Valentine tặng bó hoa bằng tiền thật coi chừng phạm luật
Tiền dễ bị rách khi kết thành bó hoa
Bạn T ở Hà Đông cũng như nhiều bạn trẻ khác cho rằng, việc làm hoa từ tiền thật vừa đẹp lại vừa có giá trị kinh tế, do đó tặng hoa từ tiền thật trở nên phổ biến là điều dễ hiểu.
Độ "hot" của những bó hoa tiền thật được kiểm chứng nhanh chóng, khi gõ từ khoá "bó hoa tiền thật", thì trong 0,39s có 152 triệu kết quả trả về, trong đó có vô vàn hình ảnh minh hoạ bắt mắt.
Chỉ trong 0,39s có 152 triệu kết quả cho từ khoá "bó hoa tiền thật" |
Thực tế ở các cửa hàng hoa, các quầy lưu niệm vào những dịp Lễ Tình nhân (Valentine), dịp mùng 8/3, 20/10... các bó hoa làm bằng tiền thật được bày bán tràn ngập.
Các bó hoa được làm từ nhiều tờ tiền có mệnh giá từ nhỏ đến lớn với chất liệu bằng tiền giấy hoặc tiền polime. Những tờ tiền mới được dán băng dính vào que và cuộn tròn lại để sau đó xếp lại thành bó hoa tiền đẹp mắt.
Tuy nhiên, trong quá trình kết hoa nếu dùng vật nhọn và các chất bám dính cao như keo dán sắt sẽ dễ dẫn đến rách, biến dạng và gây khó khăn trong việc lưu thông tiền tệ. Với những người làm hoa bằng tiền để bán, họ cũng chia sẻ rằng nếu muốn các tờ tiền dính tốt hơn, để lâu hơn phải sử dụng keo dính có độ bền chặt nhưng khi gỡ ra thì tiền lại dễ bị rách.
Có nguy cơ phạm luật
Dưới góc độ pháp lý, luật sư Nguyễn Đức Hùng (luatvietnam) cho biết, tại khoản 2 Điều 3 Quyết định số 130/2003/QĐ-TTg nhấn mạnh nghiêm cấm hành vi huỷ hoại tiền Việt Nam bằng bất kỳ hình thức nào. Theo đó, có thể hiểu hành vi hủy hoại tiền là các hành vi được thực hiện một cách cố ý như: Xé, cắt, đốt, vò nát, tẩy xóa tiền...
Ảnh minh họa |
Có thể thấy rằng, pháp luật hiện hành không có quy định cấm làm hoa bằng tiền Việt Nam, tuy nhiên nếu trong quá trình làm hoa bằng tiền mà phải cắt, xé, đâm, chọc… dẫn đến việc tiền Việt Nam bị hủy hoại thì đây được xem là hành vi vi phạm pháp luật.
Đối với hành vi cố ý hủy hoại tiền để làm bó hoa bằng tiền bị xem là hành vi vi phạm luật.
Theo quy định tại khoản 3 Điều 31 Nghị định 88/2019/NĐ-CP, vi phạm quy định về bảo vệ tiền Việt Nam có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng. Người vi phạm còn bị phạt bổ sung là tịch thu toàn bộ tang vật, phương tiện thực hiện hành vi vi phạm.
Như vậy, hành vi cố ý hủy hoại tiền có thể bị xử phạt từ 10 - 15 triệu đồng, bị tịch thu toàn bộ tang vật, phương tiện thực hiện hành vi vi phạm để giao cơ quan có thẩm quyền xử lý.