Truyền thông Mỹ có đang khó với Tổng thống Trump, dễ với ông Biden
Truyền thông châu Âu đưa đậm thông tin Việt Nam phê chuẩn EVFTA Âm nhạc trẻ Việt Nam tìm về truyền thống: Hướng đi tích cực, đột phá |
Một số chuyên gia nói rằng ứng viên tranh cử đảng Dân chủ Joe Biden hứng ít chỉ trích từ giới truyền thông hơn Tổng thống Donald Trump. Ảnh: AFP |
Mối quan hệ “cơm không lành, canh chẳng ngọt” của Tổng thống đương nhiệm Donald Trump và truyền thông Mỹ không còn là một điều bí mật. Tuy nhiên, điểm đặc biệt trong mùa bầu cử này là đối thủ bên đảng Dân chủ Joe Biden lại có một trải nghiệm hoàn toàn khác từ giới truyền thông.
Theo hãng tin AFP, giới chuyên gia cho biết cựu Phó Tổng thống Joe Biden phần lớn nhận được các câu hỏi lịch sự và hiếm hoi mới bị chỉ trích.
Suốt một tuần trước, Tổng thống Trump liên tục tấn công đối thủ của mình với những cáo buộc liên quan đến mối quan hệ giữa Hunter Biden và một công ty Ukraine. Ngay lập tức, truyền thông cũng theo dõi sự kiện.
Tuy nhiên, trong hơn hai ngày sau khi tin tức bùng nổ, ứng viên đảng Dân chủ chỉ nhận được một câu hỏi duy nhất về vấn đề này và nhanh chóng gạt nó sang một bên. Ngày hôm sau, ông quyết định không tiếp phóng viên. Cuối cùng, mãi đến ngày 18/10, ông Biden mới trả lời một câu hỏi duy nhất nhưng chủ đề lại về hương vị sữa mà ông yêu thích.
Ngày 20/10, ứng viên Biden tạm ngừng chiến dịch vận động tranh cử hai ngày trước khi diễn ra vòng tranh luận cuối cùng với Tổng thống Trump.
Nhà lãnh đạo Mỹ thường xuyên chỉ trích truyền thông quá dễ dãi với đối thủ của mình. Trong nhiều tháng qua, việc tiếp cận ứng viên 77 tuổi của đảng Dân chủ bị hạn chế hơn nhiều so với bất kỳ chiến dịch nào trước đây. Chỉ có khoảng 20 tổ chức truyền thông trong nước và quốc tế có thể đi theo ông tới các sự kiện tranh cử.
"Đáng nhẽ truyền thông, những người đang đưa tin về chiến dịch đó, sẽ phải cảm thấy thất vọng vì họ không nhận được nhiều thông tin, họ không có quyền tiếp cận ứng viên hàng ngày", Richard Benedetto - cựu phóng viên Nhà Trắng của tờ USA Today - cho hay. Tuy nhiên, tính đến thời điểm này, gần như không có lời phàn nàn tương tự từ các phương tiện truyền thông.
“Nếu như mỗi phóng viên đưa tin về ông Biden nói rằng ông ấy đang lảng tránh chúng ta, điều đó sẽ khiến mọi người nhận ra chuyện gì đang xảy ra. Nhưng nếu không ai làm vậy, thì chẳng một ai biết. Giả dụ tôi là một ứng viên, tôi biết cách không phải đối mặt với các câu hỏi của báo chí một cách thường xuyên và điều đó có hiệu quả, vậy tại sao không tiếp tục làm điều đó?”, ông Benedetto – hiện đang làm giáo sư tại Đại học Mỹ ở Washington – lý giải.
Khoảng cách thiên vị của truyền thông với hai ứng viên có thể thấy rõ ràng qua các sự kiện hỏi-đáp cử tri vào tuần trước. Trong khi Tổng thống Trump bị người dẫn chương trình của đài NBC Savannah Guthrie dội liên tiếp những câu hỏi khó nhằn thì đối thủ Biden lại “dễ thở” hơn nhiều khi đối mặt với người dẫn chương trình George Stephanopoulos của đài ABC - từng là một trong những cố vấn cấp cao dưới thời của Tổng thống Bill Clinton.
“Câu hỏi dành cho ông Biden nhẹ nhàng hơn rất nhiều so với câu hỏi cho Tổng thống Trump. Điều đó là quá hiển nhiên”, chuyên gia Benedetto chỉ ra.
Người dẫn chương trình Stephanopoulos cũng từng tham gia phỏng vấn Tổng thống Trump trong một sự kiện của đài ABC vào giữa tháng 9. Báo Politico miêu tả sự kiện đó là một màn hỏi đáp gay gắt, khác hẳn so với màn “hội ngộ những người bạn cũ” giữa nhà báo Stephanopoulos với ông Biden.
Dan Froomkin, cựu phóng viên của Washington Post và Huffington Post, thừa nhận trong một chiến dịch tranh cử, thông thường với những vấn đề mà ông Biden đang có liên quan hiện nay, truyền thông sẽ quan tâm khai thác nhiều hơn so với thực tế bây giờ.
Một số chuyên gia cho rằng việc Tổng thống Trump đang bị truyền thông đối xử cay nghiệt là do ông từng gọi họ là “kẻ thù” và thẳng thừng từ chối bất kỳ câu hỏi nào gây khó dễ.