Ủy ban Tài chính - Ngân sách: Cần thiết ban hành chính sách giảm thuế giá trị gia tăng

Cơ quan thẩm tra của Quốc hội nhất trí về sự cần thiết ban hành chính sách giảm thuế giá trị gia tăng để tiếp tục hỗ trợ cho khu vực sản xuất, kinh doanh và người dân đã gặp rất nhiều khó khăn sau đại dịch COVID-19...
Chính phủ trình Quốc hội giảm 2% thuế VAT tiếp tục hỗ trợ người dân, doanh nghiệp Không giảm 2% thuế VAT cho bất động sản, chứng khoán, ngân hàng

Tiếp tục kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, trình bày báo cáo thẩm tra về việc tiếp tục thực hiện chính sách giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) 2% theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/1/2022, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh nhấn mạnh sự cần thiết ban hành chính sách giảm thuế để tiếp tục hỗ trợ cho khu vực sản xuất, kinh doanh và người dân đã gặp rất nhiều khó khăn sau đại dịch COVID-19 trong bối cảnh tốc độ tăng trưởng đã bắt đầu thể hiện chiều hướng suy giảm từ quý IV/2022 và nhất là trong các tháng đầu năm 2023.

Tuy nhiên, một số ý kiến trong Ủy ban Tài chính - Ngân sách còn băn khoăn về các nội dung giải trình của Chính phủ khi đề xuất việc giảm thuế giá trị gia tăng trong 6 tháng cuối năm 2023.

Do đó, Ủy ban Tài chính - Ngân sách đề nghị các biện pháp kích cầu trong năm 2023 tập trung vào tháo gỡ các nút thắt để tăng cường giải ngân và phát huy hiệu quả của chi đầu tư công trong gói phục hồi kinh tế hơn là tiếp tục các chính sách giảm thu ngân sách.

"Chính sách giảm thuế giá trị gia tăng này cần được cân nhắc một cách thận trọng vì sẽ tạo thêm tác động bất lợi cho ngân sách nhà nước năm 2023, trong điều kiện số thu năm nay được dự kiến là sẽ có nhiều khó khăn, như báo cáo của Chính phủ", ông Mạnh nhận định.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Lê Quang Mạnh nêu rõ, việc Chính phủ trình Quốc hội xem xét, quyết định việc tiếp tục thực hiện chính sách giảm thuế giá trị gia tăng 2% theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/1/2022 là đúng thẩm quyền theo quy định.

Ủy ban Tài chính - Ngân sách: Cần thiết ban hành chính sách giảm thuế giá trị gia tăng
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh.

Về nội dung cụ thể của chính sách, đa số ý kiến trong Ủy ban Tài chính - Ngân sách tán thành việc tiếp tục thực hiện chính sách giảm thuế giá trị gia tăng 2% theo quy định tại Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội như đề nghị của Chính phủ để tiếp tục hỗ trợ cho người dân và khu vực doanh nghiệp phục hồi và phát triển, đặc biệt trong giai đoạn kinh tế đang có những dấu hiệu suy giảm và các khu vực sản xuất, kinh doanh hiện đang gặp rất nhiều khó khăn.

Tuy nhiên, Ủy ban Tài chính - Ngân sách đề nghị Chính phủ đánh giá kỹ hơn về tác động của việc giảm thuế để bảo đảm đạt được mục tiêu đặt ra khi đề xuất ban hành chính sách như kích cầu tiêu dùng, thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh để đóng góp trở lại cho ngân sách nhà nước.

Một số ý kiến đề nghị cân nhắc việc tiếp tục thực hiện chính sách giảm thuế giá trị gia tăng trong thời điểm hiện nay vì còn băn khoăn về tính hiệu quả của chính sách đồng thời lo ngại về tác động giảm thu trong bối cảnh nhiệm vụ thu năm 2023 là rất khó khăn. Điều này có thể sẽ gây bị động cho quá trình điều hành thực hiện dự toán ngân sách Nhà nước năm 2023 đã được Quốc hội thông qua.

Cùng với đó, Ủy ban Tài chính - Ngân sách cho rằng, báo cáo đánh giá tác động của Chính phủ cũng chưa đánh giá cụ thể các tác động dự kiến của chính sách đối với khả năng kích cầu tiêu dùng và thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh trong nửa cuối năm 2023 như mục tiêu đặt ra.

Có ý kiến đề nghị cân nhắc mở rộng phạm vi đối tượng được giảm thuế giá trị gia tăng theo hướng áp dụng thuế suất 8% đối với tất cả các nhóm hàng hoá đang áp dụng mức thuế suất 10% theo quy định của Luật Thuế giá trị gia tăng vì hiện nay các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh đều đang gặp khó khăn. Cũng có ý kiến đề nghị cân nhắc nâng tỷ lệ giảm thuế giá trị gia tăng đến 4% để nuôi dưỡng nguồn thu.

Về tác động chính sách, Chính phủ dự kiến số giảm thu ngân sách Nhà nước năm 2023 do giảm thuế giá trị gia tăng là 24 nghìn tỷ đồng. Tờ trình của Chính phủ đã đề cập một số biện pháp để khắc phục và bù đắp các tác động giảm thu ngân sách 2023. Tuy nhiên, các biện pháp này tập trung chủ yếu vào công tác quản lý nói chung như “tiếp tục cải cách hiện đại hóa hệ thống thuế, đơn giản hoá thủ tục hành chính thuế; tập trung triển khai các nhóm giải pháp quản lý thu, chống thất thu, chuyển giá, trốn thuế,…; điều hành chi chặt chẽ, tiết kiệm, cắt giảm các khoản dự toán đã giao những chưa được phân bổ…”.

Trong bối cảnh tình hình kinh tế và nhiệm vụ thu ngân sách năm 2023 dự kiến còn nhiều khó khăn, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Lê Quang Mạnh đề nghị Chính phủ giải trình cụ thể hơn về phương án, giải pháp bù đắp các khoản giảm thu này ngoài các biện pháp về tăng cường công tác quản lý để bảo đảm nhiệm vụ thu và khả năng cân đối của ngân sách trong phạm vi bội chi ngân sách Nhà nước 2023 đã được Quốc hội thông qua.

Đồng thời, trong quản lý thu thuế giá trị gia tăng, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách đề nghị Chính phủ khẩn trương tháo gỡ các vướng mắc trong công tác hoàn thuế giá trị gia tăng cho các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp xuất khẩu các sản phẩm gỗ để tránh gây ứ đọng vốn và ảnh hưởng đến dòng tiền của doanh nghiệp do không được hoàn đối với số thuế đầu vào đã nộp.

Về hiệu lực thi hành chính sách, đa số ý kiến trong Ủy ban Tài chính - Ngân sách nhất trí về thời gian áp dụng chính sách giảm thuế giá trị gia tăng là từ 1/7/2023 đến hết ngày 31/12/2023.

Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng, việc thực hiện chính sách trong 6 tháng cuối năm 2023 có thể là chưa đủ thời gian để chính sách phát huy tác dụng làm cho chính sách khó đạt được các mục tiêu đặt ra. Do đó, Ủy ban Tài chính - Ngân sách đề nghị cân nhắc kéo dài thời gian áp dụng chính sách so với đề xuất của Chính phủ để bảo đảm sự ổn định, chủ động trong thực hiện và đủ thời gian để chính sách phát huy hiệu quả.

Hậu Lộc
Phiên bản di động