Thừa Thiên Huế xây dựng nhà máy xử lý rác 70 triệu USD
Rác thải đang quá tải ở Huế |
Ngày 9/12, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, đang triển khai xây dựng Nhà máy xử lý rác Phú Sơn (xã Phú Sơn, thị xã Hương Thủy).
Theo đó, dự án Nhà máy xử lý rác Phú Sơn có quy mô đất đai khoảng 65ha; quy mô thu gom bao gồm địa bàn TP. Huế (các phường phía nam sông Hương), thị xã Hương Thủy, huyện Phú Vang và huyện Phú Lộc. Quy mô chôn lấp sức chứa 450.000m3.
Các phân khu chức năng gồm: Khu điều hành, phân loại- tái chế, khu xử lý theo công nghệ sinh học; khu đốt rác, chôn lấp, khu xử lý rác thải y tế, khu cây xanh, mặt nước...
Dự án do Công ty China Everbright International Limited làm chủ đầu tư với tổng mức đầu tư dự án là 70 triệu USD (hơn 1,6 nghìn tỷ đồng), công suất xử lý 600 tấn rác/ngày đêm.
Hiện nay, chủ đầu tư của dự án này đang phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan để hoàn thành việc đàm phán, ký kết hợp đồng dịch vụ xử lý chất thải rắn sinh hoạt và triển khai các thủ tục về đầu tư gồm: Lập quy hoạch chi tiết 1/500 thuộc phạm vi dự án, lập báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án, lập bổ sung quy hoạch Điện lực quốc gia dự án đốt rác sinh hoạt phát điện xã Phú Sơn…
Dự kiến dự án sẽ khởi công xây dựng vào đầu năm 2020 và hoàn thành vào năm 2021. Thời gian hoạt động của dự án 25 năm, thời gian kết thúc dự án tối đa đến năm 2044.
Cũng theo lãnh đạo Thừa Thiên Huế, vị trí quy hoạch xây dựng Khu xử lý chất thải rắn tập trung Phú Sơn không thuộc lưu vực thượng nguồn sông Hương.
Mặt khác, đối với công nghệ của nhà máy đã được lựa chọn thì việc kiểm soát khí thải, nước thải ra môi trường phải được giám sát chặt chẽ. Nước thải từ quá trình tiếp nhận rác, xử lý rác...đều được thu gom và được xử lý để tuần hoàn sử dụng cho hoạt động của nhà máy.
Trong trường hợp có thải ra môi trường phải đáp ứng quy chuẩn, tiêu chuẩn Việt Nam; đảm bảo nước thải sau khi xử lý thải vào lưu vực nước sông dùng cho cấp nước sinh hoạt.
Ngoài ra, hệ thống quan trắc về nước thải, khí thải sau khi xử lý phải đảm bảo cơ quan nhà nước có thẩm quyền quan trắc kiểm tra, giám sát thông qua cổng thông tin riêng liên kết với mạng lưới giám sát môi trường của bộ ngành địa phương, thuận tiện trong việc giám sát quản lý trực tuyến của Chính phủ.
Đồng thời, hệ thống giám sát còn có thể liên kết với hệ thống DCS hoặc hệ thống SIS có thể thực hiện việc giám sát từ xa.