Triển khai dịch vụ cho thuê xe đạp công cộng: Giải pháp tất yếu cho giao thông Thủ đô

Khi giá xăng đang "nóng" ở ngoài thị tường và cả trong nghị trường Quốc hội thì nhiều người dân đang háo hức với một thông tin hấp dẫn: “Hà Nội sẽ triển khai dịch vụ cho thuê xe đạp công cộng vào quý IV/2022”. Sự xuất hiện của xe đạp công cộng là sự phát triển tất yếu của giao thông đô thị, góp phần giảm hỗn loạn giao thông, giảm ô nhiễm môi trường, tăng cường sức khỏe cho người dùng và cả ví tiền, trong thời buổi xăng tăng giá.
Hà Nội rà soát, xử lý "điểm đen", điểm tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông Hà Nội: Cành Đa cổ thụ đổ xuống đường Võ Chí Công lúc rạng sáng gây ùn tắc giao thông Quốc hội chất vấn về tiến độ và thất thoát lãng phí trong các dự án giao thông

Góp phần đa dạng hóa lĩnh vực vận tải hành khách công cộng

Sở Giao thông vận tải (GTVT) Hà Nội vừa “chốt” gần 200 điểm trạm cho thuê xe đạp công cộng trong khuôn khổ dự án thí điểm 2.000 xe đạp đô thị tại 7 quận. Theo đó, xe đạp công cộng được sử dụng phục vụ người dân tại 5 quận trung tâm bao gồm: Ba Đình, Hai Bà Trưng, Tây Hồ, Đống Đa, Thanh Xuân và các điểm cạnh lối lên, xuống của tuyến tàu điện đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông, trụ sở liên cơ quan.

Dự án xe đạp đô thị sẽ triển khai theo 2 giai đoạn. Trong đó, giai đoạn 1 sẽ đầu tư 1.000 xe đạp, trong đó có 500 xe đạp truyền thống và 500 xe đạp điện. Số xe này sẽ được bố trí từ 70 đến 80 vị trí.

Giai đoạn 2, dự kiến từ năm 2023 đến 2024, mở rộng vùng phục vụ ra các quận trung tâm và vùng lân cận trung tâm. Quy mô đầu tư khoảng 3.000 xe đạp, bố trí tại 350 địa điểm.

Giải pháp tất yếu cho giao thông Thủ đô
Hệ thống xe đạp công cộng thí điểm tại khu vực trung tâm TP.HCM

Theo tính toán, tổng chi phí của dự án là khoảng 26 tỷ đồng, nhà đầu tư tự bỏ vốn và khai thác. Dự án dự kiến thực hiện thí điểm trong vòng 18 tháng, mức phí được đưa ra để người dân có thể sử dụng xe đạp điện là khoảng 20.000 đồng/giờ hoặc 200.000 đồng/ngày. Để hỗ trợ dự án, nhà đầu tư đề xuất UBND TP hỗ trợ một số địa điểm đặt trạm sạc tại các địa điểm đặt xe phục vụ người dân.

Được biết, đơn vị được lựa chọn để phối hợp với Sở GTVT Hà Nội xây dựng dự án là Cty CP Tập đoàn Trí Nam. Đây cũng là đơn vị đang triển khai xe đạp công cộng tại TP Hồ Chí Minh trong năm 2021.

Sau thời gian nghiên cứu, đánh giá, Sở GTVT Hà Nội cho rằng, việc phát triển xe đạp công cộng góp phần nâng cao hiệu quả, đa dạng hóa lĩnh vực vận tải hành khách công cộng trên địa bàn, nhằm từng bước thay đổi thói quen đi lại của người dân, giảm ô nhiễm môi trường.

Người dân háo hức chờ ngày được trải nghiệm

Thông tin Hà Nội sẽ triển khai dịch vụ cho thuê xe đạp công cộng đã nhận được sự ủng hộ của người dân và giới chuyên môn về loại hình phương tiện giao thông xanh, góp phần thúc đẩy hệ thống giao thông công cộng khối lượng lớn phát triển.

Chị Trần Thị Hoàng Yến (Thanh Trì, Hà Nội) cho rằng: “Xe đạp công cộng sẽ đem đến cho người dân một phương tiện hiện đại, thuận tiện, thân thiện, tăng khả năng kết nối giữa vận tải hành khách công cộng như tàu điện, xe buýt, giữa các khu đô thị, trụ sở văn phòng. Vì thế, tôi rất ủng hộ và mong sớm được trải nghiệm dịch vụ này”.

Giải pháp tất yếu cho giao thông Thủ đô
Hà Nội sẽ triển khai dịch vụ cho thuê xe đạp công cộng vào quý IV/2022 (Ảnh minh họa)

Đồng quan điểm, anh Nguyễn Văn Hiến (Hà Đông, Hà Nội) chia sẻ: “Nếu có xe đạp công cộng thì chúng tôi đến trạm xe buýt sẽ vô cùng thuận tiện, thay vì hình thức đi bộ như bây giờ. Thực tế, khi thành phố đang nghiên cứu các biện pháp hạn chế phương tiện cá nhân như xe máy thì việc đưa dịch vụ cho thuê xe đạp công cộng vào triển khai là vô cùng hợp lý. Nó sẽ kích thích chúng tôi lựa chọn di chuyển bằng các phương tiện công cộng hơn”.

Dù bị “đẩy lùi” bởi cơn sốt xe cơ giới trong những năm qua, xe đạp gần đây vẫn đang có xu hướng phát triển trở lại ở các đô thị, chủ yếu gắn với vai trò rèn luyện sức khỏe cho cộng đồng. Với đề án đang đề xuất triển khai, xe đạp lại đang được khuyến khích sử dụng đúng với chức năng giao thông vốn có. Theo đó, một trong những mục đích của dự án là đa dạng hóa phương tiện vận tải, tạo sự kết nối giữa nhà ga xe bus, ga đường sắt đô thị, khu dân cư hay thúc đẩy du lịch.

Cụ thể, giống như mô hình đã được triển khai tại TP.HCM, Hải Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu, hệ thống các điểm thuê xe đạp công cộng cho phép người dùng thuê và trả xe ở các điểm khác nhau, đồng thời sử dụng ứng dụng qua điện thoại để tự mở khóa khi thuê xe và thanh toán. Về nguyên tắc, cách tiếp cận ấy khá giống với việc vận hành xe đạp cho thuê ở những nước phát triển: Thay vì mang xe đạp từ nhà, chúng ta có thể di chuyển bằng xe bus hoặc metro, tiếp đó thuê xe đạp ở điểm lân cận, sử dụng rồi trả xe tại một điểm phù hợp trên lịch trình trở về.

Thực tế, xu hướng phát triển đô thị bền vững trên thế giới đang đề cao vai trò của xe đạp - loại phương tiện xanh, sạch, thân thiện môi trường, hỗ trợ dịch vụ vận tải hành khách công cộng khối lượng lớn. Nhiều thành phố như Copenhagen (Đan Mạch), Amsterdam (Hà Lan), Berlin (Đức), Strasbourg (Pháp), Bắc Kinh (Trung Quốc)… đã định hình lại cơ sở hạ tầng đô thị theo cách khuyến khích xe đạp như xây cầu, làn đường dành riêng cho xe đạp hay có bãi đậu xe cố định cho loại hình này. Chính điều này đã thu hút rất đông người dân sử dụng phương tiện xe đạp, điển hình tại Copenhagen có khoảng 62% số công dân sử dụng xe đạp để đi làm hoặc đi học.

Vì vậy, phải khẳng định lại lần nữa rằng, việc Hà Nội triển khai dịch vụ cho thuê xe đạp công cộng là giải pháp văn minh, giúp giảm ô nhiễm môi trường. Và sự xuất hiện trở lại của xe đạp là sự phát triển tất yếu của giao thông đô thị. Thế nhưng, giá trị tích cực của nó chỉ có ý nghĩa, khi người dân sẵn sàng “mở lòng” tiếp cận loại phương tiện truyền thống này.

Hà Nội: Tăng cường phương tiện vận tải công cộng phục vụ SEA Games 31 Hà Nội: Tăng cường phương tiện vận tải công cộng phục vụ SEA Games 31
Phát triển các phương tiện vận tải công cộng tại Hà Nội Phát triển các phương tiện vận tải công cộng tại Hà Nội
Ưu tiên phát triển hệ thống vận tải công cộng ở Hà Nội: Cần đổi mới từ tư duy Ưu tiên phát triển hệ thống vận tải công cộng ở Hà Nội: Cần đổi mới từ tư duy
Ánh Dương
Phiên bản di động