Viễn cảnh chết chóc toàn thế giới do chiến tranh hạt nhân Mỹ - Nga
Kịch bản thảm khốc khi chiến tranh hạt nhân Mỹ-Triều Tiên nổ ra Nơi các tỷ phú đua nhau xây hầm để trốn chiến tranh hạt nhân |
Vào thập niên 1980 giới khoa học Nga và Mỹ cùng kết luận rằng một cuộc chiến tranh hạt nhân sẽ xóa sổ hoàn toàn sự sống trên Trái Đất bằng cách tạo ra sự thay đổi thời tiết lớn và đột ngột.
| |
Hình ảnh của nghệ sĩ Nga Vladimir Manyukhin về hậu quả “mùa đông hạt nhân”. |
Hãy tưởng tượng viễn cảnh sau: Moscow và Washington không đạt được một giải pháp ngoại giao cho các xung đột giữa hai bên và tung ra vũ khí hạt nhân để giải quyết khúc mắc. Các vũ khí này hủy diệt các thành phố lớn, biến chúng thành biển lửa. Với nhiệt độ cao như thế này, đến cả bê tông cốt thép cũng cháy thành tro.
Lửa dữ trên quy mô lớn tạo thành các trận bão lửa không chỉ giết chết các sinh vật cần thở mà còn phóng lượng lớn muội vào khí quyển. Và vấn đề lớn phát sinh từ đây.
Hiện tượng lạnh giá chết người
Muội và bụi bay lên tầng bình lưu, tại đó chúng hình thành các lớp mây dày cản trở ánh sáng mặt trời đi xuống Trái Đất.
Nhà toán học Liên Xô Nikita Moiseyev viết: “Sau khi các đám mây muội hình thành, các tia nắng không tới được mặt đất dẫn tới hiện tượng lạnh đột ngột”. Moiseyev là người lãnh đạo việc phát triển mô hình toán học về hệ quả môi trường sau một cuộc chiến tranh hạt nhân có thể nổ ra vào thập niên 1980.
“Theo tính toán của chúng tôi, tháng đầu tiên sau khi nổ ra một cuộc chiến tranh hạt nhân, nhiệt độ trung bình trên Trái Đất sẽ giảm từ 15-20 độ, thậm chí có thể giảm sâu tới 25 độ C, và tiếp tục giảm trong vài tháng tiếp theo”, Moiseyev bổ sung.
| |
Hình ảnh kinh điển về nấm hạt nhân. Ảnh: Getty. |
Mô hình do Moiseyev phát triển cùng với các đồng nghiệp của mình cho rằng môt xung đột hạt nhân sẽ xảy ra ở Bắc Bán cầu; do vậy, Mỹ, châu Âu, và Liên Xô có thể hoàn toàn bị phá hủy bởi bom hạt nhân với đương lượng nổ là 5.000-7.000 megaton TNT.
Tất nhiên trong kịch bản này, những khu vực còn lại của thế giới cũng không dễ chịu gì. Trong vài tháng, kiểu “đêm chạng vạng hạt nhân” – tình trạng đêm liên tục mà không có mặt trời, và “mùa đông hạt nhân” sẽ ngự trị, làm đóng băng mặt đất ở độ sâu vài mét, cướp đi nước ngọt dành cho những người sống sót.
Ngoài vòm muội che phủ trên Trái Đất trong nhiều tháng, Trái Đất còn hứng chịu lượng lớn phóng xạ, và các cơn bão do xáo trộn khí hậu và nạn đói trên quy mô lớn. Cái chết khi ấy sẽ trở nên tất yếu với mọi sinh vật.
Moiseyev nói: “Nhân loại sẽ không thể sống sót qua mùa đông hạt nhân. Không ai có thể sống để chứng kiến mùa xuân hậu hạt nhân”.
Giới khoa học đoàn kết chống chiến tranh
Phát biểu của Moiseyev xuất phát từ Thuật toán Phát triển của ông, được viết vào năm 1987. Vài năm trước đó, vào năm 1983, hai nhóm nhà khoa học riêng rẽ, gồm Mỹ và Liên Xô, đi đến cùng kết luận này, và lần đầu tiên xây dựng giả thuyết về chiến tranh hạt nhân.
Ở Mỹ, Tiến sĩ Carl Sagan, một nhà vật lý thiên văn phát biểu mạnh mẽ về chiến tranh hạt nhân, vào tháng 10/1983 đã xuất bản một bài viết trên tờ tạp chí Parade có tới 10 triệu độc giả.
Sagan viết về hậu quả khủng khiếp của chiến tranh hạt nhân: “Chúng ta đã đặt nền văn minh và nhân loại vào sự nguy hiểm”.
| |
Nhà khoa học Mỹ Carl Sagan. Ảnh: AP. |
Sau này, cùng với các tác giả trong nhóm của mình, Sagan còn đăng thêm một bài viết nữa trên tờ Science, giải thích với giới chuyên môn trên thế giới về khả năng một cuộc chiến tranh hạt nhân. Nhưng bài báo trên tờ Parade có lẽ quan trọng hơn vì nó cảnh báo những người dân Mỹ bình thường.
Ở bên kia địa cầu, nhà khoa học khí quyển Xô viết Georgy Golitsyn đã trình bày nghiên cứu của mình về vấn đề này còn sớm hơn nữa, vào tháng 5/1983.
Không có gì ngẫu nhiên: Golitsyn và Sagan biết rõ về nhau. Họ đều nghiên cứu khí quyển, bao gồm cả khí quyển trên các hành tinh khác. Điều này cuối cùng giúp Golitsyn mô hình hóa khả năng về một mùa đông hạt nhân.
Golitsyn nêu ý kiến: “Tôi hiểu điều gì xảy ra khi có nhiều bụi trong không khí vì có thể quan sát đều đặn điều này trên Sao Hỏa. Khi xảy ra các trận bão bụi toàn cầu, nhiệt độ sẽ giảm đáng kể, đơn giản vì tia nắng mặt trời không thể tới được mặt đất”.
Golitsyn thực hiện việc so sánh này để sau này (năm 1984) xây dựng một học thuyết đã được xác nhận bởi nghiên cứu kỹ càng hơn của Nikita Moiseyev.
Kịch bản ngày tận thế
Thập niên 1980, khái niệm mùa đông hạt nhân gây sốc cho toàn thế giới. Lúc đó, khối XHCN và phương Tây đang trên bờ vực một cuộc xung đột quân sự sau khi Mỹ triển khai các tên lửa Pershing ở châu Âu – các tên lửa này có thể bay tới Moscow trong 8-10 phút. Tin tức về khả năng xảy ra một mùa đông hạt nhân đã làm tăng thêm nỗi sợ hãi trên toàn cầu.
Các nghiên cứu nêu trên góp phần tạo ra sự thay đổi tích cực. Năm 1985, Lãnh đạo Liên Xô Mikhail Gorbachev và Tổng thống Mỹ Ronald Reagan tuyên bố sau cuộc gặp thượng đỉnh đầu tiên ở Geneva: “Một cuộc chiến tranh hạt nhân không thể giành được chiến thắng và không bao giờ được phát động”.
Chưa đầy một thập kỷ sau tuyên bố trên, Chiến tranh Lạnh kết thúc và khả năng một cuộc chiến tranh hạt nhân giữa Nga và Mỹ đã giảm đáng kể.
Tuy nhiên người ta lại đặt câu hỏi là khái niệm “mùa đông hạt nhân” liệu có chính xác? Một số nhà khoa học vào năm 2011 cho rằng nghiên cứu của Sagan, Golitsyn và Moiseyev là không chính xác do dựa trên các mô hình tin học quá đơn giản hóa và các nguồn dữ liệu nghèo nàn. Các nhà khoa học nghi ngờ cũng cho rằng lớp bụi sẽ lắng lại ở tầng khí quyển thấp hơn chứ không bay tới tận tầng bình lưu.
Tuy nhiên thuyết “mùa đông hạt nhân” vẫn có những người ủng hộ. Như các khoa học gia Joshua M. Pierce và David C. Denkenberger trong một bài viết năm 2018 khẳng định rằng việc sử dụng số lượng đầu đạn hạt nhân trên 100 sẽ dẫn tới một thảm họa khí hậu toàn cầu.