Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc chuẩn bị thăm Việt Nam

Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam từ ngày 14 đến 15/4/2025.
Ai đứng đầu đoàn đàm phán của Mỹ với Việt Nam? Việt Nam lên tiếng về việc Mỹ hoãn áp thuế 90 ngày

Theo thông cáo của Bộ Ngoại giao, nhận lời mời của Tổng Bí thư Tô Lâm, Chủ tịch nước Lương Cường; Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình Tập Cận Bình sẽ thăm cấp Nhà nước tới nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam từ ngày 14 đến 15/4/2025.

Đây là chuyến thăm cấp Nhà nước lần thứ 4 của ông Tập Cận Bình đến Việt Nam trên cương vị Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc, diễn ra chưa đầy một năm sau chuyến thăm cấp Nhà nước đến Trung Quốc của Tổng Bí thư Tô Lâm.

Việt Nam - Trung Quốc thiết lập quan hệ ngoại giao vào ngày 18/1/1950. Trong 75 năm qua kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao, hữu nghị hợp tác vẫn là dòng chảy chính trong quan hệ Việt Nam - Trung Quốc.

Đặc biệt, những năm gần đây, quan hệ Việt Nam - Trung duy trì đà phát triển tốt đẹp và đạt nhiều kết quả quan trọng thông qua các hoạt động trao đổi, tiếp xúc, các chuyến thăm lẫn nhau mang tính lịch sử của lãnh đạo cao nhất hai Đảng, hai nước.

Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc chuẩn bị thăm Việt Nam
Tổng Bí thư Tô Lâm và Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình. Ảnh: TTXVN.

Hai bên đã xác định phát triển quan hệ hai nước theo phương châm “láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai” (năm 1999) và tinh thần “láng giềng tốt, bạn bè tốt, đồng chí tốt, đối tác tốt” (năm 2005).

Hai bên nhất trí thiết lập khuôn khổ quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Trung Quốc (năm 2008) – khuôn khổ hợp tác cao nhất trong quan hệ của Việt Nam với các nước trên thế giới.

Đặc biệt, tiếp sau chuyến thăm chính thức Trung Quốc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng (10/2022), trong chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam của Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (12/2023), hai bên nhất trí tiếp tục làm sâu sắc và nâng tầm quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện, xây dựng Cộng đồng chia sẻ tương lai Việt Nam - Trung Quốc có ý nghĩa chiến lược, đưa ra 6 phương hướng hợp tác lớn thúc đẩy quan hệ Việt - Trung bước sang giai đoạn phát triển mới, toàn diện và bền vững, bao gồm: Tin cậy chính trị cao hơn, hợp tác quốc phòng - an ninh thực chất hơn, hợp tác thực chất sâu sắc hơn, nền tảng xã hội vững chắc hơn, phối hợp đa phương chặt chẽ hơn, bất đồng được kiểm soát, giải quyết tốt hơn, vì hạnh phúc của Nhân dân hai nước, vì sự nghiệp hòa bình và tiến bộ của nhân loại.

Tiếp đó, trong chuyến thăm cấp Nhà nước tới Trung Quốc rất thành công của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm (8/2024), lãnh đạo hai nước tiếp tục khẳng định việc phát triển quan hệ song phương là sự ưu tiên trong chính sách đối ngoại của mỗi nước, nhất trí tăng cường hơn nữa quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Trung Quốc theo định hướng "6 hơn", tiếp thêm động lực duy trì đà phát triển tích cực của quan hệ hai nước, tạo sức lan tỏa mạnh mẽ đến các cấp, các ngành, hình thành không khí hợp tác sôi động, hiệu quả, thiết thực và đạt nhiều thành tựu quan trọng trên tất cả các lĩnh vực.

Cùng với đó, các cơ chế giao lưu, hợp tác giữa kênh Đảng, Nghị viện, Mặt trận Tổ quốc và hợp tác giữa các bộ, ngành, địa phương, cũng như hợp tác ở các cơ chế đa phương... cũng chứng kiến những bước phát triển mạnh mẽ, ngày càng thực chất, đi vào chiều sâu, với nhiều cơ chế, chương trình hợp tác hiệu quả, góp phần làm phong phú quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Trung Quốc.

Quan hệ kinh tế - thương mại giữa hai nước không ngừng phát triển mạnh mẽ, ngày càng đi vào chiều sâu.

Việt Nam duy trì trong nhiều năm là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc trong ASEAN. Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất, thị trường nhập khẩu lớn nhất và thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam.

Trong năm 2024 - năm đầu tiên Việt Nam và Trung Quốc triển khai các thỏa thuận, nhận thức chung sau khi nâng tầm quan hệ song phương, hợp tác kinh tế - thương mại tiếp tục đạt đỉnh cao mới, vượt mức 200 tỷ USD. Việt Nam hiện đã là đối tác thương mại lớn thứ 4 của Trung Quốc trên thế giới.

Như vậy, trong hơn 3 thập kỷ tính từ khi bình thường hóa quan hệ năm 1991 đến nay, kim ngạch thương mại song phương đã tăng hơn 6.400 lần (từ mức 32 triệu USD lên 200 tỷ USD), thể hiện rất rõ sự phát triển mạnh mẽ và độ gắn kết trong quan hệ kinh tế - thương mại giữa hai nước.

Về đầu tư, đến nay, Trung Quốc đã vươn lên trở thành nhà đầu tư nước ngoài lớn thứ 3 tại Việt Nam, với tổng vốn đăng ký là 31,8 tỷ USD. Con số này đánh dấu sự gia tăng đáng kể so với vị trí trước đó là nhà đầu tư lớn thứ 9, với tổng vốn đăng ký tích lũy khoảng 8 tỷ USD vào cuối năm 2014.

Hậu Lộc

Bình luận

Phiên bản di động