Phát hiện sai phạm về cho vay tại một số ngân hàng
VietABank bị phạt thuế hơn 2,5 tỷ đồng, nợ có khả năng mất vốn 894 tỷ đồng VietABank vẫn 'ỉm' thông tin nợ xấu |
Thanh tra Chính phủ vừa có thông báo kết luận về việc thực hiện đề án tái cơ cấu, xử lý nợ xấu ngân hàng giai đoạn 2013 - 2017.
Theo đó, Thanh tra Chính phủ đã thanh tra với nhiều ngân hàng thương mại và phát hiện nhiều vi phạm về cho vay tại một số nhà băng, trong đó có Ngân hàng TMCP Việt Á (VietABank).
Cụ thể, tại VietABank, tính tại thời điểm ngày 31/8/2018, tổng dư nợ của ngân hàng là 6.510 tỷ đồng, chiếm 17,28% tổng dư nợ cho vay. Qua thanh tra, cơ quan chức năng phát hiện nhà băng này đã thẩm định, phê duyệt cho vay khi dự án chưa đủ hồ sơ pháp lý, chủ đầu tư không đủ điều kiện thực hiện dự án.
Trong đó, việc thẩm định, xác định doanh thu, chi phí thực hiện dự án đầu tư không chính xác, với Công ty Cổ phần Đầu tư phát triển Hưng Thịnh Việt Nam và Công ty Cổ phần Đầu tư PHD.
Đồng thời, VietABank cũng chưa phân loại nợ đúng quy định với Công ty Cổ phần Tập đoàn xây dựng và Phát triển Nhà Vicoland, Công ty Cổ phần Điện Bình Thủy Lâm Đồng. Theo quy định nợ của các khách hàng này phải chuyển sang nhóm 4 (nợ nghi ngờ) và 5 (nợ có khả năng mất vốn), nhưng vẫn được ngân hàng giữ ở nhóm 1 (nợ đủ tiêu chuẩn).
Bên cạnh đó, VietABank cũng cho 10 doanh nghiệp vay vốn, với dư nợ 4.860 tỷ đồng, theo các hợp đồng hợp tác đầu tư kinh doanh ký với chủ đầu tư dự án. Bản chất là giải ngân vốn cho chủ đầu tư để thực hiện dự án, trong khi các dự án chưa đủ hồ sơ pháp lý, chưa đủ điều kiện huy động vốn.
Theo tìm hiểu, VietABank hiện do ông Phương Thành Long làm Chủ tịch Hội đồng quản trị và ông Nguyễn Văn Trọng làm Tổng Giám đốc.
Theo báo cáo tài chính quý I/2023 được công bố mới đây, tổng nợ xấu của VietABank tại thời điểm ngày 31/3/2023 ở mức 953,7 tỷ đồng, giảm nhẹ 0,2% so với hồi đầu năm. Đáng chú ý, trong khối nợ xấu trên, nợ có khả năng mất vốn đã chiếm tới 907 tỷ đồng, tương đương chiếm khoảng 95%.
Được biết, khoản nợ của Công ty Cổ phần Tập đoàn xây dựng và Phát triển nhà Vicoland ở thời điểm ngày 30/11/2020 đã chuyển sang nhóm nợ 3 (nợ dưới tiêu chuẩn), ngày 31/10/2021 chuyển nhóm nợ 4. Hiện, Công ty Cổ phần Tập đoàn xây dựng và Phát triển nhà Vicoland vẫn đang nợ VietABank 500 tỷ đồng, thuộc nhóm nợ 5.
Tại thời điểm ngày 31/3/2023, tổng tài sản của VietABank chỉ là 94.792 tỷ đồng, giảm 10.356 tỷ đồng, gần 10% so với cuối năm 2022. Dư nợ cho vay là 66.620 tỷ đồng, trong đó chủ yếu cho vay ở lĩnh vực thương mại, sản xuất, chế biến (19.381 tỷ đồng); xây dựng, khai khoáng (11.524 tỷ đồng); kho bãi, vận tải và thông tin liên lạc (2.984 tỷ đồng); các ngành nghề khác (32.683 tỷ đồng).
Trong quý I/2023, tình hình kinh doanh của VietABank không mấy khả quan khi lợi nhuận trước thuế giảm 27,9% so với cùng kỳ năm ngoái, chỉ đạt 244 tỷ đồng. Mặt khác, theo báo cáo lưu chuyển tiền tệ, tại thời điểm cuối tháng 3/2023, dòng tiền kinh doanh của ngân hàng đang ở mức âm kỷ lục, gần 15.000 tỷ đồng; lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động đầu tư cũng âm hơn 17 tỷ đồng.