Vinaconex 39 giải trình việc cổ phiếu vào diện bị hủy niêm yết

Sau khi bị cơ quan quản lý yêu cầu, Vinaconex 39 đã lên tiếng giải trình nguyên nhân lợi nhuận âm 3 năm liên tục khiến cổ phiếu của công ty rơi vào diện bị hủy niêm yết.
Làm ăn thua lỗ, cổ phiếu Vinaconex 39 vào diện bị hủy niêm yết Vinaconex 39 có khoản thu khó đòi, đầu tư quá hạn hàng trăm tỷ đồng Hội đồng quản trị mới bị dừng hoạt động, Vinaconex lâm nguy?

Như thông tin đã đưa, ngày 5/4, Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) đã có văn bản gửi Công ty CP Vinaconex 39 (mã Ck: PVV) yêu cầu giải trình nguyên nhân và đưa ra phương án khắc phục tình trạng bị hủy niêm yết.

Văn bản nêu rõ, ngày 1/4/2019, HXN đã nhận được báo cáo tài chính hợp nhất kiểm toán năm 2018 của Vinaconex 39 được kiểm toán bởi Công ty TNHH Kiểm toán An Việt. Sau khi xem xét, HNX nhận thấy kết quả sản xuất kinh doanh của công ty bị thua lỗ 3 năm liên tục (năm 2016, 2017, 2018).

Như vậy, cổ phiếu PVV của Công ty CP Vinaconex 39 thuộc trường hợp bị hủy niêm yết theo quy định. Chính vì vậy, HNX đề nghị Vinaconex 39 báo cáo giải trình nguyên nhân và đưa ra phương án khắc phục tình trạng bị hủy niêm yết.

Sau khi nhận được văn bản, ngày 11/4, Vinaconex 39 đã có văn bản giải trình gửi tới HNX. Theo đó, Vinaconex 39 cho biết, từ năm 2016, do bị tác động từ thông tin tiêu cực liên quan đến vụ án của Tổng Công ty CP Xây lắp dầu khí Việt Nam, thương hiệu và hoạt động của công ty đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng, giao dịch khách hàng ngày càng giảm, ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động bất động sản, xây dựng của công ty, làm giảm doanh thu và lợi nhuận, công ty bị vướng vào các khoản nợ khó đòi.

vinaconex 39 giai trinh viec co phieu vao dien bi huy niem yet
Trụ sở Công ty CP Vinaconex 39.

Đồng thời, do diễn biến thị trường đầu tư không thuận lợi trong những năm qua, khiến các hạng mục đầu tư của Vinaconex 39 không đem lại lợi nhuận, công ty chưa đánh giá được hết khả năng triển khai các dự án và mức độ tổn thất. Năm 2018, công ty tiếp tục khó khăn trong tìm kiếm việc làm, triển khai dự án do đó doanh thu thấp và chi phí lãi vay cao nên kết quả kinh doanh lỗ.

Trước những khó khăn, Vinaconex 39 đưa ra giải pháp khắc phục là việc đang thực hiện tái cấu trúc toàn bộ hoạt động của doanh nghiệp, hoàn thiện thủ tục pháp lý cần thiết để khởi động lại các dự án đầu tư, tích cực đẩy mạnh quan hệ với các ngân hàng để mở hạn mức tín dụng tạo nguồn vốn để sản xuất kinh doanh.

Theo báo cáo tài chính hợp nhất kiểm toán, năm 2018, lợi nhuận sau thuế của Vinaconex 39 là âm xấp xỉ 51 tỷ đồng, tăng 16 tỷ đồng so với năm 2017 (với mức lỗ 35 tỷ đồng), năm 2016 công ty lỗ 44 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, tại báo cáo tài chính hợp nhất đã được soát xét của Công ty TNHH Kiểm toán An Việt đã nêu ra ý kiến ngoại trừ là tại ngày 31/12/2018, Vinaconex 39 có một số khoản công nợ phải thu khó đòi.

Cụ thể, các khoản phải thu của khách hàng số tiền khoảng 43,4 tỷ đồng; ướng trước cho các tổ đội thi công với số tiền là khoảng 53,91 tỷ đồng; các khoản công nợ phải thu này đã quá hạn thanh toán từ nhiều năm trước, đối tượng khách hàng phải thu đang trong giai đoạn rất khó khăn, mất khả năng thanh tóa và có khả năng dừng hoạt động kinh doanh. Chưa có bất kỳ khoản dự phòng nào được công ty trích lập và phản ánh trên báo cáo tài chính hợp nhất năm 2018 liên quan đến các khoản nợ phải thu khó đòi này.

vinaconex 39 giai trinh viec co phieu vao dien bi huy niem yet
Văn phòng Công ty CP xây dựng dân dụng công nghiệp PVV.

"Theo ước tính của chúng tôi, đánh giá trên cơ sở thời gian quá hạn và khả năng thanh toán của các khách hàng liên quan đến các khoản công nợ phải thu này. Công ty cần trích lập dự phòng phải thu khó đòi với số tiền 97,31 tỷ đồng. Theo đó, nếu công ty trích lập dự phòng ở mức tối đa như trên thì kết quả kinh doanh hợp nhất năm 2018 của công ty sẽ giảm số tiền tưng ướng", kiểm toán viên nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, kiểm toán viên cũng nêu, tại ngày 31/12/2018, Vinaconex 39 đang theo dõi khoản đầu tư ủy thác với Công ty CP Đầu tư khoán sản Bắc Trung Bộ với số tiền khoảng 91,6 tỷ đồng kèm theo lãi phải thu tương ứng khoảng 20,138 tỷ đồng, các khoản gốc và lãi này đã quá hạn thanh toán từ nhiều năm trước. Công ty chưa đánh giá được khả năng triển khai các dự án đầu tư cũng như mức độ tổn thất (nếu có) từ việc đầu tư trên.

"Chúng tôi không thể thu thập được đầy đủ các bằng chứng liên quan đến việc xác định giá trị hợp lý của các khoản đầu tư này để xác định liệu công ty có phải trích lập các khoản dự phòng cần thiết trong việc lập và trình bày báo cáo tài chính năm tài chính kết thúc ngày 31/12/2018 hay không", kiểm toán viên nhấn mạnh.

Theo giải trình của Vinaconex 39, tại thời điểm lập báo cáo tài chính năm 2018, công ty đang còn các khoản nợ tồn đọng đang chờ quyết toán. Hiện tại, công ty đang tiếp tục hoàn thiện các thủ tục quyết toán các hạng mục dở dang và thu hồi công nợ tồn đọng liên quan đến các công trình.

''Căn cứ vào thực tế số liệu quyết toán, Ban giám đốc công ty cam kết sẽ ghi nhận đầy đủ công nợ cũng như hạch toán các khoản lỗ tiềm tàng phát sinh (nếu có) liên quan đến các hạng mục và công trình dở dàng này trong các năm tiếp theo", Vinaconex 39 cho biết.

Về khoản ủy thác đầu tư với Công ty CP Đầu tư khoán sản Bắc Trung Bộ, Vinaconex 39 cho biết vẫn đang tiếp tục làm việc để thu hồi khoản đầu tư trên trong thời gian ngắn nhất.

Cũng tại báo cáo tài chính hợp nhất năm 2018 đã được soát xét, công ty kiểm toán cũng đưa ra ý kiến ngoại trừ về việc từ năm 2011, Công ty CP xây dựng dân dụng công nghiệp PVV (công ty con của công ty) đã đầu tư nhà máy sản xuất gỗ ván ép thông qua việc mua lại nhà máy chế biến gỗ ván ép tại xã Yên Phú, huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình với tổng mức đầu tư là 17,62 tỷ đồng.

Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại dự án đang tạm ngừng hoạt động; tổng chi phí đầu tư của dự án đã phát sinh hơn 12 tỷ đồng, khoản trả trước cho bên chuyển nhượng dự án là Công ty CP cơ khí nông nghiệp Yên Mô số tiền hơn 4,6 tỷ đồng. Chưa có biên bản làm việc giữa hai bên về việc tiếp tục triển khai dự án hoặc hoàn trả số tiền đã ứng trước đây.

"Với những thông tin và bằng chứng kiểm toán thu thập đến thời điểm hiện tại, chúng tôi không thể xác định được khả năng thu hồi cũng như tổn thất từ việc đầu tư này. Chưa có bất kỳ khoản dự phòng nào được Ban giám đốc công ty trích lập liên quan đến các đối tượng và dự án dừng hoạt đồng nói trên", kiểm toán nhấn mạnh.

Theo giải trình của Vinaconex 39, hiện tại Công ty CP xây dựng dân dụng công nghiệp PVV vẫn đang làm việc với phía đối tác để xem xét vấn đề tiếp tục triển khai dự án hoặc hoàn trả số tiền đã ứng trước. Ban giám đốc cam kết sẽ ghi nhận đầy đủ công nợ cũng như các khoản lỗ tiềm tàng (nếu có) sau khi có sự thống nhất giải quyết vấn đề giữa các bên.

Văn Huy
Phiên bản di động