Thủ tướng: Ngân hàng Nhà nước cần điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt, nới lỏng hơn

Người đứng đầu Chính phủ đề nghị ngành ngân hàng thực hiện chính sách tiền tệ linh hoạt, nới lỏng hơn, có trọng tâm, trọng điểm và có kiểm soát...
Hiệp hội Ngân hàng kêu gọi các nhà băng chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp, người dân Phát hiện sai phạm về cho vay tại một số ngân hàng Chính phủ yêu cầu khẩn trương xử lý ngân hàng yếu kém, giảm lãi suất cho vay 1,5 - 2%

Sáng 15/7, Thủ tướng Phạm Minh Chính dự và chỉ đạo Hội nghị sơ kết hoạt động ngân hàng 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2023.

Theo đánh giá của Thủ tướng, trong 6 tháng đầu năm 2023, ngành ngân hàng đã tập trung rà soát, hoàn thiện thể chế về tiền tệ, ngân hàng; đẩy mạnh cải cách hành chính, góp phần cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Hệ thống các tổ chức tín dụng tiếp tục được củng cố; trong đó chú trọng xử lý nợ xấu, từng bước giải quyết vấn đề sở hữu chéo, lợi ích nhóm; nâng cao chất lượng tín dụng, hiệu quả kinh doanh, bảo đảm an toàn hệ thống.

Ngân hàng Nhà nước đã điều hành chủ động, linh hoạt các công cụ của chính sách tiền tệ (như nghiệp vụ thị trường mở, lãi suất, tăng trưởng tín dụng); giảm liên tục 4 lần lãi suất điều hành; lãi suất tiền gửi bình quân còn 5,8%/năm (giảm 0,7% so với cuối năm 2022), lãi suất cho vay bình quân còn 8,9%/năm (giảm 1%). Điều hành tỉ giá linh hoạt, phù hợp; bảo đảm ổn định thị trường tiền tệ, tỉ giá, ngoại hối, trong khi nhiều nước tiếp tục thắt chặt tiền tệ và nâng lãi suất điều hành.

Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước cũng đã nỗ lực triển khai nhiều giải pháp về tín dụng, đa dạng hóa các sản phẩm, hướng tín dụng vào sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng. Chỉ đạo, hướng dẫn các ngân hàng thương mại cơ cấu lại thời gian trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn theo Nghị quyết số 50 và 95 của Chính phủ (đến cuối tháng 5/2023, cơ cấu lại thời gian trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ cho hơn 11,2 nghìn khách hàng với dư nợ trên 24,8 nghìn tỷ đồng).

Thủ tướng: Ngân hàng Nhà nước cần điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt, nới lỏng hơn
Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Hội nghị sơ kết hoạt động ngân hàng 6 tháng đầu năm 2023.

Ngân hàng Nhà nước cũng đã bổ sung quy định tạo điều kiện thuận lợi, tăng khả năng tiếp cận vốn tín dụng của người dân, doanh nghiệp; tích cực tổ chức các hội nghị kết nối ngân hàng - doanh nghiệp để đối thoại trực tiếp, giải quyết khó khăn, vướng mắc về tiếp cận vốn tín dụng. Đến cuối quý I/2023, đã tổ chức 214 buổi gặp gỡ, đối thoại trên toàn quốc, các tổ chức tín dụng đã kết nối, hỗ trợ cho trên 80.000 doanh nghiệp với dư nợ được hỗ trợ là 1,3 triệu tỷ đồng.

Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, theo Thủ tướng, hoạt động của ngành ngân hàng còn những hạn chế, bất cập. Mặt bằng lãi suất, đặc biệt là lãi suất cho vay vẫn còn cao. Dư nợ tín dụng tăng thấp, nhiều doanh nghiệp vẫn khó tiếp cận tín dụng mới. Nợ xấu tiếp tục được xử lý nhưng vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro. Tiến độ xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém còn chậm. Công tác nắm bắt, dự báo tình hình chưa sát; việc giải quyết khó khăn, vướng mắc của người dân, doanh nghiệp có lúc, có nơi còn chậm, chưa kịp thời…

Thủ tướng chỉ ra một số bài học, theo đó, Ngân hàng Nhà nước cần bám sát, nắm chắc tình hình, dự báo chính sách, đưa chính sách kịp thời, phù hợp, hiệu quả, tăng cường giám sát kiểm tra; các tổ chức tín dụng cần đồng hành, chia sẻ, cảm thông với khách hàng, người dân và doanh nghiệp; doanh nghiệp và người dân cần nắm chắc pháp lý, hợp tác chặt chẽ, tin cậy với hệ thống ngân hàng; các bên hài hòa lợi ích, chia sẻ rủi ro, đặt mình vào địa vị của người khác trong lúc khó khăn, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của các chủ thể.

Theo Thủ tướng, thời gian tới, dự báo tình hình thế giới tiếp tục diễn biến nhanh, phức tạp, khó lường, tác động, ảnh hưởng nặng nề trên nhiều lĩnh vực. Ở trong nước, khó khăn, thách thức nhiều hơn thời cơ, thuận lợi; sức ép đối với công tác chỉ đạo điều hành kinh tế vĩ mô còn rất lớn.

Thủ tướng: Ngân hàng Nhà nước cần điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt, nới lỏng hơn
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu kết luận Hội nghị sơ kết hoạt động ngân hàng 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2023.

Do đó, về định hướng chính sách, thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước cần tiếp tục thực hiện chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, nới lỏng, kịp thời, hiệu quả; phối hợp đồng bộ, chặt chẽ, hài hoà với chính sách tài khoá mở rộng hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm, hiệu quả, nhanh chóng, dứt khoát.

Ông Phạm Minh Chính cho rằng, việc Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đưa ra chủ trương chuyển chính sách tiền tệ từ "chặt chẽ" (trước tháng 10/2022) sang "chắc chắn" (từ tháng 10/2022) và tiếp tục chuyển sang "linh hoạt, nới lỏng hơn" (từ tháng 6/2023) là cần thiết và phù hợp nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng, tạo việc làm, sinh kế cho người dân. Thủ tướng cũng lưu ý, thực hiện chính sách tiền tệ linh hoạt, nới lỏng hơn cần có trọng tâm, trọng điểm và có kiểm soát.

Thủ tướng nêu thêm, chia sẻ một số vấn đề quan trọng để Ngân hàng Nhà nước và ngành ngân hàng lưu ý. Trước hết, ngân hàng là huyết mạch của nền kinh tế, mạch máu có lưu thông tốt hay không chính là do hiệu quả hoạt động của ngành ngân hàng và vai trò điều tiết của Ngân hàng Nhà nước. Do đó, điều tiết phải nhanh chóng, kịp thời, linh hoạt, hiệu quả.

Lãnh đạo Chính phủ cho rằng, bản thân các ngân hàng thương mại cũng là doanh nghiệp, các nhà lãnh đạo, quản trị ngân hàng đã quyết tâm rồi thì quyết tâm cao hơn nữa, nỗ lực rồi thì nỗ lực lớn hơn nữa, hành động rồi thì hành động quyết liệt, hiệu quả hơn nữa, phát huy "tâm, tài, trí, tín" để "vượt sóng, vượt gió" đi lên. Cần phải đặt lợi ích chung, lợi ích của Nhân dân lên trên hết.

Mặt khác, ngân hàng và doanh nghiệp có mối quan hệ "cộng sinh", "nhân quả", nên phải đặt mình vào địa vị của người khác để lắng nghe, chia sẻ nhiều hơn. Nguồn vốn là vấn đề "sống còn" của doanh nghiệp, cho vay là hoạt động "sống còn" của ngân hàng, trong khi khách hàng chủ yếu của ngân hàng là doanh nghiệp. Đây là mối quan hệ "cộng sinh" cùng có lợi, nên cần phải được thực hiện theo cơ chế thị trường trên cơ sở nguyên tắc bảo đảm "lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ". Doanh nghiệp, người dân là hệ sinh thái không thể thiếu được của ngân hàng, "trong anh có tôi, trong tôi có anh, tuy hai mà một, tuy một mà hai", Thủ tướng nói.

Trong thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước tập trung điều hành tăng trưởng dư nợ tín dụng với cơ cấu hợp lý, đáp ứng nhu cầu vốn tín dụng cho nền kinh tế; hướng nguồn vốn tín dụng vào sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng; tiếp tục thực hiện các giải pháp đồng bộ, quyết liệt để giảm mặt bằng lãi suất, nhất là giảm lãi suất cho vay. Xác định hạn mức tăng trưởng tín dụng phù hợp với tình hình thực tiễn.

Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo rà soát các điều kiện, tiêu chí cho vay để điều chỉnh phù hợp, thuận lợi hơn, bảo đảm tăng khả năng tiếp cận tín dụng của người dân, doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Đẩy mạnh triển khai thực hiện gói tín dụng 40.000 tỷ đồng hỗ trợ lãi suất và 120.000 tỷ đồng cho vay nhà ở xã hội.

Đối với các tổ chức tín dụng, cần triển khai các giải pháp tiết giảm chi phí, cắt giảm các loại phí để giảm lãi suất cho vay; rà soát, điều chỉnh điều kiện, tiêu chí cho vay, cắt giảm, đơn giản hóa, công khai, minh bạch thủ tục cho vay để tăng khả năng tiếp cận tín dụng cho doanh nghiệp, người dân.

Về cơ cấu lại các tổ chức tín dụng, xử lý nợ xấu, Thủ tướng yêu cầu tiếp tục triển khai quyết liệt, hiệu quả Đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021 - 2025 theo Quyết định 689 của Thủ tướng Chính phủ và công tác xử lý nợ xấu theo Nghị quyết 42 của Quốc hội. Đồng thời, tập trung, khẩn trương xử lý, cơ cấu lại các ngân hàng thương mại yếu kém, bảo đảm thanh khoản, an toàn hệ thống. Khẩn trương cho Công ty Quản lý tài sản (VAMC) tiếp tục xử lý nợ, bảo đảm kịp thời, hiệu quả.

Người đứng đầu Chính phủ cũng yêu cầu, ngành ngân hàng tham gia phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp lành mạnh, hiệu quả, bền vững trong bối cảnh quy mô thị trường trái phiếu doanh nghiệp của Việt Nam còn khiêm tốn với mức dư nợ khoảng 15% GDP, thấp hơn các nước Đông Nam Á, trong khi theo chiến lược tài chính quốc gia thì quy mô thị trường trái phiếu doanh nghiệp đạt tối thiểu 20% GDP, dư nợ thị trường trái phiếu đạt 47% GDP đến năm 2025.

Theo đó, ngành ngân hàng cần kiểm soát việc "đại chúng hoá" ở thị trường thứ cấp; phải phân biệt giữa trái phiếu doanh nghiệp phát hành bởi định chế tài chính và các loại trái phiếu khác, không ảnh hưởng đến tổ chức phát hành uy tín với kinh nghiệm lâu năm; tạo điều kiện cho doanh nghiệp hoạt động tốt có thể huy động vốn qua phát hành trái phiếu để hỗ trợ phục hồi kinh tế.

Thủ tướng cũng cho biết, vừa qua đã chỉ đạo Bộ Tài chính phân loại cụ thể để có biện pháp phù hợp: Trái phiếu có khả năng trả nợ; trái phiếu khó có khả năng trả nợ; trái phiếu không có khả năng trả nợ.

Lãnh đạo Chính phủ đề nghị ngành ngân hàng tích cực tham gia tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, góp phần phát triển thị trường bất động sản an toàn, lành mạnh, bền vững; xử lý nghiêm các hành vi đưa thông tin không chính xác, sai lệch, xuyên tạc, gây tác hại đến sự hoạt động lành mạnh, minh bạch của các thị trường tài chính, tín dụng, bất động sản.

Hậu Lộc
Phiên bản di động