Tylenol chưa bao giờ là thuốc trị Covid-19, bác sĩ cảnh báo cẩn thận "trâu lành thành trâu què"

Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp ở TPHCM cùng với sự "cổ vũ" của các shop đặt hàng online đang tạo ra phong trào mua Tylenol từ Mỹ gửi về Việt Nam để dự phòng điều trị. Bác sĩ cảnh báo Tylenol chỉ là thuốc hạ sốt, giảm đau như Paracetamol ở Việt Nam, chưa bao giờ là thuốc trị Covid-19. Thậm chí, nếu vừa uống Tylenol vừa uống Efferalgan là người dùng tự đầu độc mình bằng thuốc hạ sốt.
Tự uống hạ sốt, trẻ 11 tuổi nguy kịch Thuốc hạ sốt, thực phẩm chức năng không thể phòng viêm phổi Vũ Hán Ngộ độc, hỏng gan do dùng thuốc hạ sốt quá liều

Shop online "cổ vũ" gom Tylenol tích trữ mùa Covid-19

Bắt đầu từ tháng 6, khi dịch Covid-19 bắt đầu diễn biến phức tạp ở TP HCM, các shop đặt hàng online bắt đầu quảng cáo dịch vụ đặt hàng thuốc Tylenol từ Mỹ về dự phòng.

Tìm kiếm trên mạng xã hội Facebook, có hàng chục quảng cáo nhận đặt hàng của các shop với những lời có cánh.

Tylenol chưa bao giờ là thuốc trị Covid-19, bác sĩ cảnh báo cẩn thận "trâu lành thành trâu què"
Các shop online nhận đặt hàng thuốc Tylenol với những lời có cánh

Dược sĩ Thạc sĩ Phạm Thị Kim Dung - Khoa Dược - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec, chia sẻ: "Tylenol (acetaminophen) là thuốc giảm đau và hạ sốt. Tylenol được sử dụng để điều trị nhiều bệnh như đau đầu, đau cơ, viêm khớp, đau lưng, đau răng, viêm họng, cảm lạnh, cúm và sốt".

Thế nhưng qua lời có cánh của các shop nhận đặt hàng online, thuốc hạ sốt tylenol bỗng biến thành loại thuốc "nhà nào cũng phải cần trong mùa dịch này". Người nhận đặt hàng còn cho rằng "nếu mọi người không có dấu hiệu của Covid thì uống thuốc thôi đừng nên tới bệnh viện để lây nhiễm chéo". Thậm chí, để kích thích người mua, những người này còn chia sẻ thông tin "siêu thị Mỹ đã khan hàng, thực sự không còn nhiều để mua. Dịch không biết kéo dài đến bao giờ, mua trữ không thừa"...

Tylenol chưa bao giờ là thuốc trị Covid-19, bác sĩ cảnh báo cẩn thận "trâu lành thành trâu què"
Những kinh nghiệm vượt qua Covid-19 có sử dụng Tylenol được share tràn lan trên mạng không có kiểm chứng, làm tăng thêm tâm lý tích trữ, dự phòng

Những thông tin về việc tự điều trị Covid-19 tại nhà có sử dụng Tylenol không được kiểm chứng nguồn gốc cũng góp phần tạo nên phong trào đặt mua tích trữ loại thuốc này.

Tylenol chưa bao giờ là thuốc trị covid-19, chỉ đơn thuần là thuốc hạ sốt

Bác sĩ Trương Hoàng Hưng làm việc tại Texas, Mỹ cũng phát hoảng vì trào lưu tích trữ Tylenol được "cổ vũ" bởi những thông tin không chính xác trên mạng và lên tiếng cảnh báo.

Tylenol chưa bao giờ là thuốc trị Covid-19, bác sĩ cảnh báo cẩn thận "trâu lành thành trâu què"
Tylenol chưa bao giờ là thuốc trị Covid-19

Bác sĩ Trương Hoàng Hưng cho biết: Hiện đang có phong trào gửi Tylenol về Việt Nam và nhiều người Việt mua Tylenol để trị Covid-19 nếu lỡ mắc bệnh. Điều này có lẽ xuất phát từ bài viết của một người nào đó chia sẻ kinh nghiệm tự trị khỏi covid-19 tại nhà, trong đó có đoạn uống Tylenol ngày khoảng 3gram, nếu có sốt thì uống thêm Efferalgan để giảm sốt.

Tuy nhiên, bác sĩ Hưng nhấn mạnh: "Tylenol chưa bao giờ là thuốc trị Covid-19. Nó đơn thuần chỉ là Acetaminophen, là một thuốc có tác dụng hạ sốt, giảm đau, nó cùng một loại như Panadol, Paracetamol ở Việt Nam mà thôi. Các bạn không cần phải cực khổ đi tìm mua Tylenol về trữ làm gì".

Giải thích về việc người mắc Covid-19 uống Tylenol khỏi, bác sĩ Hưng cho biết: "Bạn uống Tylenol rồi lướt qua Covid-19 thì đó là do bạn bệnh nhẹ rồi tự khỏi như hầu hết mọi người khác chứ không liên quan gì với Tylenol hết".

Ông cũng cảnh báo thêm người dùng về việc kết hợp giữa những loại thuốc trị triệu chứng cảm và hạ sốt.

"Efferalgan, Theraflu hay có kèm sẵn Acetaminophen trong đó để hạ sốt. Nếu bạn vừa uống Tylenol vừa uống Efferalgan là bạn tự đầu độc mình bằng thuốc hạ sốt. Acetaminophen/Paracetamol là thuốc hạ sốt thông dụng nhất, rất an toàn nếu dùng đúng liều, người lớn không uống quá 4gram/ngày, con nít không uống quá 60mg/kg/ngày. Nếu uống quá nhiều sẽ gây tổn thương gan, thậm chí tử vong. Thuốc và độc chất chỉ khác nhau ở liều lượng mà thôi. Đừng quá lo lắng, rồi chữa trâu lành thành trâu què", ông nói.

D.Minh
Phiên bản di động