Thường trực Ban Bí thư: Công tác nhân sự phải chặt chẽ, chọn đúng người
Chủ tịch Quốc hội: Công tác nhân sự tiến hành kịp thời, đúng quy trình Quốc hội kết thúc chất vấn và họp riêng về công tác nhân sự |
Đạo đức là bản sắc dân tộc Việt Nam
Ngày 9/7, Bộ Chính trị, Ban Bí thư tổ chức Hội nghị toàn quốc quán triệt Quy định số 144-QĐ/TW của Bộ Chính trị về chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, Đảng viên trong giai đoạn mới; Chỉ thị số 35-CT/TW về Đại hội Đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng.
Tại hội nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa quán triệt nội dung Quy định số 144-QĐ/TW và hướng dẫn thực hiện Quy định.
Đồng thời, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Lê Minh Hưng quán triệt nội dung chủ yếu của Chỉ thị số 35-CT/TW.
Theo đó, đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa cho biết, Quy định số 144-QĐ/TW là văn bản cụ thể hóa Kết luận số 21-KL/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, Đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện tự diễn biến tự chuyển hóa, khẳng định sự quan tâm đặc biệt của Đảng ta về tầm quan trọng của công tác xây dựng Đảng về đạo đức, nhất là trong bối cảnh Đảng đang đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, xây dựng, chỉnh đốn Đảng ta ngày càng trong sạch, vững mạnh.
Vấn đề về đạo đức cách mạng đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh đề cập ngay từ khi xây dựng Đảng và điều chỉnh, bổ sung những yêu cầu về phẩm chất, đạo đức cách mạng của người Đảng viên phù hợp với từng yêu cầu, nhiệm vụ, tình hình cụ thể. Bởi theo Người “một dân tộc, một Đảng và mỗi con người, ngày hôm qua là vĩ đại, có sức hấp dẫn lớn, không nhất định hôm nay và ngày mai vẫn được mọi người yêu mến và ca ngợi, nếu lòng dạ không trong sáng nữa, nếu rơi vào chủ nghĩa cá nhân”.
Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa quán triệt nội dung Quy định số 144-QĐ/TW và hướng dẫn thực hiện quy định. |
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng nhiều lần khẳng định, đạo đức là bản sắc dân tộc Việt Nam, hình thành cùng với lịch sử đất nước hàng ngàn năm qua. Tổng Bí thư cho rằng đối với mỗi người, đặc biệt là đối với mỗi cán bộ, Đảng viên thì “danh dự và lòng tự trọng là điều thiêng liêng, cao quý nhất”.
Trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng ta luôn quan tâm, đề cao việc giáo dục, rèn luyện đạo đức cách mạng cho cán bộ, Đảng viên, coi đạo đức cách mạng là gốc, là nền tảng tư tưởng của người cách mạng, là nền tảng sức mạnh để đoàn kết dân tộc, thực hiện thắng lợi sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước, dân tộc. Theo đó, nhiều chỉ chị, nghị quyết xây dựng Đảng về đạo đức, gắn với đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đã được ban hành.
Quy định số 144-QĐ/TW được ban hành là sự chắt lọc, kế thừa, làm mới những yêu cầu, tiêu chuẩn về đạo đức cách mạng mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nêu trong những bài nói, bài viết, tác phẩm trước đó.
Đây là lần đầu tiên Đảng ta ban hành một quy định riêng về chuẩn mực đạo đức cách mạng, nhấn mạnh chuẩn mực đạo đức cách mạng hay còn gọi là chuẩn mực đạo đức cộng sản xây dựng trên nền tảng Chủ nghĩa Mác - Lê nin và tư tưởng Hồ Chí Minh.
Theo đó, chuẩn mực đạo đức cách mạng ngoài khuôn mẫu đạo đức chung của xã hội còn mang nét đặc thù, gắn với mục tiêu, lý tưởng, sứ mệnh chính trị của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Với những nội dung cốt lõi gồm 5 điều về chuẩn mực đạo đức cách mạng; 19 tiêu chí đánh giá việc thực hiện chuẩn mực đặt trong 5 mối quan hệ và các nghĩa vụ, trách nhiệm của cán bộ, Đảng viên trong các mối quan hệ đó, Quy định số 144-QĐ/TW được kỳ vọng sẽ nhanh chóng phát huy hiệu quả, không chỉ đáp ứng yêu cầu của tình hình, nhiệm vụ cách mạng trong bối cảnh đất nước ngày càng đổi mới, hội nhập quốc tế sâu rộng mà còn đồng thời cho thấy sự tu dưỡng đạo đức cách mạng là nhiệm vụ quan trọng, cần thiết, thường xuyên, lâu dài đối với mỗi người cán bộ, đảng viên.
Không để “lọt” vào cấp ủy những người không đủ tiêu chuẩn
Quán triệt những nội dung chính, cốt lõi, điểm mới được thể hiện tại Chỉ thị số 35-CT/TW, đồng chí Lê Minh Hưng - Trưởng Ban Tổ chức Trung ương nhấn mạnh, đây là văn bản quan trọng, định hướng rõ quan điểm, nguyên tắc, mục tiêu, yêu cầu, nội dung cơ bản chuẩn bị Đại hội Đảng bộ các cấp để các cấp ủy, tổ chức Đảng quán triệt, lãnh đạo, chỉ đạo, cụ thể hóa và tổ chức thực hiện ở cấp mình đảm bảo phù hợp, đúng quy định.
Đồng chí Lương Cường - Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư phát biểu tại hội nghị. |
Kế thừa một số nhiệm kỳ gần đây, trên cơ sở Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 19/5/2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ, các quy định của Trung ương và chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư, Trưởng tiểu ban Nhân sự Đại hội XIV của Đảng, Bộ Chính trị chỉ đạo, yêu cầu cần tiếp tục đẩy mạnh, đổi mới mạnh mẽ công tác cán bộ, đồng thời đặt ra 7 yêu cầu đối với công tác chuẩn bị và tiến hành đại hội Đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2025-2030.
Theo đó, Chỉ thị số 35-CT/TW cơ bản kế thừa Chỉ thị 35 khóa XII và bổ sung mới 1 yêu cầu là cần có cơ chế, tiêu chí sàng lọc hiệu quả để không bỏ sót những người thực sự có đức, có tài; đồng thời kiên quyết không để lọt vào cấp ủy khóa mới những người có bản lĩnh chính trị không vững vàng, không kiên định đường lối, quan điểm của Đảng; phẩm chất đạo đức, năng lực uy tín giảm sút, ý thức tổ chức kỷ luật kém, mất đoàn kết, né tránh, đùn đẩy, sợ trách nhiệm, không dám làm; có biểu hiện cơ hội chính trị, tham vọng quyền lực, tư duy nhiệm kỳ, xu nịnh, chạy chọt, tham nhũng, tiêu cực, quan liêu, cục bộ, “lợi ích nhóm”, có biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”.
Cũng theo Chỉ thị số 35-CT/TW, Đại hội Đảng bộ các cấp sẽ thực hiện 4 nội dung: Tổng kết thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ nhiệm kỳ 2020-2025 và xác định phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp của nhiệm kỳ 2025-2030; Thảo luận, đóng góp ý kiến vào dự thảo các văn kiện Đại hội XIV của Đảng và văn kiện Đại hội Đảng bộ cấp trên trực tiếp; bầu ban chấp hành Đảng bộ nhiệm kỳ 2025-2030; bầu đoàn Đại biểu dự Đại hội Đảng bộ cấp trên.
Kết luận hội nghị, đồng chí Lương Cường - Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư đề nghị các tổ chức Đảng cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt một số vấn đề nhằm triển khai Quy định số 144-QĐ/TW và Chỉ thị số 35-CT/TW được thực hiện nghiêm túc, hiệu quả, đồng bộ, xuyên suốt, tạo chuyển biến rõ rệt trong nhận thức và hành động trong toàn Đảng, toàn hệ thống chính trị, tăng sự đồng thuận của các cấp, các ngành và nhân dân.
Đồng chí Lương Cường cho rằng, từng chi bộ, chi ủy, nhất là người đứng đầu cấp ủy, người đứng đầu các cấp chính quyền trong hệ thống chính trị cần đề cao vai trò trách nhiệm nêu gương trong thực hiện đồng thời tăng cường công tác kiểm tra, giám sát thi hành kỷ luật Đảng, dựa vào nhân dân để xây dựng Đảng. Đối với mỗi cán bộ, đảng viên phải tự giác học tập, phấn đấu tu dưỡng, rèn luyện, tự soi, tự sửa theo các chuẩn mực đạo đức đề ra tại quy định 144.
Đối với Chỉ thị số 35-CT/TW, các cấp ủy, tổ chức Đảng cần nắm chắc 7 yêu cầu, 6 nội dung trong chỉ thị và quán triệt sâu sắc chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Căn cứ Chỉ thị số 35-CT/TW và các hướng dẫn của Trung ương, đặc điểm địa phương, cơ quan, đơn vị, các cấp lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng kế hoạch tổ chức thực hiện, bảo đảm để cán bộ, Đảng viên nắm rõ, hiểu đúng, thực hiện đồng bộ thống nhất từ Trung ương đến cơ sở.
Cùng với đó, lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện chuẩn bị tốt các chương trình, dự thảo văn kiện Đại hội, quá trình xây dựng dự thảo văn kiện phải phát huy trí tuệ tập thể và dân chủ, dành thời gian lấy ý kiến các đối tượng một cách phù hợp.
Với công tác nhân sự và bầu cấp ủy, cần nghiên cứu kỹ lưỡng Chỉ thị, thực hiện chặt chẽ, lưu ý, công tác nhân sự phải đảm bảo sự lãnh đạo trực tiếp toàn diện của cấp ủy Đảng, đồng thời phát huy trách nhiệm người đứng đầu. Quá trình thực hiện phải đúng nguyên tắc, đúng quy trình, phát huy dân chủ, giữ đúng kỷ cương, kỷ luật.
"Công tác chuẩn bị nhân sự phải đảm bảo cả về tiêu chuẩn, độ tuổi, cơ cấu, số lượng, trong đó, cần đặc biệt coi trọng chất lượng, không vì cơ cấu mà hạ thấp tiêu chuẩn. Làm chặt chẽ về nguyên tắc, đúng quy trình nhưng phải lựa chọn đúng người, trúng người theo quy định", đồng chí Lương Cường lưu ý.