Việt Nam tạo nên câu chuyện thành công với xuất phát điểm nghèo khó
Đến ngày 15/2, Việt Nam thâm hụt thương mại 198 triệu USD Thủ tướng Việt Nam ăn sáng thân mật với người đồng cấp Malaysia |
ASEAN cần tham khảo những bài học của Việt Nam
Sáng 26/2, tại Hà Nội, Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng các nhà lãnh đạo các nước dự phiên toàn thể cấp cao Diễn đàn Tương lai ASEAN năm 2025.
Cùng tham dự phiên toàn thể có Tổng thống Timor Leste José Ramos-Horta; Thủ tướng Malaysia, Chủ tịch ASEAN 2025 Anwar bin Ibrahim; Thủ tướng New Zealand Christopher Luxon.
Trong bài phát biểu tại đây, Thủ tướng Malaysia Anwar bin Ibrahim đánh giá trong bối cảnh thế giới và khu vực đang ở ngã rẽ quan trọng, một thời điểm then chốt trong lịch sử ASEAN và thế giới, một hiện trạng mới đang định hình, do đó Diễn đàn có vai trò rất quan trọng.
Hiện ASEAN vẫn là khu vực hòa bình, an toàn, tăng trưởng kinh tế nhanh nhất thế giới; ASEAN đang tiến vào kỷ nguyên mới, đổi mới và chuyển mình. Tuy nhiên, trong cạnh tranh và chia rẽ, nhất là cạnh tranh thương mại, rủi ro địa chính trị ngày càng gia tăng, mang lại cả cơ hội và thách thức.
Thủ tướng Malaysia cho rằng ASEAN "phải tỏa sáng như ngọn đèn hy vọng", củng cố vai trò trung tâm, tăng cường đoàn kết giữa các thành viên, xây dựng chuỗi cung ứng bền vững, duy trì vị thế trong thương mại toàn cầu, phát triển kinh tế xanh…
![]() |
Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng các nhà lãnh đạo các nước dự phiên toàn thể cấp cao Diễn đàn Tương lai ASEAN năm 2025. |
Ông cho biết Malaysia và Việt Nam sẽ tiếp tục tăng cường hợp tác, góp phần thúc đẩy điều này. Đặc biệt, Thủ tướng Malaysia cho rằng ASEAN cần nghiên cứu, tham khảo những bài học của Việt Nam, nhất là trong quan hệ với Hoa Kỳ và Trung Quốc. ASEAN phải phát triển quan hệ thực chất, cân bằng với các cường quốc cũng như với các nước khác; tránh phụ thuộc vào một thị trường.
Đồng thời, bày tỏ ngưỡng mộ Chủ tịch Hồ Chí Minh, sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc của nhân dân Việt Nam, Thủ tướng Malaysia cho biết rất muốn được tới thăm địa điểm nổi tiếng Điện Biên Phủ.
Ông cũng đánh giá cao sức sống mạnh mẽ, nỗ lực kiên cường và những thành tựu của Việt Nam trong phát triển kinh tế, bảo đảm an ninh lương thực, công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đạt tăng trưởng GDP hơn 7% trong năm 2024, triển khai đường lối ngoại giao đặc sắc.
"Việt Nam đã tạo nên câu chuyện thành công với xuất phát điểm từ nghèo khó, tạo ra được tăng trưởng kinh tế và của cải dồi dào, hướng tới trở thành quốc gia hiện đại, tiên tiến", Thủ tướng Malaysia đánh giá.
Không hy sinh tiến bộ để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần
Cũng tại phiên toàn thể, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Thủ tướng Malaysia, Thủ tướng New Zealand và Tổng thống Timor Leste đã có cuộc trao đổi hỏi đáp cấp cao.
Trả lời câu hỏi về ý nghĩa của tự chủ chiến lược với ASEAN và Việt Nam, Thủ tướng Phạm Minh Chính trước hết cảm ơn các nhà lãnh đạo đã tham dự diễn đàn, với các phát biểu mang tính tạo động lực, truyền cảm hứng.
![]() |
Thủ tướng Phạm Minh Chính, Thủ tướng Malaysia, Thủ tướng New Zealand và Tổng thống Timor Leste trao đổi hỏi đáp cấp cao. |
Thủ tướng khẳng định, với bất cứ quốc gia nào, tổ chức nào cũng cần đặt vấn đề về tự lực, tự cường, chủ động chiến lược, thể hiện qua một số khía cạnh.
Về quan hệ đối ngoại, phải luôn giữ thế cân bằng, đối xử công bằng, hữu nghị với các đối tác, tạo môi trường hòa bình, ổn định, hữu nghị, hợp tác và phát triển, dựa trên luật lệ.
Cùng với đó, phải có thực lực, kinh tế phải phát triển, nếu kinh tế không phát triển thì sẽ bị tụt hậu, không tự chủ chiến lược được.
Thứ ba, quốc phòng, an ninh phải được củng cố, tăng cường phù hợp tình hình, tất nhiên để củng cố, tăng cường quốc phòng an ninh thì kinh tế phải phát triển.
Thứ tư, về xã hội, chính sách xã hội bảo đảm công bằng, tiến bộ trong một xã hội văn minh; bảo đảm an sinh xã hội, hỗ trợ người yếu thế trên nguyên tắc là không để ai bị bỏ lại phía sau, phát triển nhanh nhưng phải bền vững, không hy sinh tiến bộ, công bằng, an sinh xã hội và môi trường để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần.
Cùng với đó, phải phát triển văn hóa, củng cố bản sắc, phát huy nội lực, bởi văn hóa là sức mạnh nội sinh, nguồn lực bên trong.
Thủ tướng Phạm Minh Chính lấy ví dụ, như Thủ tướng Malaysia đã đề cập, trong các cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, Việt Nam đã lấy yếu thắng mạnh, lấy ít địch nhiều, phát huy chiến tranh Nhân dân, chiến tranh du kích.
Con người phải chiến thắng mặt trái của công nghệ thông tin
Trả lời câu hỏi về luật lệ trong quan hệ quốc tế, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh quản trị quốc gia và thế giới đều phải dựa trên luật lệ, chúng ta phải thiết kế luật lệ, tôn trọng luật lệ và thực hiện có hiệu quả.
![]() |
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính. |
Chia sẻ về khái niệm "trật tự dựa trên luật lệ", Thủ tướng cho rằng, Hiến chương Liên Hợp Quốc và luật pháp quốc tế về điều này đã rõ, với một số nội dung cơ bản.
Thứ nhất là tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của các nước; giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế.
Thứ hai, luật lệ phải tôn trọng quyền con người, con người sinh ra có quyền sống, quyền tự do, quyền mưu cầu hạnh phúc. Đây là những quyền mà không ai có thể xâm phạm được để con người có thể phát triển tự do, bình đẳng, đáp ứng yêu cầu chung của các dân tộc cũng như mỗi con người.
Thứ ba, chúng ta sống phải yêu thương, giúp đỡ, tôn trọng lẫn nhau với nguyên tắc bình đẳng, tất cả đều phát triển, không để ai bị bỏ lại phía sau.
Cụ thể hơn tại ASEAN, Thủ tướng cho biết ASEAN cũng có các luật lệ, nguyên tắc như đoàn kết, thống nhất trong đa dạng; trung lập, vì lợi ích chung; tôn trọng các nước khi đóng góp tích cực cho ASEAN phát triển; ứng xử linh hoạt với các vấn đề nhạy cảm của khu vực và quốc tế; giúp đỡ lẫn nhau, cùng nhau phát triển, mang lại hòa bình, ổn định, hợp tác, phát triển trong khu vực, mang lại lợi ích cho người dân sống trong ấm no và hạnh phúc.
Thủ tướng cho biết đây là những nguyên tắc mà các nước ASEAN đều chia sẻ, thống nhất và hằng năm các nhà lãnh đạo đều gặp nhau, thảo luận để làm sao năm sau làm tốt hơn năm trước, nhân dân ấm no, hạnh phúc hơn năm trước.
Trả lời câu hỏi về bảo đảm an ninh mạng, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng mọi sự phát triển của khoa học công nghệ nói chung, công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo nói riêng đều có mặt trái mà chúng ta phải thích ứng, trong đó mặt trái của công nghệ thông tin là vấn đề an ninh mạng.
Cho rằng trí tuệ nhân tạo được phát triển từ trí tuệ của con người, Thủ tướng nhấn mạnh chúng ta phải có giải pháp để thích ứng, chiến thắng mặt trái của công nghệ thông tin cũng như mặt trái của trí tuệ nhân tạo, phát huy mặt tích cực và hạn chế mặt tiêu cực của công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo.
Thủ tướng cho rằng việc Việt Nam được Liên Hợp Quốc chọn làm điểm đăng cai lễ ký Công ước Liên Hợp Quốc về chống tội phạm mạng (Công ước Hà Nội) sắp tới đã cho thấy vai trò của Việt Nam, cũng như sự thích ứng của Việt Nam trong vấn đề an ninh mạng và có thể là các vấn đề liên quan trí tuệ nhân tạo.