VATM lộ nhiều vi phạm, dàn lãnh đạo vẫn "Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ"

Năm 2017, các thành viên trong Hội đồng thành viên của VATM đều được xếp loại "Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ" dù trong thời gian này Bộ Giao thông vận tải đã phát hiện nhiều hạn chế, vi phạm trong công tác quản lý, sử dụng vốn, tài sản và quản lý đầu tư dựng của VATM.
Cách chức Ủy viên Ban cán sự đảng đối với nguyên Thứ trưởng GTVT Nguyễn Hồng Trường Uỷ ban Kiểm tra Trung ương kỷ luật 3 Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Bộ Giao thông vận tải thông tin về 4 trạm BOT chậm thu phí không dừng

Theo Cổng thông tin Bộ Giao thông vận tải, Thứ trưởng Lê Đình Thọ vừa ký Quyết định số 1380/QQD-BGTVT ngày 27/7/2019 về việc công bố kết quả đánh giá, phân loại mức độ hoàn thành nhiệm vụ năm 2017 của Chủ tịch và thành viên Hội đồng thành viên Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam (VATM).

Theo đó, kết quả đánh giá phân loại mức độ hoàn thành nhiệm vụ năm 2017 Chủ tịch Hội đồng thành viên Phạm Việt Dũng là hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ; Tổng giám đốc, thành viên Hội đồng thành viên Đoàn Hữu Gia, xếp loại hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Còn các thành viên Hội đồng thành viên gồm ông Nguyễn Văn Thược, Nguyễn Văn Tiến, Bùi Trọng Nam đều xếp loại hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

Đáng nói, các thành viên trong Hội đồng thành viên của VATM đều được xếp loại "Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ" dù trong giai đoạn từ 2016 - 2018 và các thời kỳ có liên quan, qua thanh tra Bộ Giao thông vận tải đã phát hiện nhiều hạn chế, vi phạm trong công tác quản lý, sử dụng vốn, tài sản và quản lý đầu tư dựng.

vatm lo nhieu vi pham dan lanh dao van hoan thanh xuat sac nhiem vu
Ông Phạm Việt Dũng - Chủ tịch HĐTV VATM phát biểu nhận nhiệm vụ. Ảnh: VATM.

Cụ thể, theo Kết luận thanh tra số 144/KL - BGTVT của Bộ Giao thông vận tải, chỉ trong vòng 5 năm (2012 - 2017), VATM đã đầu tư xây dựng tới 222 dự án bằng nguồn vốn của đơn vị, với tổng mức đầu tư 6.096 tỷ đồng. Đây là số lượng dự án thậm chí còn vượt cả số công trình mà Bộ GTVT triển khai trong cùng thời điểm. Tuy nhiên, bình quân mỗi dự án có tổng mức đầu tư vỏn vẹn khoảng 27,4 tỷ đồng đã cho thấy tính chất manh mún, dàn trải trong hoạt động đầu tư của VATM.

Cũng theo Kết luận thanh tra, việc lập kế hoạch đầu tư một số dự án do VATM làm chủ đầu tư thường xuyên không sát với thực tế. Cụ thể, năm 2016, giá trị giải ngân các dự án của VATM rất thấp, chỉ đạt 196/593 tỷ đồng, bằng 33% kế hoạch được phê duyệt, trong đó có 3/114 dự án giá trị giải ngân lớn hơn kế hoạch vốn; 31/114 dự án có kế hoạch vốn nhưng không giải ngân với giá trị 39,683/421,67 tỷ đồng; 12/114 dự án khi chưa có kế hoạch vốn, nhưng vẫn giải ngân với giá trị 30,286/421,67 tỷ đồng.

Năm 2017, giá trị giải ngân vốn đầu tư của VATM có khá hơn, nhưng cũng chỉ đạt 236/334 tỷ đồng bằng 71% kế hoạch, trong đó có 12/141 dự án giá trị giải ngân lớn hơn kế hoạch vốn; 36/141 dự án có kế hoạch vốn, nhưng không giải ngân với giá trị 38,774/334,545 tỷ đồng; có 14/141 dự án khi chưa có kế hoạch vốn, nhưng vẫn giải ngân với giá trị 14,018 tỷ đồng/334,545 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, trong các báo cáo gửi Bộ Giao thông vận tải về kết quả thực hiện nhiệm vụ hàng năm (từ năm 2016 đến 9 tháng đầu năm 2018), nội dung các báo cáo của VATM còn sơ sài, chưa phân tích chi tiết các nguyên nhân dẫn đến việc chậm triển khai, không đảm bảo theo kế hoạch, chưa có các giải pháp cụ thể để khắc phục tình trạng này.

Theo Bộ Giao thông vận tải, nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do vai trò của lãnh đạo VATM trong công tác giám sát, báo cáo tình hình thực hiện các dự án đầu tư xây dựng chưa cụ thể. Các đơn vị tham mưu, giúp việc cho VATM chưa chú trọng thực hiện đầy đủ theo quy chế về kế hoạch.

Về công tác quản lý đầu tư xây dựng, Bộ Giao thông vận tải cho rằng, các đơn vị được VATM ủy quyền quản lý dự án còn hạn chế về tính chuyên nghiệp, thiếu tính độc lập làm chậm một số thủ tục như phê duyệt dự án, phát sinh thay đổi, kiểm tra kiểm soát năng lực nhà thầu, quyết toán công trình, thanh tra kiểm toán, quản lý hồ sơ.

Năng lực các ban quản lý dự án được giao quản lý, triển khai dự án của VATM tuy có đội ngũ cán bộ chuyên trách, nhưng thiếu kinh nghiệm trong điều hành, triển khai dự án. Do số lượng dự án lớn nên đã xuất hiện hiện tượng một người phải thực hiện nhiều việc trong cùng một thời điểm. Các nhân sự thuộc khối không lưu, kỹ thuật ngoài việc tham gia vào các ban quản lý dự án tại các đơn vị, tổ giúp việc thì nhiệm vụ chuyên môn chính vẫn phải đảm bảo, do đó thời gian để tham gia các dự án còn chưa tập trung và hiệu quả.

Cũng theo Bộ Giao thông vận tải, các dự án do VATM thực hiện chưa được tiến hành việc đấu thầu qua mạng để đảm bảo tính khách quan, công khai, minh bạch theo nội dung Chỉ thị số 47/CT-TTg ngày 27/12/2017 và Chỉ thị số 13/CT-TTg ngày 4/4/2017 của Chính phủ về việc tăng cường sử dụng vật tư, hàng hóa sản xuất trong nước trong công tác đấu thầu các dự án đầu tư phát triển và hoạt động mua sắm thường xuyên sử dụng vốn nhà nước, mặc dù Hội đồng Thành viên VATM đã có nghị quyết triển khai các nội dung theo Chỉ thị số 47/CT-TTg ngày 27/12/2017 của Chính phủ.

Hình thức lựa chọn nhà thầu được VATM áp dung là đấu thầu, về cơ bản tuân thủ Luật Đấu thầu, nhưng trên thực tế có nhiều gói thầu đến khi chấm thầu chỉ còn lại một nhà thầu tham gia, hoặc có nhiều nhà thầu tham gia dự thầu, nhưng chỉ có một nhà thầu đạt hồ sơ về đề xuất kỹ thuật.

Cũng tại Kết luận thanh tra số 144, tại thời điểm thanh tra, VATM được giao quản lý, sử dụng 55 lô đất với diện tích 502.503m2. Trong đó, một số khu đất trong tổng số các khu đất nói trên sử dụng chưa phù hợp với mục đích sử dụng đất tại hợp đồng thuê đất giữa VATM và các địa phương, chưa phù hợp với Luật Đất đai 2013.

Cụ thể, VATM đã cho thuê tài sản trên một phần diện tích của 7 lô đất với mục đích làm sân tennis, kinh doanh nhà hàng ăn uống, thuê xưởng sửa chữa ô tô… với số tiền cho thuê từ ngày 1/1/2012 - 30/6/2018 là hơn 86 tỷ đồng, chưa nộp ngân sách hơn 17 tỷ đồng.

Bộ Giao thông vận tải phát hiện việc VATM có dự án đầu tư ra ngoài doanh nghiệp tại khu đất 22 - Trần Quốc Hoàn (quận Tân Bình, TP HCM) bằng việc góp vốn thông qua hợp đồng hợp tác kinh doanh không hình thành pháp nhân mới. Tuy nhiên, kế hoạch hàng năm và Kế hoạch sản xuất - kinh doanh giai đoạn 2016 - 2020 của VATM đều không có dự án này.

Cụ thể, tháng 5/2017, VATM ký hợp đồng hợp tác kinh doanh với Công ty Trâm Anh, tại địa chỉ 22 Trần Quốc Hoàn, trên diện tích 4.700m2, giá trị hợp đồng 218 tỷ đồng. Với phương án kinh doanh này, VATM góp 2 tỷ đồng để được nhận toàn bộ khu nhà hàng McDonald có diện tích 1.980m2 sàn xây dựng và sau cho Công ty Trâm Anh thuê lại theo giá thị trường với giá thuê hơn 9,69 tỷ đồng, thời gian trong 20 năm.

Cũng theo Kết luận thanh tra của Bộ Giao thông vận tải, thời điểm thanh tra, Công ty TNHH Kỹ thuật quản lý bay (gọi tắt là Attech) - đơn vị trực thuộc VATM quản lý sử dụng 29 khu đất với diện tích 102.695m2. Trong đó, lô đất địa chỉ 58 Trường Sơn, phường 2, quận Tân Bình (TPHCM), diện tích 1.264m2 được giao quản lý, sử dụng theo phương thức trả tiền hàng năm. Mục đích sử dụng đất là thương mại dịch vụ, làm văn phòng làm việc, trưng bày sản phẩm và kinh doanh vật tự thiết bị hàng không, thời hạn thuê đất đến tháng 8/2060.

Tuy nhiên, đến năm 2015, Công ty Attech lại cho Công ty Cổ phần Sóng Việt thuê làm nơi tập kết xe ô tô với giá thuê 28 triệu đồng/tháng, tổng giá trị tiền cho thuê đất đến khi thanh lý hợp đồng là 308 triệu đồng, số tiền chưa nộp ngân sách nhà nước là 92,4 triệu đồng.

Ngoài ra, Thanh tra Bộ Giao thông vận tải cũng xác định một số vi phạm khác tại VATM như lập kế hoạch đầu tư một số dự án chưa sát với thực tế, quá trình triển khai thực hiện gặp nhiều bất cập, vướng mắc nên chậm tiến độ thực hiện dẫn tới giá trị giải ngân vốn thấp. Một số dự án trọng điểm thực hiện chưa đúng tiến độ theo kế hoạch…

Từ kết quả thanh tra, Bộ Giao thông vận tải đề nghị VATM rà soát những tồn tại, làm rõ trách nhiệm, sớm khắc phục những tồn tại đã nêu trong Kết luận thanh tra; giải quyết việc quản lý, sử dụng và phương án hợp tác kinh doanh tại khu đất số 22 Trần Quốc Hoàn, quận Tân Bình. VATM và Công ty Attech rà soát việc quản lý, sử dụng đất đai, tình hình thực hiện nghĩa vụ với ngân sách Nhà nước theo quy định, chấm dứt việc sử dụng đất chưa phù hợp theo quy định.

Về xử lý tài chính, Bộ Giao thông vận tải yêu cầu VATM thu hồi, nộp ngân sách Nhà nước 17,175 tỷ đồng từ việc sử dụng một số khu đất cho thuê, liên danh, liên kết; Công ty Attech phải nộp ngân sách 92,4 triệu đồng.

Cũng theo tìm hiểu của phóng viên, theo báo cáo quản trị năm 2017 của VATM, ông Phạm Việt Dũng - trong thời gian giữ chức Thành viên Hội đồng thành viên, Tổng giám đốc và Quyền Chủ tịch Hội đồng thành viên đã vắng một cuộc họp của Hội đồng thành viên với lý do đi công tác.

Trong khi đó, ông Đoàn Hữu Gia không vắng buổi nào. Còn các ông Nguyễn Văn Thược vắng 2 buổi và ông Bùi Trọng Nam vắng tới 4 buổi trong các cuộc họp của Hội đồng thành viên VATM với lý do bận công tác và học bồi dững kiến thức quốc phòng an ninh.

Hậu Lộc
Phiên bản di động