Vingroup của tỷ phú Phạm Nhật Vượng công bố tuyển sinh phi công
Theo thông cáo của Tập đoàn Vingroup, học viên trúng tuyển sẽ được đào tạo trong 26 tháng, có cơ hội liên thông lên Đại học chuyên ngành quản trị Hàng không và được đảm bảo việc làm sau tốt nghiệp.
Ngoài ra, học viên còn được tham gia chương trình hỗ trợ học phí, với mức hỗ trợ tối đa lên đến 50.000 USD/người và được ngân hàng hỗ trợ cho vay tới 75% gói học phí.
Ảnh minh họa. |
Ngay sau khi ký kết với Tập đoàn CAE (Canada) thoả thuận hợp tác đào tạo phi công, kỹ thuật bay và các nhân sự khác trong lĩnh vực hàng không, Tập đoàn Vingroup mới đây đã ký kết thỏa thuận hợp tác với Trường Cao đẳng kỹ thuật khoa học Hàng không Aviator - ACAST (Mỹ) và Học viện đào tạo Phi công – AAPA (Úc).
Đồng thời, Trường Đào tạo nhân lực kĩ thuật cao ngành Hàng không Vinpearl Air công bố chính thức tuyển sinh 400 học viên phi công khóa 1.
Học viên trúng tuyển sẽ được đào tạo cơ bản tại 1 trong các Học viện đào tạo hàng đầu thế giới tại Mỹ hoặc Úc và huấn luyện chuyển loại tại Trường đào tạo nhân lực kỹ thuật cao ngành Hàng không Vinpearl Air, trong thời gian 26 tháng.
Sau khi tốt nghiệp, các học viên sẽ được cấp chứng chỉ phi công tiêu chuẩn quốc tế CAAV, FAA và CASA; và có cơ hội học liên thông lên Đại học chuyên ngành quản trị Hàng không. Toàn bộ học viên đều được Vinpearl Air đảm bảo việc làm trong môi trường chuyên nghiệp và thu nhập hấp dẫn sau khi ra trường.
Đây là chương trình phi lợi nhuận, trong đó để giải quyết bài toán tài chính hỗ trợ các học viên, tất cả các học viên sẽ được ngân hàng cho vay tới 75% học phí, ân hạn trả gốc đến 26 tháng và trả dần khi bắt đầu đi làm.
Ngoài ra, Tập đoàn Vingroup sẽ đứng ra bảo lãnh cho các đối tượng có hoàn cảnh khó khăn vay ngân hàng, được hỗ trợ 100% lãi vay; những trường hợp đặc biệt khó khăn sẽ được hỗ trợ kinh phí lên đến 50.000 USD/học viên, trong đó một phần sẽ được trích để trả lãi ngân hàng, một phần được trừ vào học phí phải đóng.
Điều kiện ứng tuyển là công dân Việt Nam từ 18 – 35 tuổi, tốt nghiệp phổ thông trung học trở lên, đáp ứng đủ yêu cầu về chiều cao, cân nặng, ngoại ngữ, không có tiền án tiền sự và đạt tiêu chuẩn sức khỏe (đối với phi công dân dụng của Cục Hàng không Việt Nam).
Các thí sinh sẽ trải qua 4 vòng thi gồm: Nhận hồ sơ dự tuyển và kiểm tra sức khỏe; Kiểm tra tiếng Anh; Kiểm tra kỹ năng nghề nghiệp ADAPT và Phỏng vấn với Hội đồng tuyển chọn để trở thành học viên chính thức.
Trước đó, trong tháng 7 và tháng 8/2019, Tập đoàn Vingroup và Tập đoàn CAE (Canada), Học viện đào tạo Phi công – AAPA (Úc) và Trường Cao đẳng kỹ thuật khoa học Hàng không Aviator - ACAST (Mỹ) đã ký kết thoả thuận hợp tác đào tạo phi công, kỹ thuật bay và các nhân sự khác trong lĩnh vực hàng không.
Bên cạnh phi công và thợ máy hàng không, Vingroup cũng hướng tới việc đào tạo các nhân sự khác trong ngành Hàng không như huấn luyện chuyển loại, nâng cấp và định kỳ cho phi công, thợ máy, huấn luyện nhân viên điều phái bay, tiếp viên hàng không; quản trị hàng không, kinh tế vận tại hàng không và kỹ sư máy bay…
Mới đây, trao đổi với báo chí, ông Trần Tuấn Linh- Trưởng phòng Khoa học công nghệ và Môi trường, Cục Hàng không Việt Nam cho biết đã nhận hồ sơ xin cấp phép bay của 2 hãng mới là Vinpearl Air, Vietravel Airlines. Vietravel Airlines và Vinpearl Air đã lần lượt được Sở Kế hoạch và Đầu tư Thừa Thiên – Huế và Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Hà Nội cấp phép thành lập doanh nghiệp. Hồ sơ của hai hãng bay này đã được trình lên Bộ Kế hoạch và Đầu tư và cơ quan này đang lấy ý kiến từ các bộ ngành liên quan. Trong đó, Cục hàng không Việt Nam đang yêu cầu 2 hãng chỉnh sửa hồ sơ cho phù hợp, nhằm bảo đảm tiêu chí an ninh, an toàn hàng không. Sau khi được các cơ quan liên quan thông qua, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ trình hồ sơ lên Thủ tướng phê duyệt cấp phép bay. |