Tiếp thị và phân phối hàng loạt sản phẩm, Dược phẩm Á Âu từng dính nhiều 'phốt' về quảng cáo

Công ty TNHH Dược phẩm Á Âu đang tiếp thị và phân phối hàng loạt thực phẩm chức năng trên thị trường hiện này. Các sản phẩm được giới thiệu với nhiều công dụng, song ít ai biết công ty này đã từng nhiều lần bị xử phạt do vi phạm quảng cáo.
Quảng cáo nổ TPCN, 5 công ty bị phạt gần 300 triệu đồng Nguy hiểm nạn quảng cáo láo, lừa dối người tiêu dùng về thực phẩm bảo vệ sức khỏe

Cẩn trọng kẻo "tiền mất tật lại mang"

Công ty TNHH Dược phẩm Á Âu (tại địa chỉ số 171 phố Chùa Láng, phường Láng Thượng, quận Đống Đa, TP Hà Nội) hiện nay đang tiếp thị và phân phối hàng loạt các sản phẩm chức năng bảo vệ sức khỏe.

Theo thông tin công bố trên website có địa chỉ: duocphamaau.com, Công ty TNHH Dược phẩm Á Âu đã tiếp thị và phân phối các sản phẩm bảo vệ sức khỏe như: Nga Phụ Khang, Viên nang Nattospes, Hoàng Thống Phong, Viên nén Cốt Thoái Vương, Viên nang Hoàng Thấp Linh, Kim Miền Khang, Tiêu Khiết Thanh, Ích Thận Vương, Kim Thần Khang, Ích Giáp Vương, Kim Thính, Phụ Lạc Cao EX, Định Áp Vương, Bách Thống Vương, Ích Tiểu Vương, Bảo Phế Vương...

Các sản phẩm đều được quảng bá có rất nhiều công dụng hỗ trợ bảo vệ sức khỏe con người bằng những mỹ từ mà ai đọc cũng sẽ phải quan tâm đến sản phẩm. Đơn cử như sản phẩm bảo vệ sức khỏe Kim Thần Khang được giới thiệu có nguồn gốc từ thiên nhiên, có công dụng là giúp dưỡng tâm, an thần và tăng cường lưu thông máu.

Trong khi đó, mới đây, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) đã phát đi cảnh báo về việc trên website https://kimthankhang.vn/bai-viet/thong-tin-san-pham/thong-tin-ve-san-pham-kim-than-khang.html có nội dung quảng cáo sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe Kim Thần Khang không đúng bản chất, lừa dối người tiêu dùng, vi phạm quy định pháp luật về quảng cáo.

Tiếp thị và phân phối hàng loạt sản phẩm, Dược phẩm Á Âu từng dính nhiều 'phốt' về quảng cáo
Sẩn phẩm Kim Thần Khang do Công ty TNHH Dược phẩm Á Âu tiếp thị và phân phối.

Theo tìm hiểu của phóng viên, Công ty TNHH Dược phẩm Á Âu trước đây cũng từng nhiều lần dính lùm xùm về quảng cáo sản phẩm và cũng từng bị các cơ quan chức năng xử phạt.

Cụ thể, Thanh tra Bộ Thông tin và Truyền thông đã xử phạt Công ty TNHH Dược phẩm Á Âu vì vi phạm quảng cáo các sản phẩm thực phẩm chức năng: Cốt Thoái Vương, Ích Giáp Vương, Nattospes, Ích Thận Vương… trên trang website duocphamaau.com. Năm 2015, doanh nghiệp này bị Cục An toàn thực phẩm xử phạt do thực hiện quảng cáo các sản phẩm thực phẩm chức năng trên website: duocphamaaucom khi chưa được cơ quan có thẩm quyền xác nhận nội dung quảng cáo.

Mới đây nhất, hồi tháng 5/2020, qua công tác hậu kiểm việc quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe trên internet và môi trường mạng, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) đã phát hiện trên các đường website/facebook: https://benhvirus.com/bai-viet/phuong-phap-dieu-tri/tang-cuong-he-mien-dich-chia-khoa-vang-giup-phong-tranh-virus-corona.html; https://www.facebook.com/subac.AE/post/1003061130026016 đang quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe Cốm su bạc vi phạm, nội dung quảng cáo gây hiểu nhầm có tác dụng như thuốc chữa bệnh; quảng cáo không phù hợp với một trong các tài liệu theo quy định.

Sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe quảng cáo vi phạm do Công ty TNHH Dược phẩm Á Âu đăng ký xác nhận nội dung quảng cáo tại Cục An toàn thực phẩm. Quá trình hậu kiểm, Công ty TNHH Dược phẩm Á Âu không thừa nhận các website nêu trên của công ty, doanh nghiệp cũng không chịu trách nhiệm về việc quảng cáo các sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe Cốm su bạc trên các trang mạng nêu trên.

Theo các chuyên gia, việc quảng cáo thực phẩm chức năng có nhiều công dụng như thuốc chữa bệnh sẽ gây ra hiểu nhầm rất lớn cho người tiêu dùng. Không ít người bệnh vì tin lời quảng cáo nên đã bỏ khá nhiều tiền ra mua thực phẩm chức năng để trị bệnh, bỏ lỡ quá trình điều trị, ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe và tính mạng người tiêu dùng. Chính vì vậy, người tiêu dùng cần cẩn trong trước các thông tin giới thiệu, quảng cáo của các doanh nghiệp.

Tiếp thị và phân phối hàng loạt sản phẩm, Dược phẩm Á Âu từng dính nhiều 'phốt' về quảng cáo
Giao diện website của Công ty TNHH Dược phẩm Á Âu.

Loạt doanh nghiệp bị xử phạt vì quảng cáo trái phép

Trong thời gian qua, lực lượng chức năng của ngành Y tế đã vào cuộc kiểm tra và phát hiện hàng loạt doanh nghiệp dược phẩm có hoạt động kinh doanh, quảng cáo sản phẩm trái phép...

Mới đây, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) vừa thông tin cập nhật về kết quả thanh tra, xử lý vi phạm hành chính từ ngày 22/8 đến 11/10/2020 với nhiều doanh nghiệp bị xử phạt hành chính với tổng số tiền gần 300 triệu đồng.

Cụ thể Công ty TNHH Thương mại Vinpharco (địa chỉ tại hòng 202, tầng 2, số nhà 27 tòa nhà văn phòng Hồng Hà, ngõ 109 đường Trường Chinh, phường Phương Liệt, quận Thanh Xuân, TP Hà Nội) bị phạt 25 triệu đồng do quảng cáo sản phẩm thực phẩm chức năng/thực phẩm bảo vệ sức khỏe Kim Thạch Đan trên website phuongphapdotpha.com không phù hợp với một trong các tài liệu theo quy định.

Công ty TNHH sản xuất và thương mại dược phẩm VACO (địa chỉ tầng 16, Tòa nhà Intracom, số 33 Cầu Diễn, phường Phúc Diễn, quận Nam Từ Liêm, TP Hà Nội) bị phạt 85 triệu đồng do quảng cáo sản phẩm thực phẩm chức năng/thực phẩm bảo vệ sức khỏe Khớp Khánh Vân trên website: doisongvasuckhoe.com mà không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác nhận nội dung trước khi thực hiện quảng cáo.

Công ty TNHH sản xuất và thương mại dược phẩm VACO cũng bị xử phạt do quảng cáo sản phẩm thực phẩm chức năng/thực phẩm bảo vệ sức khỏe Khớp Khánh Vân trên website: doisongvasuckhoe.com sử dụng hình ảnh, uy tín của đơn vị, cơ sở y tế, nhân viên y tế, thư cảm ơn của bệnh nhân để quảng cáo thực phẩm.

Cùng với đó, Cục An toàn thực phẩm cũng xử phạt Công ty Cổ phần ELEPHARMA (tại địa chỉ số 5, ngõ 126, đường Xuân Đỉnh, phường Xuân Đỉnh, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) số tiền 60 triệu đồng do quảng cáo sản phẩm thực phẩm chức năng/thực phẩm bảo vệ sức khỏe: Scurma Fizzy trên các website http://scurmafizzy.com; http://dathang.scurmafizzy.com.vn/ gây hiểu nhầm có tác dụng như thuốc chữa bệnh.

Ngoài ra, Công ty TNHH thương mại MINHA (đại chỉ tại phòng 202, số nhà 10, ngõ 72 Nguyễn Trãi, phường Thượng Đình, quận Thanh Xuân, Hà Đông, Hà Nội) cũng bị phạt 50 triệu đồng do quảng cáo sản phẩm thực phẩm chức năng/ thực phẩm bảo vệ sức khỏe Khớp Khang Bình trên các website: http://www.nhathuockhangbinh.xyz, http://tinhhoadatviet.online gây hiểu nhầm có tác dụng như thuốc chữa bệnh.

Trước đó, từ đầu năm đến tháng 6/2020, Cục An toàn thực phẩm cũng xử phạt 24 cơ sở với tổng số tiền xử phạt trên 1,62 tỷ đồng.

Các doanh nghiệp bị phạt gồm: Công ty Cổ Phần Đầu tư Kim Long; Công ty TNHH Dutuno & Hava; Công ty TNHH Thương mại IAC; Công ty TNHH Golden Health USA; Công ty Cổ phần Dược Vật tư y tế Hải Dương; Công ty Cổ phần Tanaphar; Công ty Cổ phần Holistar; Công ty cổ phần Thảo Mộc Đường; Công ty TNHH Thương mại Quốc tế Vitaco Việt Nam; Công ty Cổ phần Dược phẩm Trung ương VIHECO; Công ty Cổ phần Triệu Sơn; Công ty Cổ Phần dược phẩm Phát Đạt; Công ty TNHH Ripple Việt Nam; Công ty TNHH Cenly Organic.

Như vậy, tính từ đầu năm đến ngày 11/10/2020, Cục An toàn thực phẩm xử phạt 45 cơ sở với tổng số tiền xử phạt trên 2,9 tỷ đồng.

Chia sẻ với phóng viên, Luật sư Phan Thị Lam Hồng - Công ty Luật Đông Hà Nội cho rằng, cơ quan chức năng cần siết chặt và có chế tài mạnh mẽ hơn đối với các trường hợp vi phạm quảng cáo, giới thiệu "thổi phồng" công dụng các sản phẩm trên môi trường thương mại điện tử.

"Việc quảng cáo thổi phồng chức năng, lừa dối người tiêu dùng đối với những sản phẩm có thể ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người là cực kỳ nguy hiểm. Các bộ, ngành, cơ quan chức năng cần có chế tài mạnh mẽ đối với những trường hợp như vậy'', Luật sư Hồng chia sẻ.

Cũng theo vị Luật sư, việc quảng cáo cũng phải gắn trách nhiệm với các công ty sản xuất và phân phối, tiếp thị; bởi không ngoài trừ trường hợp các doanh nghiệp vì mục đích xấu có thể bắt tay với nhau thổi phòng công dụng của sản phẩm để bán được hàng, vì lợi nhuận mà bỏ mặc sức khỏe của người tiêu dùng.

Thiện Nhân
Phiên bản di động