tin vừa ký kết thoả thuận hợp tác với Tập đoàn CAE (Canada) đào tạo phi công, kỹ thuật bay và các nhân sự khác trong lĩnh vực hàng không nhằm cung cấp nguồn lực kỹ thuật cao cho Việt Nam và thế giới.

Không phải ngẫu nhiên mà Vinpearl Air cùng xuất hiện với việc Tập đoàn Vingroup hợp tác với công ty nước ngoài đào tạo phi công, điều đó có thể cho thấy tham vọng lấn sân vào mảng hàng không của tập đoàn tư nhân lớn nhất Việt Nam.

Tuy nhiên, đây cũng mới chỉ là động thái bước đầu và còn cả quá trình gian nan tiếp theo để được cấp phép hãng bay vì có rất nhiều thủ tục liên quan, trong đó cần có đề án cụ thể để Bộ Kế hoạch đầu tư và Bộ Giao thông vận tải thẩm định trước khi trình Thủ tướng quyết định, đặc biệt là năng lực vận hành của công ty.

vinpearl air va nuoc co tao bao trong linh vuc hang khong
Ảnh minh họa.

Theo quy định của pháp luật hiện hành, các thủ tục quyết định chủ trương đầu tư dự án vận tải hàng không theo Luật Đầu tư năm 2014 và cấp phép kinh doanh vận tải hàng không theo Luật Hàng không dân dụng năm 2006 đều thuộc thẩm quyền quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

Theo Nghị định 92/2016/NĐ-CP của Chính phủ quy định về các ngành, nghề kinh doanh có điều kiện trong lĩnh vực hàng không dân dụng thì vốn tối thiểu để thành lập hãng hàng không khai thác đến 10 máy bay và có đường bay quốc tế là 700 tỷ đồng. Mức vốn tối thiểu yêu cầu sẽ tăng tương ứng với số máy bay khai khác. Hãng có đường bay quốc tế, khai thác từ 11-30 máy bay cần có vốn tối thiểu 1.000 tỷ đồng và cần có vốn từ 1.300 tỷ đồng để khai thác trên 30 máy bay và có bay quốc tế.

Hiện tại, chưa nói đến hạ tầng mà chỉ cần nói đến sự tham gia của các hãng hàng không ở Việt Nam đã cho thấy sự chật chội. Cả nước đang có 5 hãng hàng không trên thị trường, gồm Vietnam Airlines, Vietjet Air, Bamboo Airways, Jetstar Pacific Airlines, Vasco Airlines và nếu được cấp phép, Vinpearl Air sẽ là hãng bay thứ 6 của Việt Nam, đó là còn chưa tính đến việc Công ty hàng không lưỡng dụng Ngôi Sao Việt, Công ty Du lịch Vietravel cũng đang có tham vọng gia nhập vào ''sân chơi'' này.

Một vấn đề có thể nhận thấy được là khi sân chơi ngành hàng không đang được ngày càng nhiều doanh nghiệp tư nhân trong và ngoài nước nhắm đến thì sự cạnh tranh của các hãng hàng không ngày càng khốc liệt.

Hiện nay trong cuộc đua giành thị phần hàng không Việt, hai “ông lớn” Vietnam Airlines và Vietjet Air gần như chiếm toàn bộ thị phần nội địa với hơn 80%, đi kèm những chiến lược kinh doanh khác nhau. Trong khi Vietnam Airlines hướng đến phân khúc khách hàng cao cấp, lấy chất lượng dịch vụ làm điểm mạnh thì Vietjet cạnh tranh bằng tiêu chí giá rẻ. Mới đây, sự xuất hiện của Bamboo Airways cũng đã mang lại một làn gió mới cho thị trường nhưng cuộc đua tranh giành thị phần lại càng trở nên khốc liệt.

Theo thống kê, đến tháng 1/2019, sự tham gia của 5 hãng hàng không Vietnam Airlines, Viejet, Jetstar, Vasco Airlines và Bamboo Airways khiến mạng đường bay trong nước càng mở rộng nhanh chóng. Trên thị trường quốc tế, 71 hãng hàng không quốc tế và 5 hãng hàng không nội địa đang khai thác 140 đường bay, kết nối Việt Nam tới 28 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.

Về cơ sở hạ tầng cũng đang đặt ra một thách thức vô cùng lớn đối với các hãng hàng không ở Việt Nam. Theo các chuyên gia, hiện nay sự phát triển về số lượng tàu bay đang xung đột với tốc độ phát triển hạ tầng hàng không. Đặc biệt, dự báo nhu cầu của các hãng hàng không Việt Nam về vị trí đậu tàu bay qua đêm tại các sân bay, nhất là sân bay Nội Bài và Tân Sơn Nhất sẽ tăng cao trong giai đoạn từ nay đến năm 2020.

Ngành hàng không có 3 thành phần cấu thành hết sức quan trọng, đó là các hãng hàng không, tiếp đến là hạ tầng; trong đó là các cảng hàng không và thứ ba là mảng điều tiết để bảo đảm an ninh an toàn; nếu một mảng bị khiếm khuyết thì khó có thể phát triển mạnh.

Hạn chế về hạ tầng là một rào cản gia nhập ngành hàng không tuy nhiên cũng là khó khăn chung của các doanh nghiệp nội địa. Hiện tại, Việt Nam đang có 21 cảng hàng không đang khai thác trong đó có 8 cảng hàng không quốc tế và 13 cảng hàng không nội địa. Số lượng các cảng hàng không tuy nhiều, nhưng 3 cảng chính là Tân Sơn Nhất, Nội Bài và Đà Nẵng chiếm tới 76% tổng lưu lượng hành khách vận chuyển. Trong đó, Tân Sơn Nhất là cảng hàng không lớn nhất chiếm gần 40% tổng lưu lượng.

Tuy nhiên, Tân Sơn Nhất trong 2 năm trở lại đây đều đang trong tình trạng quá tải cả về bãi đỗ máy bay lẫn tần suất cất hạ cánh/giờ (slot). Công suất thiết kế ban đầu của Tân Sơn Nhất là 25 triệu hành khách/năm thì năm 2016 và 2017 tổng lượng hành khách đã lên tới 32 triệu và 36 triệu khách, cao hơn 38% và 44% so với công suất thiết kế.

Việc quá tải về hạ tầng tại Tân Sơn Nhất khiến việc mở mới thêm các hãng hàng không trở nên khó khăn. Năm 2017, Công ty TNHH MTV Hàng không Vietstar đã không được giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không với lý do sân bay Tân Sơn Nhất quá tải. Việc chấp thuận chủ trương đầu tư và cấp giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không cho Vietstar sẽ chỉ được Thủ tướng Chính phủ xem xét sau khi hoàn thành việc mở rộng cảng hàng không Tân Sơn Nhất.

Đến thời điểm hiện tại, quá tải tại Tân Sơn Nhất đã tạm thời giảm bớt sau khi đưa vào sử dụng thêm 21 ha sân đỗ từ cuối năm 2017 và đầu 2018. Tuy nhiên với tốc độ tăng trưởng lượng khách ở mức cao trong các năm gần đây, nếu không triển khai nhanh việc mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất thì tình trạng quá tải có thể tiếp tục diễn ra. Đây là một rào cản với các hàng hàng không mới muốn gia nhập vào ngành hàng không Việt Nam, tuy nhiên cũng là khó khăn về tăng trưởng với các doanh nghiệp nội địa khi muốn tăng thêm chuyến và mở rộng đội bay.

Như vậy, có thể thấy việc tồn tại được cũng đã là khó, chứ có tăng trưởng được hay không lại là một câu chuyện hoàn toàn khác. Thực tế, nhiều hãng hàng không cũng đã hoạt động ở Việt Nam như trường hợp của Air Mekong và Indochina Airlines nhưng cũng chỉ hoạt động được một vài năm rồi ngậm ngùi rút khỏi thị trường.

Mặc dù vậy, ở chiều ngược lại, thị trường ngành hàng không Việt Nam lại đang được đánh giá có tốc độ phát triển cao ở toàn cầu và đang dành được sự quan tâm lớn của Nhà nước, Chính phủ. Theo Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA), Việt Nam là một trong những thị trường hàng không phát triển nhất toàn cầu trong một thập kỷ trở lại đây với sự tăng trưởng doanh thu trung bình là 17,4%, cao hơn 2 lần so với mức 7,9% của toàn Châu Á.

Bên cạnh đó, với những chính sách thúc đẩy phát triển hàng không trong thời gian tới của Chính phủ, ngành hàng không đang được kỳ vọng sẽ có mức tăng trưởng vượt trội, góp phần thúc đẩy nền kinh tế, xã hội phát triển. Chính vì vậy, các ''tân binh'' ngành hàng không cũng có quyền kỳ vọng về những viễn cảnh tốt đẹp trong tương lai.

Cái tên Vinpearl Air, với nội lực đằng sau là tập đoàn tư nhân lớn nhất Việt Nam được rất nhiều kỳ vọng sẽ thành công như chính việc cho ra đời thương hiệu ôtô Vinfast. Tuy nhiên, với những thách thức to lớn của ngành hàng không vẫn hiển hiện phía trước thì đòi hỏi mỗi hãng hàng không phải phát huy được nội lực bản thân và đặc biệt là tìm ra lối đi riêng cho mình.

Chúng ta hãy cứ chờ xem có xuất hiện hãng hàng không mới của Việt Nam là Vinpearl Air trong tương lai hay không?

Văn Huy
Phiên bản di động