Văn hóa giao thông - “Biển báo” di động
Văn hóa giao thông - Lá chắn vô hình Văn hóa giao thông: Ngược đường, lao mình vào cửa tử Văn hóa giao thông: Thách thức “tử thần” Văn hóa giao thông: Ánh nến trong đêm |
Nắng mưa là chuyện của … trời
Dù hiện tại nước đã xây dựng mạng lưới biển báo giao thông tương đối dày đặc, nhất là ở các thành phố lớn. Tuy nhiên tại Thủ đô Hà Nội, nhiều khi các biển báo, đèn giao thông không thể đẩy lùi tình trạng ùn tắc.
Thực tế, các giờ cao điểm tại Hà Nội, nếu có một trận mưa, thì y như rằng các tuyến đường lại trở nên ùn tắc và khó lưu thông.
Người tham gia giao thông thường cố tìm cách vượt lách lên trước và không nhường nhịn nhau khi đường đang ùn tắc, khiến cho đường càng trở nên tắc hơn. Có những người điều khiển xe máy sẵn sàng đi ngược chiều, hay những ô tô đi hàng hai, hàng ba chỉ với mục đích mau chóng thoát khỏi tình trạng tắc đường kéo dài này.
Bức xúc, mệt mỏi là tâm trạng của phần lớn người dân khi đi qua các nút giao kẹt cứng ở đường Phạm Hùng - Lê Văn Lương; Trường Chinh - Tôn Thất Tùng, Phan Bội Châu, Cửa Nam… Hầu hết các làn đường nhỏ, hẹp nên chỉ khi có mưa nhỏ đã xảy ra ùn tắc, còn khi mưa to thì giao thông tê liệt hoàn toàn.
Có nhiều nguyên nhân được “điểm mặt chỉ tên”, song theo đại diện Sở Giao thông - Vận tải Hà Nội, “thủ phạm” chính là hạ tầng giao thông xuống cấp, đường hẹp. Trong khi đó, mỗi khi trời mưa người tham gia giao thông có xu hướng chuyển đổi phương tiện lưu thông từ xe máy sang đi ô tô cá nhân, xe taxi...
Cảnh sát giao thông làm nhiệm vụ |
Thời tiết càng khắc nghiệt, giao thông nội đô càng hỗn loạn, lực lượng Cảnh sát giao thông và lực lượng Cảnh sát cơ động dường như được huy động triệt để, làm việc hết công suất để để phân luồng, hướng dẫn tại các tuyến, nút ngập úng, khu vực ùn tắc giao thông. Cùng với đó là tập trung tuần tra tại các điểm úng ngập, điểm có hệ thống đường dây tải điện, các biển quảng cáo, panô, các đoạn đường hư hỏng… để bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trên địa bàn.
Cũng da thịt con người nhưng các chiến sĩ Cảnh sát giao thông, Cảnh sát cơ động như những biển báo di động, hiên ngang và mạnh mẽ. Vừa ra hiệu lệnh thay đèn tín hiệu, vừa xử lý nhanh mâu thuẫn giữa các chủ phương tiện.
Không thể thay thế
Trên thế giới có nhiều nước phát triển, áp dụng công nghệ kỹ thuật cao vào điều tiết giao thông, tại sao Cảnh sát giao thông vẫn không thể dời nhiệm vụ?
Thực tế quá trình tham gia giao thông xảy ra nhiều tình huống phức tạp mà máy móc, thiết bị dù hiện đại tới đâu cũng không thể phân tích, xử lý được.
Bất chấp trời mưa bão, các chiến sĩ đứng phân luồng giao thông |
Nhìn nhận khách quan, không ít người tham gia giao thông vẫn chưa hiểu luật hoặc cố tình lách luật, bất chấp quy định.
Phỏng vấn ngẫu nhiên một nam thanh niên đang không đội mũ bảo hiểm đang đi xe máy, người này thản nhiên trả lời: “Đoạn này ít có cảnh sát lượn lắm! Cần gì đội mũ ?”.
Bí mật quan sát gần chốt kiểm tra của lực lượng Cảnh sát giao thông, PV nhận thấy không ít phương tiện quay đầu đi vào đường ngõ hoặc chuyển hướng di chuyển đột ngột để tránh bị kiểm tra. Những người không đội mũ, kẹp 3, xe không gương thì còn dễ nhận biết; trường hợp phức tạp như tàng trữ chất cấm hay sử dụng xe gian, nếu không phải con mắt nghiệp vụ nhạy bén của cảnh sát giao thông sao có thể thấy được?
Bên cạnh đó, lực lượng Cảnh sát giao thông còn có thêm nhiệm vụ hỗ trợ, giúp đỡ người đi đường.
Mỗi lần giao thông bị ảnh hưởng bởi mưa bão, các chiến sĩ lại bố trí lực lượng sẵn sàng giải quyết các tình huống phức tạp, giúp đỡ người tham gia giao thông, người bị nạn nhằm hạn chế thấp nhất mọi thiệt hại về người và tài sản do tác động thời tiết.
Có thể thấy lực lượng Cảnh sát giao thông đang hết lòng vì nhiệm vụ, vừa căng mình trấn áp vi phạm, vừa hỗ trợ người dân đảm bảo an toàn khi tham gia giao thông.