Nâng cao ý thức phòng chống cháy nổ trong nhà xưởng lớn mùa hanh khô
Với các nhà xưởng lớn, nhất là những nơi chứa lượng lớn vật liệu dễ cháy như gỗ, vải, hóa chất, hoặc các sản phẩm từ nhựa, nguy cơ cháy nổ vào mùa hanh khô là cực kỳ cao.
Hỏa hoạn tại các xưởng này không chỉ gây thiệt hại lớn về tài sản mà còn tiềm ẩn nguy cơ cháy lan sang các khu vực lân cận, dẫn đến hậu quả khó lường. Do đó, việc phòng ngừa và chuẩn bị các biện pháp ứng phó là vô cùng quan trọng.
Gần đây nhất, khoảng 23h, ngày 18/11, vụ hỏa hoạn đã xảy ra tại kho hàng đồ chơi trên phố Định Công, phường Thịnh Liệt, quận Hoàng Mai, Hà Nội. Đám cháy bùng phát trên diện tích kho hàng rộng lớn đã nhanh chóng lan rộng do trong kho chứa nhiều vật liệu dễ cháy.
Xưởng đồ chơi nằm ở khu vực tập trung đông dân cư, nguy cơ thiệt hại lớn do cháy |
Lực lượng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ đã kịp thời có mặt, triển khai các biện pháp dập lửa, tuy nhiên do nhiều vật liệu dễ cháy nên đám cháy đã lan sang khu vực lân cận.
Đến 00h30 ngày 19/11, đám cháy cơ bản được khống chế. Rất may, không có thiệt hại về người, nhưng tài sản trong kho và các kho lân cận bị lửa làm hư hại ước trên 5,5 tỷ đồng.
Thời điểm hiện tại, Hà Nội đang bước vào mùa hanh khô, độ ẩm không khí giảm, tạo điều kiện thuận lợi cho các vụ cháy nổ xảy ra.
Theo thống kê của Công an thành phố Hà Nội, các loại hình xảy ra cháy trong mùa hanh khô với các cơ sở như nhà ở dạng ống kết hợp kinh doanh, nhà kho, xưởng sản xuất… chiếm 80% - 85% số thiệt hại về người và tài sản.
Trước đó, vào ngày 16/10, một vụ cháy lớn đã bùng phát tại kho hàng hóa ở ngõ 124 Vĩnh Tuy, phường Thanh Trì, quận Hoàng Mai. Đám cháy lan rộng, gây thiệt hại nghiêm trọng về tài sản và buộc nhiều hộ dân phải di dời khẩn cấp.
Cột khói đen bốc cao khiến nhiều người dân chứng kiến cảm thấy hoang mang |
Để phòng ngừa cháy nổ trong mùa hanh khô, Công an thành phố Hà Nội khuyến cáo các cơ quan, doanh nghiệp, hộ gia đình và người dân cần thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng cháy, chữa cháy.
Cụ thể, cần thường xuyên kiểm tra hệ thống điện, các thiết bị điện, bếp đun… để kịp thời khắc phục những nguy cơ gây cháy; tắt nguồn lửa và ngắt các thiết bị điện khi không sử dụng; cẩn trọng trong việc thắp hương, đốt vàng mã; trang bị phương tiện cảnh báo cháy sớm, báo rò rỉ khí gas, bình chữa cháy xách tay, xà beng, nước chữa cháy và hướng dẫn các thành viên trong gia đình cách sử dụng; chuẩn bị và thực hành phương án thoát nạn cho người và tài sản đề phòng cháy xảy ra.
Ngoài ra, các cơ sở sản xuất, kinh doanh cần sắp xếp nguyên vật liệu, hàng hóa cách xa nguồn lửa, nguồn nhiệt; bảo đảm các điều kiện để lực lượng chữa cháy tại chỗ hoạt động hiệu quả; tổ chức các ca trực trong quá trình sản xuất và ngoài giờ hành chính để kịp thời phát hiện và dập tắt cháy ngay khi mới phát sinh, không để xảy ra cháy lớn gây thiệt hại nghiêm trọng.
Qua các vụ cháy lớn tại Hà Nội và trên cả nước, có thể thấy rằng ý thức phòng cháy chữa cháy của chủ nhà xưởng và công nhân cần được nâng cao hơn nữa. Không chỉ trang bị đầy đủ phương tiện, việc tuân thủ nghiêm ngặt quy trình phòng cháy và thực hiện tốt các khuyến cáo từ cơ quan chức năng là yếu tố quan trọng để bảo vệ tài sản, tính mạng và môi trường sống. Phòng cháy hơn chữa cháy - đây không chỉ là khẩu hiệu mà cần trở thành hành động cụ thể trong mỗi nhà xưởng, đặc biệt vào mùa hanh khô khi nguy cơ hỏa hoạn luôn hiện hữu. |