Vì sao ông Phạm Nhật Vũ được đề nghị chính sách hình sự đặc biệt?
Trong kết luận điều tra thương vụ MobiFone mua 95% cổ phần AVG, ông Phạm Nhật Vũ (cựu Chủ tịch AVG) bị cáo buộc đã đưa hối lộ hơn 6 triệu USD cho 4 bị can Nguyễn Bắc Son, Trương Minh Tuấn, Lê Nam Trà và Cao Duy Hải.
Bộ Công an đánh giá bị can Vũ thành khẩn thừa nhận hành vi phạm tội, tích cực hợp tác với cơ quan điều tra. Bị can còn chủ động hủy bỏ thỏa thuận và hợp đồng chuyển nhượng cổ phần, tự nguyện trả lại MobiFone số tiền đã nhận kèm lãi và chi phí dự án góp phần làm giảm tối đa thiệt hại cho Nhà nước.
Ngoài ra, gia đình ông Vũ có công với cách mạng, có nhiều đóng góp cho các tổ chức, hoạt động xã hội nên cơ quan điều tra đề nghị xem xét áp dụng chính sách hình sự đặc biệt khi lượng khung hình phạt.
Đề cập về cụm từ "chính sách hình sự đặc biệt" trong bản kết luận điều tra, thạc sĩ - luật sư Đặng Văn Cường (Đoàn luật sư Hà Nội) đã có những đánh giá, phân tích gửi Zing.vn.
Ông Phạm Nhật Vũ. Ảnh: Minh Quang. |
Luật hiện hành không có quy định
Điều 3 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi bổ sung năm 2017) thể hiện rất rõ chính sách trong truy tố, xét xử các vụ án hình sự, có thể gọi là chính sách xét xử hình sự.
Trong đó, có nội dung quy định nghiêm trị người chủ mưu, ngoan cố chống đối, côn đồ, tái phạm nguy hiểm, lợi dụng chức vụ, quyền hạn để phạm tội.
Nhưng cũng có nội dung khác chỉ rõ việc khoan hồng đối với người tự thú, thành khẩn khai báo, tố giác đồng phạm, lập công chuộc tội, tích cực hợp tác với cơ quan điều tra, ăn năn hối cải, tự nguyện bồi thường thiệt hại gây ra.
Cũng theo Điều 3, đối với người lần đầu phạm tội ít nghiêm trọng có thể áp dụng hình phạt nhẹ hơn phạt tù, giao cho cơ quan, tổ chức hoặc gia đình giám sát, giáo dục.
Với người bị phạt tù thì buộc họ phải chấp hành hình phạt để trở thành người có ích. Còn nếu họ có đủ điều kiện do Bộ luật này quy định, thì có thể được xét giảm hoặc tha tù trước thời hạn.
Pháp luật hình sự Việt Nam luôn thể hiện 2 đặc tính cơ bản là nghiêm trị và nhân đạo. Các đặc tính này luôn đan xen, hòa quyện vào nhau để tạo ra sự hài hòa, hiệu quả, hiệu lực trong việc áp dụng pháp luật hình sự.
Tuy nhiên pháp luật cũng thể hiện tính chất khoan hồng, nhân đạo đối với từng đối tượng, trong từng hoàn cảnh cụ thể.
Đối với trường hợp ông Phạm Nhật Vũ, cơ quan điều tra thấy có căn cứ cho rằng bị can này xứng đáng được hưởng khoan hồng của pháp luật. Do đó, trong kết luận vụ án, cơ quan điều tra có thể đề nghị các cơ quan truy tố, xét xử xem xét áp dụng tình tiết giảm nhẹ một phần trách nhiệm hình sự.
Như vậy, việc cơ quan cảnh sát điều tra đề nghị áp dụng "chính sách hình sự đặc biệt" khi lượng hình đối với ông Vũ, có thể coi đó là đề nghị xem xét áp dụng các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự.
Trong vụ án này, nếu kết quả tranh tụng tại tòa cho thấy ông Phạm Nhật Vũ được đánh giá là người thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải, tố giác đồng phạm, lập công chuộc tội, tích cực hợp tác với cơ quan điều tra thì HĐXX sẽ quyết định có áp dụng tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ hay không.
Trong số 21 bị can của vụ án MobiFone mua cổ phần AVG, riêng ông Phạm Nhật Vũ bị truy tố tội Đưa hối lộ. Ảnh: Ngọc Tân. |
Tội tham nhũng phải nghiêm trị
Theo quy định của Bộ luật Hình sự hiện hành, mọi người phạm tội đều bình đẳng trước pháp luật, không phân biệt giới tính, dân tộc, tín ngưỡng, tôn giáo, thành phần địa vị xã hội.
Căn cứ các Điều từ 353-359 Bộ luật Hình sự 2015, các tội danh đưa và nhận hối lộ đều thuộc nhóm tội phạm về tham nhũng.
Trong khi đó, chính sách xét xử hình sự ở Việt Nam hiện nay đối với tội phạm tham nhũng là nghiêm minh, nghiêm trị và thực hiện mục tiêu thu hồi tài sản, không có chính sách riêng đặc biệt nào khác.
Tuy nhiên, trong vụ án MobiFone mua 95% cổ phần AVG hay với bất kỳ vụ án kinh tế, tham nhũng nào khác, các bị cáo vẫn được áp dụng chính sách xét xử hình sự chung quy định tại Điều 3 Bộ luật này.
Ngoài ra, pháp luật cũng luôn khuyến khích người phạm tội thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải, tố giác đồng phạm, tích cực hợp tác với cơ quan có trách nhiệm trong quá trình giải quyết vụ án.
Như vậy, không có "chính sách hình sự đặc biệt" cho từng người, từng đối tượng thì không có việc áp dụng.
Do đó, việc đề nghị áp dụng "chính sách hình sự đặc biệt" với bị can Phạm Nhật Vũ, có thể quan điểm của cơ quan điều tra là áp dụng chính sách khoan hồng, áp dụng các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự để khi lượng hình cân nhắc một hình phạt phù hợp chứ đây không phải là chính sách mới.
Còn quá trình xét xử, căn cứ quyết định hình phạt được quy định tại Điều 50 Bộ luật hình sự, tòa án sẽ cân nhắc tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội, nhân thân người phạm tội, các tình tiết giảm nhẹ và tăng nặng trách nhiệm hình sự để tuyên án.
Theo thẩm phán Trương Việt Toàn (TAND Hà Nội), luật hình sự hiện nay không có khái niệm "chính sách hình sự đặc biệt".
Ông Toànn nhấn mạnh, khi lượng hình, toà nếu nhận thấy có đủ cơ sở kết tội bị cáo, HĐXX sẽ xem xét các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ được quy định cụ thể trong luật để đưa ra phán quyết về mức hình phạt.
Ông Vũ Quốc Hùng, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương, cho rằng mục tiêu cao nhất trong cuộc chiến chống tham nhũng là thu hồi được tiền Nhà nước bị thất thoát. Cùng với đó là lên án, xử lý nghiêm người vi phạm và phải xử lý không có vùng cấm.
Còn nguyên đại biểu Quốc hội Lê Như Tiến cho hay đấu tranh phòng, chống tham nhũng không phải đưa càng nhiều người vào tù càng tốt. Mục tiêu là phải thu về tài sản do tham nhũng mà có, trả lại cho Nhà nước và nhân dân, vì suy cho cùng đó chính là tiền thuế của dân.