Trà sen Kiếp Bạc - thức quà thơm chứa đựng ân tình
Hải Dương: Đặc sắc chuỗi sự kiện văn hóa, thể thao, du lịch trong tháng 5 Hải Dương: Dâng hương tưởng niệm 688 năm ngày viên tịch của Đệ Tam Tổ Trúc Lâm Huyền Quang tôn giả |
Di tích đền Kiếp Bạc thuộc Khu di tích Quốc gia đặc biệt Côn Sơn - Kiếp Bạc, thuộc địa bàn thành phố Chí Linh, tỉnh Hải Dương, trong đó, đền Kiếp Bạc là nơi thờ Anh hùng dân tộc Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn cùng toàn thể gia quyến, còn được biết đến với các tên gọi khác như đền Kiếp, đền Vạn Kiếp, đền Trần Hưng Đạo.
Ông Lê Duy Mạnh, Phó Trưởng Ban Quản lý di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc cho biết, Khu di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc là vùng đất thiêng liêng, trung tâm văn hóa du lịch tâm linh của cả nước. Mỗi năm nơi đây đón hàng triệu du khách về tham quan chiêm bái |
Trao đổi với báo chí, ông Lê Duy Mạnh, Phó Trưởng Ban Quản lý di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc cho biết, Khu di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc là vùng đất thiêng liêng, trung tâm văn hóa du lịch tâm linh của cả nước. Mỗi năm nơi đây đón hàng triệu du khách về thăm quan chiêm bái.
Nhằm phát triển những giá trị của khu di tích, những năm qua, Ban Quản lý di tích đã nỗ lực cải tạo cảnh quan trong đó có việc chỉnh trang cải tạo hồ sen Kiếp Bạc và phát triển các sản phẩm du lịch. Trong đó sản phẩm trà sen Kiếp Bạc đã khẳng định được uy tín, chất lượng, được du khách yêu thích và trở thành thương hiệu sản phẩm du lịch tiêu biểu của khu di tích Kiếp Bạc.
Trà sen Kiếp Bạc, từ lâu đã trở thành một tinh thần đặc trưng của văn hóa trà Việt, mang trong đó nhiều triết lý nhân sinh và lòng tôn kính thiêng liêng. Trà sen Kiếp Bạc, không chỉ đơn thuần để thưởng thức mà còn là “vật phẩm” kết tinh tinh hoa của trời đất cùng tình cảm “phụ - tử” thiêng liêng của con dân vùng Vạn Kiếp kính dâng lên Đức Thánh Trần. Bởi vậy, quy trình ướp trà sen ở Kiếp Bạc luôn được thực hiện một cách cẩn trọng và công phu.
Để thưởng thức được hết vị ngon của trà sen cũng đòi hỏi một sự cầu kì và tỉ mỉ khi pha và thưởng trà mà không phải ai cũng làm được. |
Trà sen đền Kiếp Bạc chứa đựng nét văn hóa cổ truyền đặc sắc, hấp dẫn du khách và đang trên đường trở thành sản phẩm du lịch đặc thù ở khu di tích quốc gia đặc biệt Côn Sơn - Kiếp Bạc.
Trà sen là sự hòa quyện hoàn hảo giữa vị ngon của trà với mùi thơm nhẹ nhàng tinh khiết của hoa, sen tạo hương vị rất riêng biệt. Sự hòa quyện giữa vị ngọt sâu tinh tế của trà với hương thơm nhẹ nhàng, thảo ngọt của hoa sen đã làm say lòng người Việt. Mỗi ngụm trà ngon là như thấy được cả trời, cả đất và sự tỉ mỉ đến mức kì công của người chế biến.
Những kiến thức về các công đoạn ướp trà sen tại nơi đây học được là do một nghệ nhân trà sen nổi tiếng ở Hồ Tây (Hà Nội) truyền dạy cách đây 3 năm. Chè dùng để ướp cùng hoa sen là chè Thái Nguyên chính hiệu, được tuyển chọn kỹ càng, chất lượng.
Để chế biến ra sản phẩm trà ướp sen phải qua khá nhiều công đoạn như: Lựa chọn hoa sen, ủ chè, đóng gói thành phẩm. Mỗi công đoạn đòi hỏi người thực hiện phải có kỹ năng và kinh nghiệm mới có thể tạo ra được sản phẩm hoàn chỉnh.
Chén trà xanh làm cho người thưởng thức rất vương vấn bởi vị chát nhẹ ban đầu rồi ngọt dần nơi cổ họng, quyện vị hương sen tươi mát, tỏa ra hương vị thanh khiết thanh tao |
Đối với sản phầm trà ướp sen tươi thì việc lựa chọn hoa sen là một trong những công đoạn then chốt. Khi thu hoạch hoa sen phải cắt từ gốc, như vậy sẽ giữ nguyên cả thân và bông đảm bảo hoa sen có độ tươi không bị héo, thời gian thu hoạch nên chọn ngày nắng ráo, vào thời điểm sáng sớm trước khi mặt trời lên cao vì đây là thời điểm cây sen hấp thu được tất cả những gì tinh túy nhất của trời đất. Để ướp trà ngon, cần chọn những lá sen bánh tẻ, bông sen hé nở vừa phải, nụ to, cánh dầy và để cả cành.
Sau khi hoàn thành công đoạn ủ hương, để trà ướp sen giữ được độ tươi và hương vị độc đáo nhất đến tay người tiêu dùng thì sản phẩm sẽ được đóng gói, hút chân không và bảo quản trong tủ đông.
Khác với những hương vị trà ướp hương truyền thống, sản phẩm trà ướp sen tươi làm cho người thưởng thức rất vương vấn bởi vị chát nhẹ ban đầu rồi ngọt dần nơi cổ họng, quyện vị hương sen tươi mát, tỏa ra hương vị thanh khiết thanh tao.
Để thưởng thức được hết vị ngon của sản phẩm này cũng đòi hỏi một sự cầu kì và tỉ mỉ khi pha và thưởng trà mà không phải ai cũng làm được. Khi pha, ta phải tách từng cánh hoa sen, cảm nhận hương sen tươi nhẹ nhàng phảng phất trên từng cánh trà.
Ông Phạm Lê Trung, Thạc sĩ - Giảng viên trường ĐH Văn hóa Hà Nội một người chơi trà nhiều năm có đánh giá cao về trà sen Kiếp Bạc |
Theo ông Phạm Lê Trung, Thạc sĩ - Giảng viên trường ĐH Văn hóa Hà Nội cho biết: "Trước khi pha trà cần tráng nóng ấm chén bằng nước sôi. Sau đó chậm rãi gạt trà vào ấm, ủ trong ấm 3 phút để hơi nóng của ấm đánh thức hương thơm của trà. Dùng nước sôi khoảng 85 - 90 độ C rót vào ấm. Ngâm trà từ 30 giây đến một phút, nếu uống đậm có thể ngâm lâu hơn. Cuối cùng, rót trà từ ấm ra chén tống, rồi rót sang các chén quân (chén nhỏ) để thưởng thức. Nước đầu tiên khi uống chúng ta cảm nhận và thưởng thứ hương của sen (thưởng hương), nước thứ hai là sự hòa quyện ngọt ngào giữa hương sen và trà (thưởng trà), nước thứ ba cảm nhận hương thơm dịu nhẹ của sen ngọt nhẹ của trà. Rồi nước thứ tư, thứ năm thứ sáu chúng ta vẫn thấy hương và sắc vẫn còn nồng đượm".
Các thực khách được thưởng thức những chén trà sen Kiếp Bạc. |
Uống trà ướp sen, nếu nhanh vội sẽ không thấy hết được hương vị của trà. Khi trà rót ra chén, trước khi thưởng trà phải đưa lên mũi hít hà từng hơi, thưởng thức hương thơm của sen hòa quện với trà. Khi uống cũng nhấp từng ngụm nhỏ, giữ trà trong miệng và nuốt từ từ vào trong cổ họng mới thấy hết vị ngon của trà".
Ngoài trà ướp lạnh, Ban Quản lý di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc còn cho ra đời sản phẩm trà khô ướp sen. Đây là loại trà cũng được ướp trong bông hoa sen. Sau thời gian đủ lâu sẽ đem sấy khô rồi đóng thành hộp, kết hoa bắt mắt, phù hợp để du khách làm lễ dâng Đức Thánh Trần, vừa làm quà rất có ý nghĩa.
Sự thú vị, hấp dẫn của trà sen Kiếp Bạc không chỉ nằm ở công đoạn pha ướp tỉ mỉ, công phu mà còn cả nguồn nước dùng để pha trà. Nước dùng để pha trà sen được lấy từ giếng Mắt Rồng ở sân đền Kiếp Bạc. Nếu như trà bình thường chỉ pha với 1 - 2 lần nước thì trà sen Kiếp Bạc phải pha tới 4 lần mới đậm đà, thơm ngon. Nước đầu để đánh thức trà, nước hai đậm vị, nước ba bỏ thêm gạo sen, nước thứ 4 xé đài sen thêm vào rồi mới đổ nước. Bốn nước trà cho bốn hương vị khác nhau, để lại dư vị thanh tao, tinh khiết, khó quên cho những ai lần đầu được thưởng thức.
Trà sen Kiếp Bạc đã được nhiều người dân, du khách biết đến. Ba năm nay, mỗi lần về chiêm bái tại đền Kiếp Bạc vào mùa sen nở, nhiều người không quên mua trà sen ở đây về dâng cúng tổ tiên hoặc làm quà.
Trưởng Ban Quản lý di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc, bà Nguyễn Thị Thùy Liên. |
Trưởng Ban Quản lý di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc Nguyễn Thị Thùy Liên cho biết đang cố gắng và nỗ lực hoàn thành sản phẩm trà sen Kiếp Bạc.
"Trà sen Kiếp Bạc - một sản vật phẩm có cách đây trên 700 năm, chuyên dùng trong Tư dinh Vạn Kiếp của Quốc công Tiết chế Trần Hưng Đạo. Từ 3 năm nay, chúng tôi đã nỗ lực phục hồi sản phẩm này với mong muốn lan tỏa nét đẹp văn hóa truyền thống thưởng thức trà sen Kiếp Bạc và trở thành sản phẩm đặc thù của Hải Dương".
Tại Di tích đền Kiếp Bạc, ngày 29/7 đã diễn ra khai mạc Tuần văn hóa trà sen Kiếp Bạc năm 2022 thu hút sự tham gia của nhiều đại biểu khách mời, hơn 30 doanh nghiệp, đơn vị kinh doanh du lịch, dịch vụ cùng các tổ chức, cá nhân.
Đây là năm đầu tiên sự kiện được tổ chức và theo kế hoạch, sự kiện diễn ra trong 3 ngày từ 29 - 31/7 với đa dạng, phong phú các hoạt động nhằm quảng bá, thúc đẩy hơn nữa sản xuất và tiêu thụ sản phẩm trà sen Kiếp Bạc.
Cũng từ sen Kiếp Bạc, Ban Quản lý di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc đã phát triển các sản phẩm như trà ướp hoa sen, trà sen sấy, rượu sen, trà gạo sen... Trong đó, trà sen Kiếp Bạc đã tạo được ấn tượng đặc biệt với nhân dân và du khách thập phương. Ấn tượng không chỉ ở hương vị của trà, hay cách pha trà, mà còn đặc biệt ở không gian ngồi thưởng trà…
Tại sự kiện, các đại biểu, nhân dân và du khách được xem, chiêm ngưỡng màn trình diễn nghệ thuật pha trà của các nghệ nhân đến từ Câu lạc bộ trà sen Kiếp Bạc, Tây Hồ, Đại học Văn hóa Hà Nội và trực tiếp thưởng thức hương vị trà sen Kiếp Bạc. Đây cũng là dịp trưng bày, quảng bá các sản phẩm tiêu biểu của thành phố Chí Linh và tỉnh Hải Dương như gốm Chu Đậu, nhãn Chí Linh, tranh thêu Xuân Nẻo...
Dưới đây là một số hình ảnh ghi nhận tại buổi lễ:
Sự kiện Tuần văn hoá trà sen Kiếp Bạc thu hút sự quan tâm của các cơ quan báo chí. |
Những bông sen dịu dàng thơm ngát... |
Rượu sen Kiếp Bạc là sản phẩm mới ... |
Những chiếc nón được nghệ sĩ tô, vẽ để là quà lưu niệm... |
Sản phẩm Gốm Chu Đậu thuộc dòng gốm cổ cao cấp của Việt Nam. |
Các nghệ sĩ biểu diễn ngay trên thuyền trong hồ sen Kiếp Bạc. |