Trưng bày “Quốc Tử Giám - Trường Quốc học đầu tiên”
Trưng bày giới thiệu hơn 200 tài liệu, hiện vật, trong đó có những tấm ảnh mầu lần đầu tiên được công bố trưng bày tại di tích và hiện vật khảo cổ rất quý giá, minh chứng sự ra đời của Quốc Tử Giám.
Trưng bày được chia thành hai không gian tĩnh và động, trong nhà và ngoài trời. Trưng bày trong nhà sẽ đưa người xem ngược thời gian trở về với Quốc Tử Giám qua từng mốc lịch sử với khởi đầu là thời Lý, phát triển dưới thời Trần - Hồ, đỉnh cao là thời Lê - Mạc - Lê Trung Hưng, biến đổi dưới thời Nguyễn, và sự hồi sinh của di tích thời đương đại.
Nhiều tài liệu về trường Đại học đầu tiên của Việt Nam được trưng bày |
Nói về ý tưởng thiết kế phần trưng bày trong nhà, ông Patrick Hoarau - chuyên gia đồ họa, trưởng nhóm thiết kế trưng bày cho biết: “Không gian trưng bày trong nhà được thiết kế ở dãy Đông vu, khu thứ tư của di tích Văn Miếu- Quốc Tử Giám. Tòa nhà có rất nhiều cửa ra vào, bởi vậy chúng tôi đã chọn phương án thiết kế để khách tham quan bước vào từ cửa nào cũng có thể hiểu được không gian trưng bày này.”
Ông chia sẻ thêm: “Trưng bày ngoài trời kể về cuộc đời của một sĩ tử từ khi rời làng đi học, rồi đi thi, vinh quy bái tổ quay về làng… Nhóm thiết kế đã lên ý tưởng để đưa ra những sắp đặt thích hợp nhất ở không gian này.”
TS. Lê Xuân Kiêu - Giám đốc Trung tâm Hoạt động VHKH Văn Miếu-Quốc Tử Giám |
Chia sẻ về triển lãm, ông Đỗ Đình Hồng - Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội cho biết: “Trải qua hơn 700 năm phát triển, suy thịnh tùy thời, Quốc Tử Giám Thăng Long vẫn luôn song hành với sự phát triển của giáo dục khoa cử Đại Việt và cùng gánh vác sứ mệnh vun bồi nguyên khí, cử người hiền dùng người tài mà lịch sử đã giao phó. Từ ngôi trường này, lớp lớp học trò được nuôi dưỡng bằng tri thức và đạo đức, với những cống hiến bền bỉ, trở nên Thành Đức-Đạt Tài, những bậc quân tử khí tiết, đức độ và để lại tiếng thơm cho đời sau. Cho đến nay, Quốc Tử Giám vẫn là biểu tượng cho những giá trị của đạo học Việt Nam”.
Khách tham quan trưng bày |