"Tiếp sức mùa thi" năm 2019: Bám sát nhu cầu bức thiết của thí sinh

Ban tổ chức chương trình "Tiếp sức mùa thi" năm 2019 khẳng định, các phương án, mô hình đã sát với nhu cầu của thí sinh, giảm bớt tính hình thức không cần thiết; số lượng tình nguyện viên và các đội tình nguyện viên vừa đủ cho các hoạt động  
Tây Nguyên: Kết thúc kì thi THPT Quốc gia, nhiều thí sinh vắng trong ngày thi cuối cùng Nhiều lãnh đạo xã, công chức “cắp sách” đi thi tốt nghiệp Thi THTP Quốc gia 2019: Kon Tum hỗ trợ thí sinh vùng cao hàng trăm triệu đồng Gia Lai: Hàng ngàn suất cơm miễn phí trao tay thí sinh vùng cao Tây Nguyên: Đề “vừa sức” nhiều thí sinh “vượt vũ môn” thành công Đà Nẵng: Thí sinh khá thoải mái sau khi thi xong môn Anh văn Bộ GD& ĐT đánh giá cao sự giúp đỡ, hỗ trợ thí sinh ở Gia Lai
tiep suc mua thi nam 2019 bam sat nhu cau buc thiet cua thi sinh
Đồng chí Bùi Quang Huy, Bí thư BCH Trung ương Đoàn, Chủ tịch Trung ương Hội Sinh viên Việt Nam, phát biểu tại hội nghị

Sáng 3/7, tại TP Tam Kỳ (Quảng Nam) Bộ Giáo dục và Đào tạo, Trung ương Hội Sinh viên Việt Nam tổ chức Hội nghị tổng kết chương trình "Tiếp sức mùa thi" năm 2019.

Theo đó, chương trình “Tiếp sức mùa thi” năm 2019 đã hỗ trợ thí sinh và người nhà của thí sinh tại 1.980 điểm thi trên cả nước; hỗ trợ 53.475 thí sinh có hoàn cảnh khó khăn. Tổng nguồn lực hỗ trợ lên đến 13 tỷ đồng. Chương trình đã nhận được sự quan tâm tích cực của toàn xã hội.

Cụ thể, chương trình "Tiếp sức mùa thi" năm 2019 được triển khai tại 63 tỉnh, thành phố, thành lập 344 đội hình tình nguyện cấp tỉnh; 2.548 đội hình tình nguyện cấp cơ sở với 55.404 tình nguyện viên túc trực tại các điểm thi. Các điểm thực hiện các hoạt động tư vấn, hỗ trợ như: Cung cấp thông tin, giải đáp thắc mắc, hỗ trợ ứng phó các tình huống khẩn cấp, chỉ dẫn sơ đồ phòng thi, cung cấp 489.223 chai nước, 100.121 suất ăn miễn phí, 11.453 cẩm nang, bản đồ miễn phí… cho thí sinh.

tiep suc mua thi nam 2019 bam sat nhu cau buc thiet cua thi sinh
Đại diện Đại học Thái Nguyên phát biểu tại hội nghị

Đánh giá tại hội nghị, Ban tổ chức chương trình "Tiếp sức mùa thi" khẳng định, các phương án, mô hình đã sát với nhu cầu của thí sinh, giảm bớt tính hình thức không cần thiết; số lượng tình nguyện viên và các đội tình nguyện viên vừa đủ cho các hoạt động; đặc biệt là trong việc hỗ trợ cho các thí sinh tại các địa phương vùng sâu, vùng xa, hải đảo… đã được quan tâm và triển khai hiệu quả.

Nhiều đơn vị tổ chức các mô hình cổ vũ tinh thần cho thí sinh, thiết lập các kênh thu thập nhu cầu của thí sinh, thiết lập đường dây nóng hoạt động 24/24 để giải đáp các thắc mắc liên quan đến kì thi.

Tại Hội nghị, nhiều ý kiến đến từ các Tỉnh đoàn trong cả nước đều nhận định, hiệu quả chương trình "Tiếp sức mùa thi" năm nay đã đi vào thực chất và đây là hoạt động không thể thiếu trong mỗi mùa thi. Nhiều mô hình mới đã được các Tỉnh đoàn triển khai hiệu quả đã giúp các thí sinh có điều kiện tốt nhất trong các ngày thi.

tiep suc mua thi nam 2019 bam sat nhu cau buc thiet cua thi sinh
Đội "Tiếp sức mùa thi" ở tỉnh Gia Lai

Đại diện của Tỉnh đoàn Sơn La cho biết, những hoạt động tình nguyện đã nhận được sự quan tâm của người dân địa phương. Họ đã cùng chia sẻ và giúp đỡ các thí sinh có hoàn cảnh khó khăn như: nấu ăn miễn phí, chỗ ở miễn phí. Điều đó cho thấy, hoạt động tình nguyện "Tiếp sức mùa thi" đã thực sự lan tỏa rộng rãi trong xã hội về mục đích nhân văn của chương trình.

Đại diện Thành đoàn TP HCM cho biết, TP HCM là thành phố lớn, lượng thí sinh tham gia kì thi rất đông, nhiều thí sinh đến từ rất xa. Chính vì vậy, ngay từ trước khi kì thi diễn ra, Thành đoàn đã xác định, các mô hình triển khai hoạt động tình nguyện phải bám sát vào nhu cầu bức thiết của thí sinh, đặc biệt đối với các thí sinh ở xa, thí sinh có hoàn cảnh khó khăn, bắt đầu từ bến xe, điểm trường, bố trí chỗ ăn ngủ, kịp thời giải đáp các thắc mắc cho thí sinh cũng như các bậc phụ huynh đưa đón con đi thi.

tiep suc mua thi nam 2019 bam sat nhu cau buc thiet cua thi sinh
Đại úy Trần Trọng Nguyên, Phó Bí thư Đoàn Thanh niên Bộ Công an phát biểu tại hội nghị

Đại úy Trần Trọng Nguyên, Phó Bí thư Đoàn Thanh niên Bộ Công an cho rằng, các hoạt động ý nghĩa thông qua nhiều hình thức như, hỗ trợ ôn luyện cho các thí sinh trước khi thi, đưa đón thí sinh bằng nhiều hình thức thuận lợi nhất, giúp đỡ các thí sinh khuyết tật, hỗ trợ các lực lượng chức năng bảo đảm trật tự, an toàn giao thông tại các khu vực, điểm thi… Những hình ảnh nhân văn này sẽ tạo nên dư luận tốt cho xã hội, khẳng định vai trò không thể thiếu của chương trình “Tiếp sức mùa thi”.

Tuy nhiên, các đại biểu dự Hội nghị cũng đã nhìn nhận thực tế vẫn còn những tồn tại, hạn chế cần phải rút kinh nghiệm và khắc phục trong năm 2020 đó là, kênh tiếp nhận thông tin nhu cầu thí sinh qua website và đường dây nóng chưa thực sự phát huy hiệu quả, số lượng đăng kí chưa cao; việc cụ thể hóa chủ trương, quan điểm trong công tác triển khai kế hoạch tổ chức chương trình của một số đơn vị chưa tốt; công tác phối hợp chưa thực sự thống nhất dẫn đến các nội dung triển khai bị trùng lặp, nhiều điểm thừa tình nguyện viên; công tác rà soát, lên phương án hỗ trợ thí sinh có hoàn cảnh khó khăn một số đơn vị còn chậm trễ, chưa quyết liệt, thiết thực và hiệu quả. Nhiều tình nguyện viên còn thiếu kinh nghiệm trong việc hướng dẫn, hỗ trợ thí sinh và người nhà thí sinh.

tiep suc mua thi nam 2019 bam sat nhu cau buc thiet cua thi sinh
Đại diện các đơn vị được khen thưởng trong chương trình "Tiếp sức mùa thi" năm 2019

Phát biểu tại Hội nghị, đồng chí Bùi Quang Huy, Bí thư BCH Trung ương Đoàn, Chủ tịch Trung ương Hội Sinh viên Việt Nam, cho rằng, các hoạt động phải thực sự thiết thực với nhu cầu mà thí sinh cần hỗ trợ, tránh những động tác “thừa” như phát bản đồ, che ô cho thí sinh… vô tình khiến thí sinh trở thành người yếu thế là không cần thiết, thậm chí là phản cảm.

Kết luận Hội nghị, đồng chí Bùi Quang Huy nhấn mạnh: Năm 2020, đề nghị các cấp bộ Đoàn, Hội cần nghiêm túc trong việc cụ thể hóa chủ trương, quan điểm triển khai kế hoạch "Tiếp sức mùa thi" phù hợp với điều kiện thực tế hiện nay; đặc biệt là công tác hỗ trợ thí sinh có hoàn cảnh khó khăn, vùng sâu vùng xa; tăng cường công tác tuyền truyền cho thí sinh trên các kênh thông tin; thí sinh có hoàn cảnh khó khăn để có hình thức hỗ trợ kịp thời; đồng thời khảo sát nhu cầu tại các điểm thi để có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, qua đó đề ra kế hoạch, phương án phù hợp, loại bỏ các mô hình hỗ trợ bất cập, không thiết thực với thí sinh.

Đối với các trường tổ chức kỳ kiểm tra sát hạch mà bản chất không khác gì kỳ thi đại học ngày xưa, do từng trường tổ chức, nên thí sinh và người nhà thí sinh khắp nơi sẽ tập trung về nên cần triển khai chương trình hỗ trợ cho các em.

Chương trình "Tiếp sức mùa thi" đã trải qua 18 năm và đã trở thành thương hiệu mang tính nhân văn sâu sắc được xã hội ghi nhận và đánh giá cao. Vì vậy, Trung ương Đoàn và Hội Sinh viên Việt Nam mong muốn đoàn viên, thanh niên, sinh viên tiếp tục là hạt nhân nòng cốt trong việc triển khai "Tiếp sức mùa thi" năm 2020 một cách năng động, hiệu quả, thiết thực để góp phần đẩy mạnh phong trào thanh niên tình nguyện nói chung, phát huy vai trò của thanh niên trong việc thực hiện vai trò, trách nhiệm với cộng đồng, xã hội.

N.Dương
Phiên bản di động