Tư vấn lựa chọn môn học lớp 10 gắn với định hướng nghề nghiệp

Cùng với việc làm thủ tục nhập học lớp 10, học sinh phải lựa chọn tổ hợp môn học. Việc lựa chọn môn học phù hợp với sở trường, năng lực, đúng định hướng nghề nghiêp trong 3 năm học THPT chưa bao giờ dễ dàng với nhiều phụ huynh và học sinh.
Hơn 1.000 cơ hội nghề nghiệp dành cho sinh viên tại Ngày hội việc làm HNUE 2023 Người trẻ và xu hướng 'nghỉ việc trong im lặng' Vương quốc Anh và Việt Nam thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp

Phụ huynh chưa hết âu lo

Từ ngày 5/7, học sinh trúng tuyển lớp 10 tại Hà Nội sẽ chính thức làm thủ tục xác nhận nhập học tại trường nơi mình trúng tuyển. Cùng với đó, các em sẽ đứng trước lựa chọn tổ hợp môn học của mình trong suốt 3 năm học. Lựa chọn môn học thế nào để phù hợp với năng lực bản thân luôn là vấn đề khó.

Tư vấn lựa chọn môn học lớp 10 gắn với định hướng nghề nghiệp
Ảnh minh họa

Chương trình giáo dục phổ thông mới (2018) được chia làm 2 giai đoạn bao gồm: Giai đoạn giáo dục cơ bản (từ lớp 1 - 9) và giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp (bậc THPT). Cụ thể, học sinh lớp 10 phải học 8 môn bắt buộc bao gồm: Ngữ văn; Toán; Ngoại ngữ 1; Giáo dục thể chất; Giáo dục quốc phòng và an ninh; Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp; Giáo dục của địa phương và Lịch sử.

Ngoài các môn bắt buộc, học sinh sẽ được lựa chọn 4 môn trong 9 môn học bao gồm: Địa lý; Giáo dục kinh tế và pháp luật; Vật lý; Hóa học; Sinh học; Công nghệ; Tin học; Âm nhạc; Mỹ thuật. Ngoài ra, học sinh còn phải lựa chọn các chuyên đề học tập khác nhau. Riêng môn Nghệ thuật, hiện nay, phần lớn các trường THPT chưa có giáo viên đối với môn này.

Băn khoăn với lựa chọn môn học tổ hợp, chị Nguyễn Thanh Nga (phụ huynh học sinh ở quận Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết: “Lựa chọn môn học lớp 10 gắn liền với việc chọn ngành, chọn nghề sau này cho con nên tôi khá băn khoăn, lo lắng. Thứ nhất là xu hướng nghề nghiệp có nhiều sự thay đổi trong thời gian 3 năm phổ thông. Thứ hai, con vẫn chưa xác định rõ thế mạnh của mình về lĩnh vực khoa học tự nhiên hay khoa học xã hội”.

Cùng chung băn khoăn, lo lắng này, chị Kim Thoa (ở quận Hà Đông, Hà Nội) tâm sự: “Thực ra con mới học xong lớp 9, chưa định hình được; Trong khi đăng ký thì phải ngay lập tức trong vòng vài ngày gồm cả chuẩn bị hồ sơ, thủ tục lẫn chọn môn. Tôi thật sự hoang mang vì lỡ chọn sai rồi không biết sửa sai thế nào. Trong khi đó, lựa chọn này quyết định cả hướng học lên đại học của con sau này”.

Học sinh, phụ huynh có thời gian cân nhắc

Chia sẻ với những băn khoăn, thắc mắc của phụ huynh, học sinh, bà Trần Thị Hải Yến, Hiệu trưởng Trường THPT Trần Phú (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội), cho biết, ngoài việc bố trí nhiều vòng tư vấn trực tiếp với học sinh và phụ huynh, nhà trường sẽ tăng cường tư vấn trực tuyến và đẩy mạnh các hình thức tuyên truyền bằng nhiều hình thức như trên bảng tin, cổng thông tin điện tử. Năm học này, nhà trường sẽ dành khoảng 15 ngày để học sinh và gia đình cân nhắc, quyết định trước khi xếp lớp.

Tư vấn lựa chọn môn học lớp 10 gắn với định hướng nghề nghiệp

Theo TS Trần Vân Anh - chuyên gia giáo dục đến từ Hệ thống Giáo dục Ban Mai (Hà Nội), để lựa chọn được 4 môn học trong số các môn lựa chọn, cha mẹ và học sinh cần cân nhắc kỹ, nên xác định môn học lựa chọn dựa trên 4 yếu tố.

Một là, căn cứ vào mục tiêu nghề nghiệp của học sinh. Hai là, căn cứ vào năng lực và sở thích hiện tại của học sinh. Thứ ba, tương lai của thị trường lao động. Bốn là, điều kiện tổ chức dạy học các môn lựa chọn của trường học.

TS Trần Vân Anh khẳng định, cách làm nào cũng có ưu điểm và hạn chế. Không có cách tốt nhất, chỉ có cách phù hợp với điều kiện hiện tại. Vì vậy, nếu lấy việc chọn trường phù hợp là một căn cứ, cha mẹ và học sinh nên khảo sát, tìm hiểu về cách thức và các môn học lựa chọn của trường THPT để có thông tin làm căn cứ xác định môn học lựa chọn phù hợp.

Còn tại trường THPT Việt Đức, ngay từ năm đầu triển khai Chương trình giáo dục phổ thông mới 2018 ở cấp THPT - năm 2022, nhà trường đã chủ động xây dựng tổ hợp, bố trí nguồn lực triển khai mô hình các lớp theo định hướng nghề nghiệp.

THPT Việt Đức cũng thuộc một trong số ít trường ở Hà Nội thời điểm đó tổ chức họp phụ huynh toàn bộ khối 10 trước ngày đặt bút đăng ký nhằm giải thích, chia sẻ những băn khoăn, thắc mắc để giảm thiểu sai sót trong lựa chọn hoặc phải thay đổi về sau.

"Qua năm học vừa rồi, hiện tại trường THPT Việt Đức chưa thấy có em nào là xin đổi tổ hợp. Bởi vì chúng tôi sắp xếp tương đối hợp lý", bà Nguyễn Bội Quỳnh, Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ.

Trường THPT Việt Đức có đặc thù riêng khi đào tạo thêm 3 ngoại ngữ. Mỗi ngoại ngữ chỉ tuyển một lớp gồm: Tiếng Đức, tiếng Nhật hệ 7 năm và lớp tiếng Pháp tăng cường. Năm nay trong hướng dẫn tuyển sinh, nhà trường cũng ghi rất rõ đối với lớp tiếng Đức, ngoại ngữ 1 là tiếng Anh, ngoại ngữ 2 là tiếng Đức.

Để tránh những lo âu, hoang mang của phụ huynh về các lớp ngoại ngữ này, đặc biệt lớp tiếng Đức, năm nay nhà trường sẽ tổ chức họp, phụ huynh cũng như học sinh sẽ lựa chọn tổ hợp phù hợp với sở thích, nguyện vọng của các em thay vì ấn định theo các môn khoa học xã hội như mùa tuyển sinh trước cho lớp ngoại ngữ. Môn lựa chọn năm nay phụ thuộc vào quyết định của số đông học sinh trong lớp.

Một điểm mới trong tuyển sinh của trường Việt Đức nằm ở số tổ hợp. Năm ngoái, nhà trường chỉ có 7 tổ hợp, năm nay xây dựng thành 10 tổ hợp. Đồng thời, nhà trường cho học sinh đặt 2 nguyện vọng và sẽ ưu tiên nguyện vọng 1, nếu không được sẽ xét đến nguyện vọng 2.

Đặc biệt, năm nay trường đã đưa môn Âm nhạc vào trong một tổ hợp lựa chọn môn để học sinh có năng khiếu thêm cơ hội được thể hiện tài năng của mình. Nhà trường hy vọng âm nhạc cũng trở thành môn cứu cánh nhằm giảm bớt áp lực các môn học cho học sinh.

Ngọc Minh
tuoitrethudo.com.vn
Phiên bản di động