Vì sao doanh nghiệp xăng dầu “ngại” xuất hóa đơn từng lần bán?

Cơ sở vật chất chưa đồng bộ, chi phí đầu tư hạ tầng cũng như cơ sở dữ liệu khá lớn... là một trong những lý do khiến các doanh nghiệp xăng dầu chưa mặn mà với việc xuất hóa đơn điện tử từng lần bán hàng.
Giá xăng dầu tăng mạnh từ 15h, chiều 21/3 Hạn chót cho các cửa hàng xăng dầu phải xuất hóa đơn điện tử

Theo Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính), kinh doanh xăng dầu là một ngành có đặc thù riêng, số thu từ thuế và phí xăng dầu đã góp phần vào hoàn thành số thu cho ngân sách Nhà nước.

Theo quy định tại Luật Quản lý thuế, kể từ ngày 1/7/2022, không chỉ riêng lĩnh vực kinh doanh xăng dầu, mà tất cả các ngành kinh doanh khác phải thực hiện xuất hóa đơn điện tử theo từng lần bán hàng, không phân biệt giá trị từng lần bán hàng, cung cấp dịch vụ.

Đối với kinh doanh xăng dầu, Chính phủ có quy định riêng về thời điểm xuất hóa đơn điện tử tại các cửa hàng bán lẻ cho khách hàng là thời điểm kết thúc việc bán xăng, dầu theo từng lần bán.

Tổng cục Thuế cho biết, mặc dù đã có quy định như trên, đến nay các cơ sở kinh doanh xăng dầu vẫn áp dụng phương pháp quản lý bán hàng và xuất hóa đơn theo các quy định cũ tại Thông tư số 39/2014/TT-BTC.

Vì sao doanh nghiệp xăng dầu “ngại” xuất hóa đơn từng lần bán?
Ảnh minh họa.

Nguyên nhân được các doanh nghiệp đưa ra là do cơ sở vật chất chưa đồng bộ, thiết bị cột bơm cũ, không đáp ứng kết nối phần mềm hóa đơn điện tử; chi phí đầu tư hạ tầng cũng như cơ sở dữ liệu khá lớn, trong đó phải kể đến một số phát sinh như tăng chi phí nhân sự, lỗi hệ thống, số lượng hóa đơn điện tử tăng lên gấp nhiều lần so với trước.

Mặt khác, có ý kiến cho rằng, các doanh nghiệp xăng dầu không muốn áp dụng quy định mới của pháp luật đó là tâm lý ngại đổi mới, ngại áp dụng công nghệ thông tin, hiện đại hóa công tác quản lý bán hàng trong khi trình độ quản lý, chuyên môn nghiệp vụ của nhiều doanh nghiệp còn hạn chế.

Bên cạnh đó, không loại trừ có doanh nghiệp xăng dầu sử dụng nguồn xăng dầu nhập lậu, bán hàng không xuất hóa đơn, hoặc cho bán hóa đơn điện tử không hợp pháp, các doanh nghiệp này chắc chắn không muốn thực hiện quy định xuất hóa đơn điện tử theo từng lần bán hàng.

Theo Tổng Cục Thuế, việc bắt buộc phải xuất hóa đơn theo từng lần bán hàng không những giúp đẩy mạnh công tác chuyển đổi số của các doanh nghiệp và hệ thống bán lẻ xăng dầu trên phạm vi toàn quốc mà còn tạo môi trường kinh doanh bình đẳng giữa các thành phần kinh tế và hướng đến mục tiêu bảo vệ lợi ích của người tiêu dùng trước vấn nạn buôn lậu xăng dầu và kinh doanh trái phép xăng dầu giả gây tổn thất cho phương tiện của người dân và gây ảnh hưởng nghiêm trọng trong hoạt động sản xuất kinh doanh và cuộc sống của người dân.

Đồng thời, việc các doanh nghiệp thực hiện phát hành hóa đơn điện tử theo từng lần bán xăng dầu sẽ góp phần giúp tăng cường kiểm soát việc phát hành hóa đơn điện tử, quản lý doanh thu và thực hiện nghĩa vụ thuế của doanh nghiệp, ngăn chặn tình trạng gian lận trong kinh doanh xăng dầu, hạn chế tình trạng buôn lậu xăng dầu, đảm bảo môi trường kinh doanh công bằng, minh bạch, tăng thu cho ngân sách Nhà nước.

Cùng với đó, việc bắt buộc phải xuất hóa đơn điện tử theo từng lần bán hàng sẽ giúp đẩy mạnh chuyển đổi số, tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, bảo vệ lợi ích người tiêu dùng. Các cá nhân, hộ kinh doanh lấy hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế khi mua xăng, dầu nói riêng và mua hàng hóa, dịch vụ nói chung sẽ được đảm bảo quyền lợi tiêu dùng, giúp người dân tạo lập thói quen tiêu dùng văn minh.

Theo thống kê của Tổng cục Thuế, tính đến ngày 15/3/2024, tổng số cửa hàng xăng dầu đã xuất hóa đơn điện tử từng lần bán hàng là 10.649 cửa hàng/15.756 cửa hàng bán lẻ xăng dầu trên phạm vi cả nước (tăng 7.949 cửa hàng so với thời điểm ngày 1/12/2023), đạt khoảng 67,6% số cửa hàng bán lẻ xăng dầu trên toàn quốc.

Hậu Lộc
Phiên bản di động