Thành tựu phát triển khẳng định tầm vóc mới

Đúng 15 năm trước, Hà Nội chính thức hợp nhất với tỉnh Hà Tây, huyện Mê Linh (tỉnh Vĩnh Phúc) và 4 xã Đông Xuân, Tiến Xuân, Yên Bình, Yên Trung (thuộc huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình) theo Nghị quyết số 15/2008/QH12 của Quốc hội. Đây là lần mở rộng địa giới hành chính có quy mô lớn nhất trong lịch sử phát triển của Hà Nội, đưa thành phố trở thành Thủ đô lớn thứ 17 trên thế giới với tổng diện tích hơn 3.300km2 (gấp 3,6 lần trước đó), tổng số dân 6,2 triệu người. Với tầm vóc mới, Hà Nội không ngừng phát triển mạnh mẽ, đạt nhiều thành tựu nổi trội, tự tin khẳng định mình.
Để hình ảnh Hà Nội thân thiện, văn minh trong mắt bạn bè quốc tế... Quận Tây Hồ (Hà Nội): Sôi động liên hoan hát múa tổng kết hè 2023 Hà Nội mưa lớn, công nhân gồng mình xử lý điểm ngập

15 năm gặt “quả ngọt”

Có dịp về thăm các huyện ngoại thành, chứng kiến sự phát triển mang tính bứt phá của những vùng nông thôn, miền núi mới thấy rõ hiệu quả của một quyết định mang tính lịch sử.

Đó là sự thay đổi lớn về diện mạo. Nhiều tuyến đường vành đai, trục hướng tâm, cầu được đầu tư, từng bước hình thành hệ thống giao thông đồng bộ, khép kín. Các vùng nông thôn sáng hơn, xanh hơn, sạch hơn với một số tuyến phố kiểu mẫu, tuyến đường Nông thôn mới, những ngôi nhà tầng mọc lên san sát, đời sống vật chất và tinh thần của người dân được cải thiện và nâng cao....

Thành tựu phát triển khẳng định tầm vóc mới
Diện mạo các vùng nông thôn ngày càng khang trang, hiện đại

Những đổi thay ấy bất kể ai cũng có thể dễ dàng nhận thấy. Nhưng nếu nhìn nhận sâu hơn trên nhiều khía cạnh, trong 15 năm qua, Hà Nội đã có một cuộc kiến tạo mang tầm vóc lịch sử trong không gian phát triển mới.

TP luôn duy trì tăng trưởng cao và đóng góp tích cực vào tăng trưởng cả nước. Theo thống kê, bình quân giai đoạn 2011-2022, GRDP của Hà Nội tăng gấp 1,12 lần so với mức tăng chung (cả nước tăng 5,94%/năm). Quy mô GRDP năm 2022 (theo giá cố định 2010) đạt 772,2 nghìn tỷ đồng, gấp 2,17 lần so với năm 2010. Thu nhập tính theo GRDP tăng lên, bình quân đầu người năm 2022 đạt 141,8 triệu đồng (giá hiện hành) - khoảng 5.950 USD, gấp 1,45 lần cả nước (khoảng 4.110 USD) gấp 3,5 – 3,8 lần so với năm 2008 (37,4 triệu đồng - khoảng 1.697 USD).

Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực. Môi trường đầu tư, kinh doanh được cải thiện từng bước, gắn với niềm tin của các nhà đầu tư trong và ngoài nước được nâng lên. Thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn từ 2008 đến nay đều hoàn thành và vượt dự toán thu được Trung ương giao.

Đáng kể, niềm tin của các nhà đầu tư trong và ngoài nước dành cho Hà Nội dần được nâng lên. Giai đoạn 2008-2022, tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội huy động tăng hàng năm 11,04%. So với Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước, mặc dù Hà Nội chỉ bằng 21,2% và 1% tương ứng về diện tích, 41,7% và 8,1% về dân số nhưng đóng góp tương ứng 47,46% và 12,59% về GRDP, 52,48% và 17,07% về thu ngân sách Nhà nước, 14,19% và 4,61% kim ngạch xuất khẩu, 29,77 và 10,77% kim ngạch nhập khẩu.

Việc xây dựng Nông thôn mới (NTM) được Hà Nội thực hiện khá nhanh. Đến nay, TP đã có 15/18 huyện, thị xã đạt chuẩn NTM (còn 3 huyện: Mỹ Đức, Ứng Hoà, Ba Vì đang thẩm định, hoàn thiện hồ sơ); 382/382 (100%) xã đạt chuẩn NTM; 111 xã đạt chuẩn NTM nâng cao và 20 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu.

Đời sống Nhân dân ở các khu vực của Hà Nội đã cải thiện một bước đáng kể so với thời điểm hợp nhất. Năm 2022, thu nhập bình quân đầu người toàn TP đạt 141,8 triệu đồng/người/năm, tương đương với 5.991 USD (tỷ giá hiện tại), gấp hơn 3,5 lần năm 2008 (1.697 USD). Đầu năm 2009, tỷ lệ hộ nghèo toàn TP còn đến 8,43%. Đến đầu năm 2023, Hà Nội chỉ còn có 2.134 hộ nghèo, chiếm 0,095% tổng dân số; Đặc biệt, 16 quận, huyện đã không còn hộ nghèo.

Công tác chăm lo cho con người và xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh chuyển biến tích cực; Các giá trị văn hóa truyền thống ngàn năm văn hiến được gìn giữ và phát huy. Hà Nội là địa phương đầu tiên trong nước hoàn thành tổng kiểm kê, đánh giá, phân loại di tích và bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể với 5.922 di tích và 1.793 di sản văn hóa phi vật thể.

Thành phố tiếp tục dẫn đầu cả nước về quy mô, mạng lưới trường lớp, chất lượng giáo dục mũi nhọn, về số học sinh đạt giải cao trong các kỳ thi học sinh giỏi quốc gia, quốc tế. Tiềm lực khoa học và công nghệ được quan tâm đầu tư phát triển. Thành phố đã triển khai nhiều chương trình hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ, thúc đẩy chuyển giao, làm chủ và phát triển công nghệ trong các ngành, lĩnh vực ưu tiên; Hỗ trợ khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo...

Thành tựu phát triển khẳng định tầm vóc mới
Nhiều mô hình kinh tế mới nâng cao thu nhập cho người dân các vùng nông thôn

Minh chứng sinh động của sự đồng lòng, quyết tâm

Sự phát triển vượt bậc của Thủ đô trong 15 năm qua đã khẳng định tính đúng đắn, tầm nhìn chiến lược, ý nghĩa lịch sử, thực tiễn lâu dài của chủ trương mở rộng địa giới hành chính đối với sự nghiệp xây dựng và phát triển Thủ đô trong thời kỳ công nghiệp hóa - hiện đại hóa, hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng mà còn là minh chứng sinh động và thuyết phục cho tinh thần đoàn kết, hợp tác và trách nhiệm, chủ động, sáng tạo của Đảng bộ, chính quyền, Nhân dân TP Hà Nội trong quá trình xây dựng Thủ đô văn minh, hiện đại.

Quả thật vậy, lật giở lại thời điểm hơn 15 năm về trước, khi Quốc hội đưa vấn đề mở rộng địa giới hành chính Thủ đô ra thảo luận tại nghị trường, còn vô số những ý kiến băn khoăn cho rằng sẽ khó đạt được những mục tiêu Nghị quyết đặt ra. Những lo lắng khi ấy là có cơ sở, khi chỉ qua một ngày (1/8/2008), Hà Nội đã có dân số tăng lên gần gấp đôi với sự chênh lệch về mức độ phát triển, khoảng cách giữa các vùng, miền; Sự khác biệt về tổ chức bộ máy trong hệ thống chính trị, các cơ chế, chính sách, quy mô trong quản lý Nhà nước...

Sau ngày hợp nhất, xuất hiện thêm bao ngồn ngang, thậm chí đã có thời điểm thật “nóng”. Hà Nội phải giải quyết một khối lượng công việc khổng lồ về sắp xếp bộ máy, số lượng người cần phải bố trí lại vị trí làm việc lên đến gần nghìn người; Một số dự án hình thành trước thời điểm hợp nhất mở rộng địa giới hành chính đã không còn phù hợp với quy hoạch phải tạm dừng chờ điều chỉnh, nhiều người dân còn ngỡ ngàng trước những biến động mới nhanh chóng trong đời sống Thủ đô…

Nhưng không vì thế, lãnh đạo và Nhân dân Thủ đô chùn bước. Một loạt chính sách cùng những chỉ đạo quyết liệt và triển khai đồng bộ ở tất cả các cấp, trước tiên nhằm đưa bộ máy đi vào ổn định.

Trong đó, công tác cán bộ được TP xác định là trọng tâm, khâu đột phá trong thực hiện nhiệm vụ chính trị hằng năm và đã được thực hiện đúng quy trình, công khai, công bằng, minh bạch. TP chỉ đạo các cơ quan chuyên môn khẩn trương rà soát các văn bản quy phạm pháp luật do các địa phương trước khi hợp nhất ban hành để sửa đổi, bổ sung, thay thế, ban hành mới trên các lĩnh vực. Các cơ chế, chính sách, tiêu chuẩn, chế độ được rà soát, điều chỉnh đều theo hướng đảm bảo cao nhất cho người thụ hưởng. TP cũng chủ động triển khai việc xây dựng chiến lược, quy hoạch và cơ chế, chính sách phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô với tầm nhìn mới, trong đó có Luật Thủ đô, nhằm thúc đẩy sự phát triển của Thủ đô xứng tầm với yêu cầu của thời kỳ mới…

Thành tựu phát triển khẳng định tầm vóc mới
Hà Nội ngày càng phát triển, xứng đáng với tầm vóc, vị thế

Sức bật mới trên tiềm lực được khai phá

Những năm gần đây, để tạo động lực phát triển cho Thủ đô, trong khi kiên trì thực hiện các nhiệm vụ thường xuyên trong bối cảnh khó khăn, Thành ủy, HĐND, UBND TP đã kịp thời triển khai những chủ trương lớn mang tầm nhìn chiến lược, tạo tiền đề cho Thủ đô phát triển trong 5, 10, 20 năm, thậm chí là 30 năm tới.

Nổi bật là Hà Nội đã đề xuất và được Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 15-NQ/TƯ ngày 5/5/2022 về “Phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”. Cụ thể hóa Nghị quyết, Thành ủy Hà Nội đã xây dựng chương trình hành động xác định 132 nhiệm vụ, đề án thực hiện; Đồng thời kiến nghị các cơ quan trung ương triển khai 74 nội dung liên quan.

Đặc biệt, Hà Nội đã chủ động đề xuất và được Trung ương thông qua chủ trương Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội. Ngay sau khi Quốc hội thông qua chủ trương, Hà Nội đã bắt tay vào thực hiện dự án; Trực tiếp đồng chí Đinh Tiến Dũng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội TP làm Trưởng ban Chỉ đạo. Ngày 25/6 vừa qua, dự án đã chính thức khởi công, đánh dấu mốc quan trọng và chứng minh một con đường của “ý Đảng, lòng dân”.

TP cũng đã ban hành nghị quyết về ưu tiên đầu tư vào 3 lĩnh vực y tế, giáo dục - đào tạo và văn hóa với tổng mức đầu tư hơn 49.200 tỷ đồng trong giai đoạn 2022-2025 và những năm tiếp theo. Sau hơn 1 năm thực hiện, khoảng 1.000 công trình đã được đầu tư cải tạo, sửa chữa, xây dựng mới. Hà Nội cũng đã triển khai thực hiện có hiệu quả những chủ trương lớn thể hiện tầm nhìn, ý chí quyết tâm, đổi mới, sáng tạo như: Phân cấp, ủy quyền; Đề án quản lý tài sản công; xử lý 712 dự án vốn ngoài ngân sách có sử dụng đất chậm tiến độ; Đề án cải tạo chung cư cũ...

Hiện, TP đang tập trung chỉ đạo thực hiện 3 nhiệm vụ lớn là lập Đồ án điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065), xây dựng Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và hoàn thiện hồ sơ sửa đổi Luật Thủ đô. Hà Nội quyết tâm hoàn thành các nội dung này để trình Quốc hội vào kỳ họp tháng 10 năm nay.

Tại Nghị quyết số 12/NQ-CP ngày 7/2/2023 Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 15-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã đưa ra mục tiêu cụ thể khi đến năm 2030, Thủ đô Hà Nội là TP “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”; Trở thành trung tâm, động lực thúc đẩy phát triển vùng đồng bằng sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, vùng Thủ đô và cả nước; Hội nhập quốc tế sâu rộng, có sức cạnh tranh cao với khu vực, thế giới, phấn đấu phát triển ngang tầm thủ đô các nước phát triển trong khu vực.

Trong đó, tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân hàng năm giai đoạn 2021-2025 tăng khoảng 7,5% - 8%; GRDP giai đoạn 2026-2030 tăng 8 - 8,5%/năm; GRDP bình quân đầu người đến năm 2025 đạt khoảng 8.300-8.500 USD, đến năm 2030 đạt khoảng 12.000 - 13.000 USD. Tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GRDP đến năm 2025 đạt khoảng 17%, đến năm 2030 đạt khoảng 20%; Tỷ trọng kinh tế số trong GRDP đến năm 2025 đạt khoảng 30%, đến năm 2030 đạt khoảng 40%; Tỷ trọng giá trị sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong giá trị sản xuất nông nghiệp đến năm 2025 đạt 70%, đến năm 2030 đạt 80%. Năng suất lao động tăng bình quân đến năm 2025 đạt 7,0-7,5%, đến năm 2030 đạt 7,5%...

Như vậy mục tiêu đã có, hành lang phát triển của Hà Nội đã có, điều cốt yếu hiện tại là sự nỗ lực nội tại của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Thủ đô. Tin tưởng rằng, bằng sự quyết tâm không ngừng nghỉ và những tiềm lực đã và đang được khai phá suốt 15 năm qua, Hà Nội sẽ sớm trở thành trung tâm, động lực thúc đẩy phát triển vùng đồng bằng sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, vùng Thủ đô và cả nước...

Tú Linh
Phiên bản di động