Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cảnh báo gì về nhiễm độc thủy ngân?
Website của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) dành riêng một bài viết để cảnh báo tác hại của thủy ngân đối với sức khỏe con người.
Thủy ngân được WHO liệt vào danh sách 10 hóa chất độc hại đe dọa ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng. Độc tố này có thể tác động lên hệ thần kinh, hệ tiêu hóa, hệ miễn dịch và nhiều cơ quan trong cơ thể như phổi, thận, da và mắt.
Bóng đèn huỳnh quang là một trong những nguồn chứa nhiều thủy ngân trong môi trường. Ảnh minh họa: Việt Linh. |
Thủy ngân có những dạng nào?
Thủy ngân tồn tại được ở dạng rắn của kim loại, chất vô cơ hoặc hữu cơ. Methyl thủy ngân là một dạng chất hữu cơ có thể xâm nhập vào cơ thể người qua đường ăn uống. Các dạng thủy ngân khác nhau có mức độ nguy hại khác nhau. Trong đó, dạng vô cơ là ít nguy hiểm nhất.
Thủy ngân tồn tại trong môi trường tự nhiên, được thải vào môi trường do các hoạt động của núi lửa, quá trình kiến tạo địa chất. Các hoạt động của con người là nguyên nhân chính của việc phát tán thủy ngân như sử dụng than đá trong các hoạt động hàng ngày, đốt rác thải và từ các hoạt động đào, đãi vàng thủ công.
Thủy ngân có thể bị hấp thụ qua ăn các loại cá biển, sò nhiễm methyl thủy ngân. Kể cả việc chế biến, nấu kỹ các loài hải sản này thì thủy ngân cũng không bị mất đi.
Phơi nhiễm thủy ngân có tác hại như thế nào?
Theo khuyến cáo của WHO, mọi người đều có thể tiếp xúc với thủy ngân trong không khí nhưng thường ở mức an toàn. Tuy nhiên, khi tiếp xúc với lượng thủy ngân vượt ngưỡng cho phép dù trong thời gian ngắn có thể gây nguy hiểm lớn đến sức khỏe.
Để tính toán mức độ nguy hiểm của nhiễm độc thủy ngân cần dựa vào: Loại thủy ngân, liều lượng, tuổi và độ phát triển của người bị nhiễm, khoảng thời gian phơi nhiễm và cách thức (ăn, hít, chạm vào da).
Thai nhi là đối tượng nhạy cảm nhất nếu bị nhiễm độc thủy ngân, ảnh hưởng lớn đến quá trình phát triển. Thủy ngân có thể ảnh hưởng đến sự phát triển não, hệ thần kinh của bào thai, qua đó tác động đến khả năng suy nghĩ, ghi nhớ, tập trung, rối loạn ngôn ngữ và các hoạt động thể chất khi trẻ lớn lên.
Tác hại thủy ngân lên cơ thể người. Nguồn: Ủy ban Bảo vệ Môi trường Mỹ. |
Đối tượng thứ hai cũng có nguy cơ nhiễm độc thủy ngân cao là người thường xuyên tiếp xúc với thủy ngân trong môi trường làm việc và người thường xuyên ăn các loại cá nhiễm thủy ngân. Theo điều tra của WHO, có 1,5-7/1.000 trẻ em sống trong gia đình làm nghề đánh bắt thủy sản có biểu hiện rối loạn nhận thức (thể thiểu năng nhẹ) do nhiễm methyl thủy ngân.
Cả thủy ngân nguyên tố lẫn vô cơ đều có ảnh hưởng đến hệ thần kinh trung ương và ngoại vi. Ngoài ra, hít phải hơi thủy ngân có thể ảnh hưởng lên hệ tiêu hóa, hệ miễn dịch, phổi, thận và có thể gây chết người. Một số loại muối vô cơ của thủy ngân có thể ăn mòn, phá hủy da, mắt, nội tạng và làm suy thận.
Rối loạn thần kinh và hành vi cũng thường được thấy ở những người tiếp xúc trực tiếp hoặc nuốt phải các hợp chất của thủy ngân. Các biểu hiện như run chân tay, mất ngủ, mất trí nhớ, rối loạn thần kinh cơ, đau đầu, mất chức năng nhận thức.
Tránh nhiễm độc thủy ngân như thế nào?
Có nhiều cách để hạn chế thủy ngân phát tán ra môi trường trong đó quan trọng nhất là đẩy mạnh phát triển nguồn năng lượng sạch, cắt giảm các nhà máy điện, hệ thống chạy bằng than, loại bỏ việc khai thác vàng sử dụng thủy ngân, loại bỏ các sản phẩm chứa thủy ngân không cần thiết trong y tế, công nghiệp.
Ngoài ra, có một số vật dụng, hoạt động hàng ngày có nguy cơ khiến con người tiếp xúc với thủy ngân như pin năng lượng, nhiệt kế, la bàn, các thiết bị điện, bóng đèn huỳnh quang, compact, vật liệu nha khoa amalgam. Thủy ngân còn có trong nhiều các loại mỹ phẩm như son môi, kem làm trắng da, kem đánh răng và nhiều loại dược phẩm khác.
Đối với các sản phẩm này, người dùng cần cân nhắc, sử dụng cẩn thận để tránh làm thủy ngân phát tán. Các loại mỹ phẩm, dược phẩm cần được công khai về thành phần, lượng thủy ngân sử dụng để người dùng có thể lựa chọn.
Đối với các loại pin, la bàn, nhiệt kế cũ, không được phép tiêu hủy theo cách thông thường như bỏ thùng rác. Các loại rác thải này chứa chất độc nguy hại như thủy ngân cần phải được đưa đến các cơ sở xử lý đúng tiêu chuẩn, đảm bảo vệ sinh, không làm thất thoát thủy ngân ra môi trường.
Các ngành công nghiệp như luyện thép, đào vàng hay điện than cần áp dụng các công nghệ mới, tránh để công nhân tiếp xúc, phơi nhiễm thủy ngân trong quá trình làm việc. Điện than và các hệ thống chạy bằng than đốt cần được thay thế bằng nguồn nhiên liệu tái chế và sạch hơn.