Uy tín quốc tế của Việt Nam ở mức rất cao

Giáo sư Carl Thayer - chuyên gia nghiên cứu Việt Nam thuộc Đại học New South Wales, Học viện Quốc phòng Australia - nhận định, những thành tựu ngoại giao của Việt Nam trong thời gian qua đã giúp hình ảnh và vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế đạt mức rất cao.
Nga đánh giá cao vai trò của Việt Nam tại các tổ chức khu vực và quốc tế Việt Nam có những bước tiến mạnh mẽ trong bảo tồn đa dạng sinh học Việt Nam chưa tính được sự ảnh hưởng của việc xả lũ từ phía Trung Quốc

Giáo sư đánh giá thế nào về vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế trong thời điểm hiện tại?

- Uy tín quốc tế Việt Nam ngày nay đang ở mức cao nhất. Bằng chứng cho điều này là Việt Nam được bầu chọn làm Uỷ viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc với số phiếu gần như tuyệt đối, 192/193 phiếu. Ngoài ra, Việt Nam đang giữ chức Chủ tịch ASEAN lần thứ ba và nhiệm kỳ của Chủ tịch ASEAN 2020 trùng với năm đầu tiên của nhiệm kỳ hai năm tại Hội đồng Bảo an.

Là một nhà nghiên cứu lâu năm về Việt Nam, giáo sư đánh giá thế nào về những đóng góp của ngoại giao Việt Nam để Việt Nam có được uy tín quốc tế ở mức cao nhất như ông vừa nói ở trên?

- Việt Nam bắt đầu công cuộc Đổi mới vào cuối năm 1986 - thời điểm Việt Nam đang ở trong tình trạng khủng hoảng kinh tế - xã hội trầm trọng, bị bao vây, cấm vận, đồng thời đứng trước những thách thức và tác động sâu sắc từ những đảo lộn diễn ra trên thế giới. Tháng 5.1988, Bộ Chính trị (khoá VI) đã thông qua Nghị quyết số 13 đưa ra chính sách sâu rộng ưu tiên phát triển kinh tế bằng cách tạo ra một môi trường an ninh thuận lợi. Đây được xem là mốc khởi đầu của quá trình đổi mới tư duy, nhận thức và đường lối đối ngoại của Việt Nam.

Sau đó, vào năm 1995, Việt Nam đã bình thường hoá quan hệ với Mỹ. Cũng trong năm này, Việt Nam gia nhập ASEAN với tư cách là thành viên thứ 7, và do đó đủ điều kiện để tham gia vào tất cả tổ chức liên quan đến ASEAN. Dấu mốc quan trọng trong lịch sử đối ngoại của Việt Nam này đã đưa khu vực Đông Nam Á từ đối đầu sang đối thoại và chung sống hoà bình. Điều đó cung cấp một nền tảng vững chắc để Việt Nam mở cửa và hội nhập với khu vực và thế giới. Việt Nam đã trở thành thành viên Diễn đàn Hợp tác Kinh tế Châu Á - Thái Bình Dương (APEC) và Tổ chức Thương mại thế giới (WTO).

Từ năm 2001, Việt Nam bắt đầu đàm phán quan hệ đối tác chiến lược với các cường quốc và các quốc gia quan trọng khác. Hiện nay, Việt Nam có quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với Nga, Trung Quốc, Ấn Độ; quan hệ đối tác chiến lược với với Nhật Bản, Hàn Quốc, Tây Ban Nha, Vương quốc Anh, Đức, Italia, Singapore, Thái Lan, Indonesia, Pháp, Malaysia, Philippines, Australia và mới đây nhất là New Zealand. Ngoài ra, Việt Nam có quan hệ đối tác toàn diện với 12 nước, đối tác chiến lược lĩnh vực với Hà Lan, quan hệ đặc biệt với Lào, Campuchia và Cuba.

Năm 2008-2009, Việt Nam lần đầu tiên được bầu vào Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc và đã có đóng góp tích cực cho việc không phổ biến hạt nhân. Kinh nghiệm này đã dẫn đến quyết định của Việt Nam đóng góp cho lực lượng gìn giữ hoà bình Liên Hợp Quốc, lúc đầu chỉ phái cử quan sát viên, sau đó phái bệnh viện dã chiến cấp II đến Nam Sudan. Ngoài ra, Việt Nam đã tổ chức hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều lần 2 tại Hà Nội vào tháng 2.2019 theo đề nghị của Mỹ.

Tóm lại, Việt Nam đã đóng một vai trò tích cực và mang tính xây dựng trong quan hệ quốc tế ở cả cấp độ khu vực và toàn cầu, đặc biệt là sau năm 1995. Mỹ đã công nhận điều này bằng cách coi Việt Nam là đối tác chiến lược tiềm năng trong tất cả tài liệu chính sách an ninh và quốc phòng được Tổng thống Donald Trump thông qua. Các tài liệu chính sách này bao gồm Chiến lược an ninh quốc gia, Chiến lược quốc phòng và Chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Mỹ.

Khi Việt Nam đảm nhận chức Chủ tịch ASEAN 2020 và Uỷ viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, Giáo sư đánh giá sao?

- Việt Nam với tư cách Chủ tịch ASEAN 2020 đã có vai trò lãnh đạo chủ động trong ASEAN để ứng phó với đại dịch COVID-19. Việt Nam đã triệu tập Hội nghị trực tuyến các Bộ trưởng Y tế ASEAN vào ngày 7.4, Hội nghị cấp cao đặc biệt ASEAN và ASEAN+3 về ứng phó dịch bệnh COVID-19 vào ngày 14.4. Việt Nam đã thành công trong việc đảm bảo sự đồng thuận của ASEAN trong ứng phó với COVID-19 và khởi xướng các cuộc thảo luận sơ bộ về sự phục hồi sau đại dịch.

Việt Nam, ban đầu phải hoãn Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 36, đã lần đầu tiên tổ chức Hội nghị cấp cao ASEAN theo hình thức trực tuyến vào ngày 23.6. Tại hội nghị này, Việt Nam đã thu hút được sự ủng hộ và hợp tác chặt chẽ từ các đối tác đối thoại.

Với tư cách là Chủ tịch ASEAN và là Uỷ viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, Việt Nam đã đưa ra hai sáng kiến đầy triển vọng. Đầu tiên là tổ chức một cuộc thảo luận về việc tuân thủ Hiến chương Liên Hợp Quốc tại Liên Hợp Quốc. Sáng kiến thứ hai là sắp xếp cuộc gặp đầu tiên chưa từng có giữa Liên Hợp Quốc và ASEAN với tư cách là một tổ chức khu vực.

Bên cạnh đó, trong suốt 25 năm là thành viên của ASEAN, Việt Nam đã đưa ra nhiều sáng kiến quan trọng và ủng hộ mạnh mẽ các chương trình của tổ chức này. Các sáng kiến đã góp phần tạo nên dấu ấn mỗi khi Việt Nam đảm nhận vai trò Chủ tịch ASEAN. Việt Nam có nhiều đóng góp quan trọng vào sự ổn định chính trị và tăng trưởng của ASEAN. Trong bối cảnh tình hình chính trị nội bộ ở một số quốc gia trong khu vực phức tạp, việc Việt Nam giữ được sự ổn định chính trị và một nền kinh tế phát triển liên tục và năng động trong nhiều năm là đóng góp quan trọng đối với ASEAN.

Tôi cho rằng, thành tựu ngoại giao lớn nhất của Việt Nam kể từ khi bắt đầu công cuộc đổi mới năm 1986 là định hướng lại chính sách đối ngoại, bình thường hoá quan hệ với Mỹ và gia nhập ASEAN.

- Xin cảm ơn giáo sư!

Ông Phạm Sanh Châu - Đại sứ Việt Nam tại Ấn Độ kiêm nhiệm Nepal và Bhutan: “Việt Nam ngày càng thăng hoa trên trường quốc tế”

“Tổng Bí thư, Chủ tịch Nước Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định, đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực và vị thế như ngày nay. Tôi cho rằng, vị thế hiện nay mà Việt Nam có được là nhờ vào thực lực của đất nước. Bác Hồ từng nói: “Thực lực là cái chiêng, ngoại giao là cái tiếng, chiêng có to thì tiếng mới lớn”. Sứ mệnh của những nhà ngoại giao như chúng tôi chỉ nối tiếp thực lực đó, triển khai đường lối mà vốn đã thành công từ trong nước.

Thời gian qua, chúng ta đã rất thành công về mọi mặt, phát triển kinh tế tốt, xoá đói giảm nghèo nhanh. Tôi đang sống ở Ấn Độ càng trân trọng hơn nỗ lực giảm nghèo của Việt Nam. Tất cả thành tựu đó tạo ra hình ảnh một Việt Nam phồn vinh, thịnh vượng, tiếp tục nỗ lực đổi mới. Những nhà ngoại giao chúng tôi chỉ đẩy con thuyền thành tựu trôi tiếp, chứ chúng tôi không tạo ra những bước ngoặt đó.

Tất nhiên, những dấu ấn ngoại giao của Việt Nam như việc nhận được phiếu bầu cao gần như tuyệt đối để trở thành Uỷ viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc và những thành công trong ASEAN, có sự đóng góp của các nhà ngoại giao đồng nghiệp của chúng tôi. Tuy nhiên, điều cốt lõi là Việt Nam là một dân tộc có bản lĩnh, có lịch sử hào hùng, nền kinh tế năng động đang phát triển, nền văn hoá giàu bản sắc và đáng tự hào. Việt Nam ngày càng nổi lên là một cường quốc bậc trung trên thế giới, với tiếng nói có trọng lượng được các bạn bè lắng nghe và vị nể. Chúng tôi tự hào được đóng góp vào hình ảnh ngày càng thăng hoa của Việt Nam trên trường quốc tế”.

Nguồn: LĐO
Phiên bản di động