Thói quen đắp lá chữa gãy xương có thể gây biến chứng nặng nề
Nhiễm trùng, hoại tử do đắp lá vào cánh tay bị thương Đắp thuốc nam chữa bỏng, hai bàn chân bé trai bị nhiễm trùng nặng |
Mới đây nhất là trường hợp của bệnh nhân Vi Văn H. (15 tuổi, xã Châu Bình, huyện Quỳ Châu), ngày 17/7 nhập viện Đa khoa Khu vực Tây Bắc trong tình trạng gãy di lệch 1/3 trên hai xương cẳng tay phải ngày thứ 15 trong tình trạng nhiễm trùng, do trước đó tự điều trị bằng cách đắp thuốc nam (các loại lá không rõ).
Theo người nhà bệnh nhân, trước đó, bệnh nhân bị tổn thương gãy tay. Sau khi vào cơ sở y tế kiểm tra đều phát hiện gãy xương và được chỉ định nhập viện để điều trị. Tuy nhiên, bệnh nhân xin về để tự điều trị tại nhà bằng cách đắp lá.
Sau khi tự đắp lá thuốc lên vết thương chỗ gãy xương 15 ngày, tay của bệnh nhân Vi Văn H. sưng đỏ, đau nhiều, mưng mủ đục... lúc đó, bệnh nhân mới đến viện để kiểm tra.
Tương tự, bệnh nhân Vi Hùng C. (40 tuổi) ở Nghĩa Đàn bị gãy tay khi lao động. Nghe lời hàng xóm, bệnh nhân đi đắp thuốc của một thầy lang. Đắp được gần 10 ngày thì bệnh nhân bị nhiễm trùng cẳng tay, sưng to cẳng tay bên phải, viêm đỏ toàn bộ cánh tay, các ngón tay sưng, viêm, phải nhập viện Đa khoa Khu vực Tây Bắc để điều trị.
Tay của bệnh nhân sau khi tự ý đắp lá chữa bệnh (Ảnh: BV cung cấp) |
BS Cao Xuân Kim - Khoa chấn thương chỉnh hình Bệnh viện Đa khoa khu vực Tây Bắc cho biết thời gian qua, Khoa tiếp nhận nhiều trường hợp tự ý đắp thuốc lá, gây ra nhiều tổn thương nặng nề.
“Với trường hợp của bệnh nhân Vi Văn H., những tổn thương này bắt buộc phải được kiểm soát tình trạng nhiễm trùng phầm mềm rồi mới có thể tiến hành phẫu thuật kết hợp xương cho bệnh nhân, điều này ảnh hưởng đến quá trình hồi phục xương do xử lý quá muộn”, Bs Cao Xuân Kim cho biết.
BS Cao Xuân Kim khuyến cáo, người dân khi gặp các chấn thương liên quan đến gãy xương, hãy đến ngay bệnh viện để được các bác sĩ tư vấn điều trị. Tuyệt đối không nên tự điều trị tại nhà bằng bất cứ phương pháp dân gian nào để tránh những biến chứng có thể xảy ra như nhiễm trùng, cong vẹo, lệch trục chi, ảnh hưởng vận động… nguy cơ phải cắt bỏ chi cao nếu không được theo dõi và điều trị kịp thời.
Không hiếm trường hợp người bệnh bị chấn thương nhẹ nhưng do lơ là không đi khám mà thường đắp lá, đắp thuốc dẫn đến viêm nhiễm, thậm chí là tàn phế. Vì vậy, người dân cần cẩn trọng khi sử dụng thuốc nam trong mọi trường hợp. Đặc biệt là những bài thuốc dân gian, truyền miệng không được kiểm chứng bởi nó tiềm ẩn nguy cơ nhiễm trùng rất cao, ảnh hưởng tới sức khỏe của người bệnh.
BS Cao Xuân Kim nhấn mạnh: “Hiện nay, tình trạng người bệnh sử dụng phương pháp đắp lá để chữa gãy xương vẫn xảy ra. Chỉ khi xuất biện các biến chứng nặng nề, người bệnh mới đến viện để điều trị. Điều này không chỉ gây đau đớn cho người bệnh, kéo dài thời gian điều trị, mà chi phí tốn kém và rất khó khăn cho quá trình điều trị của bác sĩ”.