Vì sao kết quả xét nghiệm Covid-19 âm tính biến thành dương tính và ngược lại?
22 ca Covid-19 tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở Kim Chung Nóng: Thái Bình thực hiện giãn cách xã hội từ 12h trưa nay Điều chỉnh thời gian cách ly tập trung từ 14 ngày lên 21 ngày |
Những hướng dẫn của Bộ Y tế về quy trình xét nghiệm và giải thích của chuyên gia dưới đây sẽ giúp bạn đọc tự giải đáp được câu hỏi này.
Đối tượng cần xét nghiệm Covid-19
Theo hướng dẫn của Cục y tế dự phòng, những người cần thực hiện xét nghiệm Covid-19 là những đối tượng có ít nhất một trong số các triệu chứng của bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus SARS-CoV-2 gây ra như: sốt, ho, khó thở, đau họng, viêm phổi và có một trong số các yếu tố dịch tễ sau:
Có tiếp xúc gần (trong phạm vi 2 mét) với người nhiễm Covid-19 hoặc người nghi ngờ nhiễm Covid-19, bao gồm: người sống cùng nhà, cùng phòng làm việc, du lịch, làm việc, ngồi cùng hàng và trước sau 2 hàng ghế trên phương tiện giao thông,…
Trở về từ các “vùng dịch” được WHO ghi nhận có ca mắc Covid-19 trong vòng 14 ngày kể từ khi nhập cảnh (cách ly tập trung).
Trở về từ các vùng dịch đang xảy ra tại Việt Nam trong vòng 14 ngày trước khi xuất hiện các triệu chứng.
Bệnh nhân Covid-19 trong quá trình điều trị.
Theo chỉ định của bác sĩ/ cán bộ điều tra/ cơ quan y tế.
Xét nghiệm và cách ly với các trường hợp F1, F2 như thế nào?
Đối với các trường hợp F1 (tiếp xúc gần với ca bệnh dương tính): Áp dụng biện pháp cách ly tập trung (theo Quyết định số 3468/QĐBYT, ngày 7/8/2020 của Bộ Y tế về việc Ban hành "Hướng dẫn tạm thời giám sát và phòng, chống Covid-19); thời gian cách ly: Đủ 21 ngày tính từ ngày tiếp xúc lần cuối với ca bệnh dương tính (theo Chỉ thị số 05/CT-TTg ngày 28/1/2021 của Thủ tướng Chính phủ về một số biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19).
Về việc lấy mẫu: Lấy mẫu lần 2 vào ngày cuối cùng cách ly tập trung (nếu kết quả xét nghiệm dương tính thực hiện cách ly/ điều trị theo quy định. Nếu kết quả âm tính thực hiện giải phóng cách ly về địa phương tiếp tục giám sát y tế 14 ngày theo quy định). Trong quá trình cách ly tập trung có các dấu hiệu nghi ngờ (ho, sốt, khó thở…) thực hiện lấy mẫu, cách ly, điều trị tại cơ sở Y tế theo quy định.
Đối với các trường hợp F2 (tiếp xúc gần với F1): Tiếp tục cách ly tại nhà đến đủ 14 ngày tính từ ngày tiếp xúc lần cuối với F1 và lấy mẫu xét nghiệm một số trường hợp (theo Công văn số 149/UBND-KGVX ngày 29/1/2021 của UBND tỉnh).
Các trường hợp F2 được chỉ định lấy mẫu: là các trường hợp tiếp xúc trực tiếp thường xuyên với F1 (Người sống cùng nhà/cùng phòng/cùng hộ gia đình, bạn tình/người yêu, bạn bè thân thiết thường gặp, người có tiếp xúc qua công việc/sinh hoạt hàng ngày,…); nếu kết quả xét nghiệm dương tính thực hiện cách ly/ điều trị theo quy định, nếu kết quả âm tính thực hiện giải phóng cách ly. Trong quá trình cách ly tại nhà có các dấu hiệu nghi ngờ (ho, sốt, khó thở…) thực hiện lấy mẫu, cách ly, điều trị tại cơ sở Y tế theo quy định.
Mới đây, ngày 5/5, sau khi tham khảo ý kiến của các chuyên gia về dịch tễ học và virus học, Bộ Y tế quyết định sẽ kéo dài thời gian cách ly tập trung đối với những người có tiếp xúc gần với các ca bệnh dương tính với SARS-CoV-2 và các trường hợp nhập cảnh vào Việt Nam: từ 14 ngày lên 21 ngày.
Xét nghiệm Covid-19 lần 2 cách lần 1 bao lâu?
Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC), tùy theo từng nhóm đối tượng: bệnh nhân mắc Covid-19 sau xuất viện, người đang cách ly và người sau cách ly phòng chống Covid-19 sẽ có phương pháp giám sát và chỉ định xét nghiệm phù hợp. Cụ thể:
Đối với bệnh nhân sau xuất viện, tiếp tục cách ly 14 ngày, xét nghiệm 2 lần vào ngày thứ 7 và 14 sau xuất viện.
Đối với người tiếp xúc gần với người nhiễm, người tái dương tính được cách ly tập trung. Xét nghiệm ít nhất 2 lần ngay khi cách ly (ngày thứ 1), lần 2 trước khi hoàn thành thời gian cách ly (ngày thứ 14). Lấy mẫu ngay khi có triệu chứng nghi ngờ.
Người nước ngoài vào Việt Nam làm việc ngắn ngày, thực hiện cách ly được cấp phép di chuyển theo lịch trình đã khai báo. Xét nghiệm lần 1 ngay khi về nơi cách ly, lấy mẫu 2 ngày/ lần trong thời gian lưu trú tại Việt Nam và trước khi rời khỏi Việt Nam 1 ngày, đồng thời lấy mẫu khi có triệu chứng nghi ngờ. Riêng người nhập cảnh làm việc trên 14 ngày sẽ cách ly tập trung, xét nghiệm lần 1 ngay khi về nơi cách ly tập trung, lần 2 vào ngày thứ 6 và lần 3 vào ngày 14.
Vì sao F1 từ vùng dịch về có kết quả xét nghiệm trái ngược chỉ trong vài ngày?
Trước thông tin nhiều người dạng "F1" hoặc người từ vùng dịch về cho kết quả âm tính một vài lần xét nghiệm đầu, sau đó ít hôm lại cho kết quả dương tính mắc Covid-19 các chuyên gia y tế đã lên tiếng lý giải về điều này.
PGS.TS Lê Thị Quỳnh Mai- Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cho biết kết quả xét nghiệm chỉ có giá trị cho thời điểm lấy mẫu. Mỗi loại xét nghiệm có ngưỡng phát hiện nhất định. Phương pháp xét nghiệm xác định người nhiễm Covid-19 hiện nay được toàn thế giới áp dụng là Realtime RT-PCR ( xác định người nhiễm Covid-19). Đây là phương pháp có độ nhạy, đặc hiệu rất cao.
Cũng theo PGS.TS Lê Thị Quỳnh Mai, trường hợp bệnh nhân có xét nghiệm âm tính trước khi có kết quả xét nghiệm dương tính là bình thường. Vì thời điểm lấy mẫu, bệnh nhân ở giai đoạn ủ bệnh, chưa đến ngưỡng phát hiện được bằng xét nghiệm.
BSCK2 Nguyễn Trung Cấp, Trưởng khoa Cấp cứu Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cũng cho biết thêm, bệnh nhân xét nghiệm âm tính tức là trong dịch họng không tìm thấy virus. Tại thời điểm đó không lây cho người khác. Nhưng nếu trong thời kỳ ủ bệnh thì sau vài ngày bệnh nhân phát bệnh và lại trở thành dương tính. Khi đó sẽ có khả năng lây cho người khác
Vì thế, trong trường hợp F1 (những người tiếp xúc gần với bệnh nhân F0) âm tính vẫn cần cách ly tập trung vì bất cứ lúc nào F1 cũng có thể trở thành dương tính.
Còn theo bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng Khoa Nhiễm - thần kinh, Bệnh viện Nhi Đồng 1, khi một người bị nhiễm Covid-19, virus corona mới chỉ xâm nhập các tế bào. Chúng cần một thời gian vài ngày, gọi là thời gian ủ bệnh, để nhân lên, đến một lúc nào đó mới đủ nhiều, xuất hiện trong dịch đường hô hấp và mới có thể làm lây bệnh cho người khác khi bệnh nhân làm văng những giọt bắn đường hô hấp, ví dụ khi ho. Xét nghiệm chuẩn RT-PCR mà chúng ta và các nước khác đang sử dụng dựa trên dịch phết họng. Vì vậy với người mới bị lây, virus chưa kịp xuất hiện trong dịch phết họng, kết quả vẫn cho âm tính với SARS - CoV-2.
Những ca tái dương tính
Theo hướng dẫn chẩn đoán và điều trị Covid-19 do chủng vi rút SARS-CoV-2 lần 5 (ban hành ngày 26/4), những trường hợp xét nghiệm tái dương tính với SARS-CoV-2 trong thời gian theo dõi sau xuất viện, bệnh nhân cần được tiếp tục cách ly tại nhà 7 ngày và làm thêm một lần xét nghiệm vào ngày thứ 7 thay vì chuyển đến bệnh viện cách ly.
GS.TS Nguyễn Văn Kính- Chủ tịch Hội truyền nhiễm cho biết: Báo cáo các nước cho thấy ở những bệnh nhân tái dương tính, khi làm nuôi cấy không thấy gì. Ngoài ra, theo dõi những người trong gia đình - tiếp xúc gần không ai bị lây nhiễm. Vì thế, với người tái dương tính có giả thiết đây chỉ là xác virus.