Tơ tằm Trung Quốc gắn mác Việt Nam xuất sang Ấn Độ để né thuế
Nhiều thủ đoạn giả mạo hàng hóa xuất xứ 'Made in Vietnam' Doanh nghiệp làm giả chứng nhận xuất xứ hàng hóa hơn 600 tỷ đồng |
Theo đó, qua kiểm tra sau thông quan tại trụ sở Công ty M, lực lượng Hải quan phát hiện doanh nghiệp này xin cấp 8 C/O (giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa) form AI để xuất khẩu tơ tằm sang Ấn Độ có dấu hiệu vi phạm về xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp.
Sau khi kiểm tra, xác minh, Cục Kiểm tra sau thông quan (Tổng cục Hải quan) xác định, Công ty M có hành vi nhập khẩu tơ tằm thành phẩm từ Trung Quốc về cảng Cát Lái (TP HCM).
Sau khi hàng cập cảng, doanh nghiệp trên đưa hàng về kho nằm ngoài khu vực cảng (vẫn ở địa bàn TP HCM), nhưng không đưa về nhà máy sản xuất của doanh nghiệp (nằm ở tỉnh khác).
Tại đây, doanh nghiệp có hành vi thay đổi bao bì, nhãn mác thể hiện hàng hóa xuất xứ Trung Quốc và gắn nhãn mác thể hiện xuất xứ Việt Nam lên sản phẩm để xuất khẩu đi Ấn Độ.
Được biết, hành vi của doanh nghiệp nhằm lẩn tránh thuế suất cao, vì nếu tơ tằm xuất khẩu trực tiếp từ Trung Quốc sang Ấn Độ sẽ chịu thuế nhập khẩu 25%. Tuy nhiên, mặt hàng này xuất khẩu từ Việt Nam sang Ấn Độ chỉ có mức thuế 5%.
Cơ quan Hải quan sau đó đã xử phạt vi phạm hành chính đối với doanh nghiệp 60 triệu đồng và thu nộp ngân sách số tiền thu lợi bất hợp pháp gần 550 triệu đồng.
Tơ tằm Trung Quốc gắn mác Việt Nam xuất sang Ấn Độ để né thuế. Ảnh minh họa. |
Theo số liệu của Cục Điều tra chống buôn lậu (Tổng cục Hải quan), trong 6 tháng đầu năm 2020, cơ quan này cùng các lực lượng chức năng đã khởi tố và đề nghị khởi tố 50 vụ việc về hành vi vi phạm về xuất xứ hàng hóa, chủ yếu liên quan đến nhóm hàng như: Xe đạp, tơ tằm, thủy sản, đồ gỗ nội thất... Từ đó kiến nghị thu hồi hàng trăm giấy chứng nhận xuất xứ C/O không đủ tiêu chuẩn. Thủ đoạn của các doanh nghiệp là chủ yếu thu mua nguyên liệu, linh kiện nhiều nơi, sau đó hợp thức hóa giấy tờ để lấy xuất xứ Việt Nam.
Trong khi đó, theo đánh giá của Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, tình trạng hàng ngoại giả mạo xuất xứ, giả mạo nhãn hiệu hàng hóa Việt Nam để trục lợi khi xuất khẩu sang các nước khác trên thế giới vẫn diễn ra nhức nhối bất chấp những nỗ lực của các cơ quan chức năng.
Việc gian lận nguồn gốc xuất xứ hàng hóa không chỉ gây ra những thiệt hại trực tiếp cho nền kinh tế mà còn ảnh hưởng xấu đến uy tín, thương hiệu của Việt Nam trên thị trường quốc tế.
Đặc biệt, tình trạng hàng ngoại đội lốt xuất xứ Việt Nam sẽ diễn ra tinh vi, phức tạp hơn, nhất là khi các Hiệp định thương mại tự do như Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) có hiệu lực.
Chia sẻ về các thủ đoạn và hình thức giả mạo nguồn gốc xuất xứ, ông Đàm Thanh Thế - Chánh văn phòng Thường trực Ban chỉ đạo 389 quốc gia cho biết, hàng hóa được đặt sản xuất ở nước ngoài trước khi nhập khẩu về Việt Nam đã ghi sẵn dòng chữ “Made in Vietnam” trên sản phẩm hoặc bao bì sản phẩm, phiếu bảo hành đều ghi bằng tiếng Việt các thông tin về nhãn hiệu, địa chỉ trụ sở, trang web, sau đó thông qua nhiều phương thức gian lận qua mặt các lực lượng chức năng để vận chuyển về Việt Nam tiêu thụ.
Bên cạnh đó, hàng hóa nhập khẩu từ nước ngoài, dán nhãn hàng hóa hoặc ghi xuất xứ hàng hóa được sản xuất tại nước ngoài nhưng khi đưa ra lưu thông, tiêu thụ nội địa thì nhãn hàng hóa dán trên bao bì/sản phẩm được bóc dễ dàng mà không ảnh hưởng đến bao bì hoặc sản phẩm và được thay nhãn mới ghi “Made in Vietnam” hoặc “sản xuất tại Việt Nam” hoặc “xuất xứ Việt Nam” để lừa dối người tiêu dùng. Thậm chí, không trải qua công đoạn sản xuất, gia công mà chỉ thay đổi nhãn mác, xuất xứ Việt Nam để xuất khẩu sang nước thứ ba.
Ông Thế cũng cho biết, các doanh nghiệp (bao gồm cả doanh nghiệp FDI) nhập khẩu hàng hóa/nguyên vật liệu để sản xuất, gia công xuất khẩu nhưng hàng hóa không trải qua công đoạn gia công, sản xuất hoặc chỉ trải qua công đoạn gia công, sản xuất hoặc lắp ráp đơn giản không đáp ứng tiêu chí xuất xứ theo quy định nhưng khai xuất xứ Việt Nam hoặc hợp thức hóa bộ hồ sơ để xin cấp giấy chứng nhận xuất xứ của Việt Nam (C/O).
Ngoài ra, các đối tượng thành lập nhiều công ty, mỗi công ty nhập khẩu một số linh kiện, phụ tùng để lắp ráp hoặc bán linh kiện cho công ty khác thực hiện gia công, lắp ráp công đoạn đơn giản không đáp ứng tiêu chí xuất xứ theo quy định nhưng vẫn ghi sản xuất tại Việt Nam hoặc xuất xứ Việt Nam để tiêu thụ tại thị trường trong nước lừa dối người tiêu dùng hoặc xuất khẩu sang nước thứ ba.
Nêu ra những thiệt hại của tình trạng giả mạo nguồn gốc xuất xứ hàng hoá của Việt Nam khi chúng ta đang hội nhập sâu rộng vào kinh tế thế giới, ông Đàm Thanh Thế cho rằng sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến hình ảnh, uy tín của hàng hóa Việt Nam nói chung và hoạt động xuất khẩu của cả ngành hàng đó đối với nước nhập khẩu.
Bên cạnh đó, hàng hóa gắn xuất xứ, nhãn mác Việt Nam không đúng quy định để tiêu thụ trong nước sẽ ảnh hưởng lớn đến các ngành hàng sản xuất trong nước, mất uy tín đối với người tiêu dùng, các doanh nghiệp sẽ không dám tập trung đầu tư xây dựng thương hiệu và chất lượng sản phẩm khi sản phẩm, thương hiệu của mình bị các hàng hóa nước ngoài xâm phạm.