Vĩnh Phúc trở thành điểm đến thu hút đầu tư của doanh nghiệp Nhật Bản
Đối tác quan trọng hàng đầu của tỉnh
Ngày 23/6, UBND tỉnh Vĩnh Phúc tổ chức hội nghị “Vĩnh Phúc trong kết nối, hợp tác và phát triển Việt Nam - Nhật Bản" với sự tham dự của lãnh đạo Bộ ngoại giao Việt Nam, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Nhật Bản tại Việt Nam và trên 100 doanh nghiệp.
Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc Hoàng Thị Thúy Lan phát biểu tại hội nghị. |
Chia sẻ tại hội nghị, đại diện Tập đoàn Sumitomo – nhà đầu tư dự án KCN Thăng Long - Vĩnh Phúc cho biết, trước khi đặt dự án tại địa phương, tập đoàn đã tiến hành khảo sát 30 điểm tại các tỉnh phía Bắc và 20 điểm tại các tỉnh, thành phía Nam, sau đó mới chọn Vĩnh Phúc để đầu tư.
Vị đại diện Sumitomo cũng đưa ra 3 lý do lựa chọn nơi đầu tư là tỉnh Vĩnh Phúc: Thứ nhất, Vĩnh Phúc là địa phương có điều kiện tự nhiên phong phú, có nhiều cây xanh, làm cho nhà đầu tư Nhật Bản khi đến đây luôn cảm thấy dễ chịu và gợi nhớ về quê hương Nhật Bản.
Thứ hai, vị trí địa lý của Vĩnh Phúc có nhiều thuận lợi, với hệ thống giao thông phát triển, giúp nhà đầu tư có thể dễ dàng tiếp cận với các tuyến giao thông lớn của Việt Nam.
Thứ ba, cơ sở hạ tầng hoàn thiện và sự hỗ trợ của lãnh đạo tỉnh cũng là yếu tố quan trọng khiến doanh nghiệp quyết định lựa chọn Vĩnh Phúc để đầu tư.
Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh, hướng tới kỷ niệm 50 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước Việt Nam - Nhật Bản vào năm 2023, sự kiện này là một minh chứng sống động cho mối quan hệ hợp tác thực chất, hiệu quả và thiết thực, giúp mở ra giai đoạn phát triển mới, sâu sắc hơn giữa tỉnh Vĩnh Phúc và các đối tác Nhật Bản.
Với vai trò tiên phong, đồng hành, hỗ trợ, Bộ Ngoại giao sẽ giúp các tỉnh, thành phố, trong đó có tỉnh Vĩnh Phúc định hướng chiến lược, tư vấn chính sách, kịp thời thông tin về cơ hội thúc đẩy hợp tác kinh tế - thương mại - đầu tư, khoa học - công nghệ và các lĩnh vực khác với các đối tác quốc tế, trong đó có Nhật Bản.
Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn kỳ vọng sau hội nghị này, tỉnh Vĩnh Phúc sẽ khơi thông, mở rộng và đưa quan hệ với các đối tác của Nhật Bản ngày càng đi vào chiều sâu, góp phần vun đắp mối quan hệ chân thành – tình cảm – tin cậy giữa hai đất nước Việt Nam và Nhật Bản.
Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn phát biểu tại hội nghị. |
Đồng chí Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho rằng, Vĩnh Phúc hấp dẫn nhà đầu tư bởi là một địa phương luôn đi đầu trong cải cách, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh. Tích cực hỗ trợ nhà đầu tư từ lúc triển khai dự án đến suốt quá trình hoạt động của dự án. Đó là những yếu tố rất quan trọng, giúp Vĩnh Phúc luôn hấp dẫn được các nhà đầu tư nước ngoài nói chung và doanh nghiệp Nhật Bản nói riêng.
Đồng chí Nguyễn Văn Độ, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Vĩnh Phúc cho biết, hiện Vĩnh Phúc có gần 8.000 doanh nghiệp đang hoạt động, trong đó 20% doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo. Có 64% doanh nghiệp đã từng và đang liên kết với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.
Vĩnh Phúc định hướng phát triển 19 Khu công nghiệp trong 20 năm tới
Vĩnh Phúc cũng được đánh giá là một trong số ít các địa phương trên cả nước xây dựng được chuỗi cung ứng sản phẩm hoàn chỉnh trong các lĩnh vực ô tô, xe máy và thu hút được dòng vốn đầu tư nước ngoài đa dạng. Theo đó, đây là những cơ hội rất quan trọng để địa phương thu hút được dòng vốn đầu tư nước ngoài nói chung và vốn từ Nhật Bản nói riêng trong thời gian tới.
Ông Lê Duy Thành, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc trao đổi với nhà đầu tư Nhật Bản về môi trường đầu tư của tỉnh. |
Đồng chí Lê Duy Thành, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc khẳng định, tỉnh nhất quán với quan điểm “coi nhà đầu tư là người bạn đồng hành của tỉnh”, từ đó tích cực cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, tạo những điều kiện thuận lợi nhất để doanh nghiệp hoạt động. Để tạo thuận lợi cho thu hút đầu tư nước ngoài nói chung và đầu tư từ Nhật Bản nói riêng, tỉnh Vĩnh Phúc sẽ phát triển 19 khu công nghiệp, hoàn thiện quy hoạch hạ tầng giao thông, quy hoạch năng lượng để phục vụ đầu tư, đáp ứng nhu cầu năng lượng cho phát triển công nghiệp trong vòng 10- 20 năm tới.
Ông Yamada Takio, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Nhật Bản tại Việt Nam cảm ơn và đánh giá cao Bộ ngoại giao và tỉnh Vĩnh Phúc trong công tác tổ chức hội nghị; khẳng định quan hệ giữa Việt Nam và Nhật Bản là mối quan hệ thực chất, chiến lược trên các lĩnh vực: chính trị, an ninh, kinh tế, văn hóa xã hội.
Dây chuyền sản xuất, lắp ráp của Công ty Honda Việt Nam trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc |
Cho rằng vị thế địa lý là một thế mạnh, chính sách thu hút doanh nghiệp là điểm nhấn để Vĩnh Phúc trở thành điểm đến lý tưởng cho các doanh nghiệp, ông Yamada Takio đánh giá rất cao nỗ lực của Vĩnh Phúc trong việc hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư trên địa bàn.
Thông qua hội nghị này, ông Yamada Takio mong muốn các doanh nghiệp Nhật Bản tiếp tục quảng bá hình ảnh của Vĩnh Phúc để ngày càng có nhiều hơn nữa các doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư vào Vĩnh Phúc. Ông Yamada Takio khẳng định, Đại sứ quán Nhật Bản sẽ là cầu nối và nỗ lực hết mình để mối quan hệ Nhật Bản và Việt Nam nói chung, các doanh nghiệp, địa phương của Nhật Bản với Vĩnh Phúc nói riêng không ngừng phát triển.