Thi tuyển sinh vào lớp 10 ở Hà Nội: Phụ huynh, thí sinh hồi hộp trước giờ “G”
Tiếp sức mùa thi 2020: Mỗi sinh viên hỗ trợ một thí sinh Hà Nội: Huy động 1 vạn giáo viên phục vụ thi tốt nghiệp THPT 2020 |
Áp lực thi cử giảm bớt
Theo ghi nhận của phóng viên, từ sáng sớm, tại các điểm thi, các thí sinh đã có mặt để theo dõi sơ đồ phòng thi, số báo danh và nghe phổ biến quy chế thi. Ngày mai (17/7), các em sẽ chính thức bước vào kỳ thi.
Tại điểm thi trường THPT Lê Lợi (quận Hà Đông, Hà Nội), có 576 thí sinh tham dự kỳ thi được bố trí tại 24 phòng thi, mỗi phòng 24 thí sinh. Sơ đồ phòng thi, danh sách thí sinh và số báo danh được niêm yết trên bảng thông báo đặt ngay trước cổng trường để phụ huynh và học sinh tiện theo dõi.
Chia sẻ với phóng viên, em Nguyễn Mạnh Dũng (phường Yên Nghĩa, quận Hà Đông) chia sẻ: “Em cảm thấy khá thoải mái. Áp lực giảm đi nhiều do năm nay số môn thi đã được giảm xuống còn 3 môn do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Đó là một thuận lợi lớn của chúng em. Tuy nhiên, không vì thế mà chủ quan, em đã ôn luyện khá kỹ kiến thức cơ bản và hy vọng mình sẽ may mắn là 1 trong số 66.492 thí sinh trúng tuyển vào trường công năm nay”.
Thí sinh có mặt từ sớm tại điểm thi THPT Cầu Giấy, Hà Nội (Ảnh: Phạm Tuyết)
Tại điểm thi tại trường THPT Cầu Giấy (quận Cầu Giấy, Hà Nội), các thí sinh cũng bày tỏ tâm trạng hồi hộp trước kỳ thi. Phạm Thị Diệp (học sinh trường THCS Nguyễn Tất Thành, quận Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết, em đăng ký tuyển sinh vào trường THPT Cầu Giấy.
“Ngày mai chính thức thi rồi nên nếu bây giờ mà chưa tự tin thì hơi muộn. Em đã tự tin từ lâu rồi. Không nói trước điều gì nhưng em tự tin là mình có sự chuẩn bị từ trước rồi nên những gì xứng đáng sẽ đến với mình”, Diệp nói.
Không được bình tĩnh như Dũng và Diệp, thí sinh Nguyễn Thị Huyền, dự thi vào THPT Cầu Giấy chia sẻ: “Em đã chuẩn bị rất kỹ, không học tủ nhưng vẫn có một số bài em học kỹ hơn, trọng tâm hơn. Dù có tự tin nhưng em vẫn khá lo lắng và hồi hộp”.
Đã cùng con chuẩn bị tâm lý cho kỳ thi từ lâu nhưng cô Thúy (phường Dịch Vọng Hậu, Cầu Giấy, Hà Nội) không khỏi lo lắng, bồn chồn: “Các cụ xưa đã có câu “học tài, thi phận” nên tôi vẫn cảm thấy vô cùng lo. Sáng nay, tôi đã dậy thật sớm mua hoa quả thắp hương các cụ. Hy vọng với sự chuẩn bị kỹ lưỡng của con, may mắn sẽ mỉm cười với cháu. Tất nhiên, nếu không đỗ được vào trường công, chúng tôi vẫn còn các lựa chọn khác nhưng dù sao được vào trường công lập mà cháu yêu thích là tốt nhất”.
Với gần 89.000 thí sinh tham dự, kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 công lập ở Hà Nội chỉ có 66.492 “suất”. Tức là sẽ có hơn 22.000 thí sinh học dân lập, trung tâm giáo dục thường xuyên hoặc học nghề. Bởi vậy, áp lực dành cho thí sinh là không hề nhỏ.
Tuy nhiên, do chịu ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT ở Hà Nội năm nay có nhiều điểm mới để phù hợp với hoàn cảnh. Điểm mới đầu tiên so với tuyển sinh lớp 10 THPT năm 2019 là giảm số môn thi và cách tính điểm xét tuyển THPT không chuyên nhằm giảm bớt khó khăn cho học sinh do dịch Covid-19.
Năm trước học sinh dự thi THPT công lập không chuyên phải thi 4 môn thì năm nay còn 3 môn, điểm xét tuyển dựa trên điểm 3 môn thi trong đó, Toán và Ngữ văn tính hệ số 2.
Điểm mới thứ 2 là hình thức thi Ngoại ngữ. Năm 2019, môn Ngoại ngữ, học sinh thi 2 phần tự luận và trắc nghiệm khách quan gồm hai bài thi khác nhau, như vậy thực tế học sinh phải làm 5 bài thi. Tuy nhiên, năm nay môn Ngoại ngữ sẽ bỏ thi tự luận và chỉ thi trắc nghiệm khách quan và chấm bằng phần mềm máy tính.
Điểm mới thứ 3 là thứ tự các môn thi, năm nay, kỳ tuyển sinh lớp 10 THPT để giảm áp lực cho học sinh dự thi, Sở quy định ngày 17/7, thí sinh dự thi Ngữ văn và chiều là Ngoại ngữ, sáng 18/7 học sinh sẽ dự thi môn Toán. Các môn thi chuyên vẫn giữ nguyên thứ tự môn thi.
Lưu ý dành cho sĩ tử
Để kì thi diễn ra thuận lợi, đạt kết quả cao nhất, thí sinh cần ghi nhớ một số quy định quan trọng để hạn chế tối đa những sai sót trong kì thi quan trọng này.
Nội dung quan trọng đầu tiên mà thí sinh cần lưu ý là nếu đã đăng ký dự tuyển vào trường THPT công lập ở Hà Nội là phải làm đủ 3 bài thi của kì thi gồm Ngữ văn, Ngoại ngữ và Toán, tuyệt đối không được bỏ bài thi nào.
Sở GD&ĐT Hà Nội chỉ xét tuyển đối với những thí sinh đáp ứng đủ 3 yêu cầu: Làm đủ số bài thi quy định, không vi phạm Quy chế thi đến mức hủy kết quả bài thi và không có bài thi nào bị điểm không.
Vì vậy, ngoài việc làm đủ 3 bài thi với cố gắng cao nhất, thí sinh cần làm bài một cách trung thực, tuyệt đối không được có hành vi gian lận, vi phạm Quy chế thi, nếu không chấp hành nghiêm túc có thể mất quyền lợi dự tuyển vào trường công lập.
Theo Quy chế thi, thí sinh phải có mặt tại địa điểm thi đúng ngày, giờ quy định, chấp hành hiệu lệnh của điểm thi và hướng dẫn của cán bộ coi thi. Thí sinh cần đặc biệt lưu ý, nếu đến chậm quá 15 phút sau khi có hiệu lệnh tính giờ làm bài thì sẽ không được dự thi buổi đó.
Năm nay thứ tự môn thi có sự điều chỉnh so với năm trước. Ngày thi đầu tiên, thí sinh thi môn Ngữ văn và Ngoại ngữ; ngày thi tiếp theo thi thí sinh thi môn Toán. Như vậy, thí sinh không phải thi 2 môn quan trọng trong cùng 1 ngày.
Vật bất ly thân mà thí sinh phải luôn mang theo khi đến trường thi là "Phiếu báo thi vào lớp 10 THPT" năm học 2020 - 2021. Trong trường hợp quên phiếu báo thi, thí sinh có thể sử dụng các giấy tờ tùy thân để được vào thi.
Khi vào thi, thí sinh chỉ được sử dụng giấy thi, giấy nháp do cán bộ coi thi phát trong phòng thi, vì vậy không cần thiết phải đem theo giấy nháp. Thí sinh cũng không được phép sử dụng mực màu đỏ trong bất kỳ tình huống nào, bởi việc này sẽ bị coi là đánh dấu bài thi.
Thí sinh được mang gì vào phòng thi?
Từ thực tế ở các kì thi trước, mặc dù đã được thầy, cô giáo nhắc nhở, phổ biến về danh mục các vật dụng được phép và không được phép mang vào phòng thi, nhưng vẫn có thí sinh bị xử lý kỷ luật về việc này. Lỗi phổ biến của thí sinh là mang điện thoại di động vào phòng thi.
Khi vào phòng thi, thí sinh chỉ được mang bút viết, bút chì, compa, tẩy, thước kẻ, thước tính, máy tính bỏ túi không có chức năng soạn thảo văn bản theo danh mục Bộ GD&ĐT công bố.
Thí sinh không được mang vào phòng thi giấy than, bút xóa, đồ uống có cồn, vũ khí, chất gây nổ, chất gây cháy, tài liệu, thiết bị truyền tin hoặc chứa thông tin có thể lợi dụng để gian lận trong quá trình làm bài thi.
Tại các điểm thi đều có bố trí các địa điểm để bảo quản các vật dụng cá nhân trong thời gian thí sinh dự thi, vì vậy, nếu lỡ mang theo những vật dụng trong "danh mục cấm", nhất là điện thoại (kể cả điện thoại đã tắt nguồn), thí sinh cần gửi lại bên ngoài phòng thi.
Khi gọi danh sách thí sinh vào phòng thi, cán bộ coi thi sẽ kiểm tra các vật dụng mà thí sinh đem vào phòng thi. Nếu đem theo một trong số các vật dụng không có trong quy định vào phòng thi thì thí sinh sẽ bị xử lý kỷ luật ở mức đình chỉ thi, bị điểm 0 bài thi đó và không được dự thi bài thi tiếp theo.