Theo Vinaconex, ngay sau khi nhận được văn bản trên, Tổng giám đốc Nguyễn Xuân Đông đã yêu cầu bộ phận Tài chính kế toán khẩn trương kiểm tra, rà soát và thống kê toàn bộ hóa đơn/chứng từ có liên quan đến danh sách các công ty/đơn vị cần xác minh theo yêu cầu của cơ quan chức năng.
Kết quả bước đầu cho thấy, toàn bộ số hóa đơn liên quan đến giao dịch giữa tổng công ty với các đối tượng trong danh sách các công ty/đơn vị theo yêu cầu của cơ quan chức năng, được thực hiện trước thời điểm cổ đông nhà nước hoàn tất việc thoái vốn tại Vinaconex (tháng 12/2018, thời điểm ông Nguyễn Xuân Đông chưa tham gia bất cứ công việc, chức vụ gì tại Vinaconex).
Vinaconex cũng cho biết các nội dung trên không ảnh hưởng gì đến hoạt động sản xuất kinh doanh hiện nay của Tổng Công ty.
Được biết, vào cuối năm 2018, Hội đồng quản trị của Vinaconex đã phê duyệt đơn xin từ nhiệm chức vụ Tổng giám đốc đối với ông Đỗ Trọng Quỳnh, đồng thời bổ nhiệm ông Nguyễn Xuân Đông giữ chức vụ trên.
Bên cạnh đó, Hội đồng quản trị Vinaconex cũng đã thống nhất việc thay đổi người đại diện theo pháp luật của tổng công ty này từ ông Đỗ Trọng Quỳnh sang ông Nguyễn Xuân Đông.
Theo tìm hiểu, ông Nguyễn Xuân Đông là Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Công ty TNHH An Quý Hưng, nhà đầu tư đã bỏ ra gần 7.400 tỷ đồng để mua gần 58% vốn của Vinaconex từ SCIC trong phiên đấu giá vào cuối tháng 11/2018. Số tiền đơn vị này chi ra để mua cổ phần Vinaconex cao hơn 1.900 tỷ đồng so với quy mô đợt đấu giá tính theo giá khởi điểm.
Ngày 4/12/2018, Công ty TNHH An Quý Hưng đã thanh toán số tiền còn lại sau đấu giá cho SCIC và chính thức trở thành cổ đông lớn nhất hiện nay của Vinaconex.
An Quý Hưng là một doanh nghiệp hoạt động chính trong lĩnh vực bất động sản có đăng ký kinh doanh tại Chương Mỹ, Hà Nội. Công ty này có vốn điều lệ đến cuối năm 2017 đạt 360 tỷ đồng do hai cổ đông cá nhân góp vốn là ông Nguyễn Xuân Đông và vợ là bà Đỗ Thị Thanh. Đến trước phiên đấu giá, vốn điều lệ của doanh nghiệp này được nâng lên 500 tỷ đồng.